Hai năm qua, các TCTD đã xử lý được 166.700 tỷ đồng nợ xấu

Hai năm qua, các TCTD đã xử lý được 166.700 tỷ đồng nợ xấu

Tái cấu trúc ngân hàng đang đi sâu vào chất

(ĐTCK) Theo nhiều chuyên gia kinh tế, việc sáp nhập, hợp nhất để xử lý các ngân hàng yếu kém chỉ là một phần của quá trình tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD). Quan trọng hơn là phải tăng cường năng lực tài chính, năng lực quản trị của từng ngân hàng.

Tăng cường năng lực tài chính và xử lý nợ xấu

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, để có một hệ thống lành mạnh, vốn chủ sở hữu của ngân hàng cần phải được bổ sung, được tính toán một cách thực tế và thực chất.

Trên thực tế, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã thấu hiểu điều này và đang dần thực hiện. Báo cáo của NHNN cho biết, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn trong hơn 1 năm qua, nhưng các TCTD vẫn nỗ lực cải thiện năng lực tài chính, tăng vốn điều lệ để tạo điều kiện mở rộng hoạt động và nâng cao khả năng đối phó với các rủi ro trong hoạt động.

Theo đó, năm 2012, vốn điều lệ toàn hệ thống tăng 11,29%. Năm 2013, NHNN đã chấp thuận cho 13 TCTD trong nước và 3 chi nhánh nước ngoài tăng vốn điều lệ, với số tiền 30.718,8 tỷ đồng và 110 triệu USD.

Để tăng năng lực tài chính cho hệ thống TCTD, bên cạnh tăng vốn, việc xử lý rốt ráo nợ xấu cũng được quan tâm. NHNN cho biết, đến nay có 38/39 NHTM ban hành và gửi NHNN kế hoạch xử lý nợ xấu đến năm 2015 (các TCTD phi ngân hàng vẫn đang tiếp tục xây dựng, gửi kế hoạch này); đồng thời, các TCTD đã và đang tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp xử lý nợ xấu trong khả năng tài chính của mình song song với việc hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn trong sản xuất - kinh doanh của các khách hàng.

Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp xử lý nợ xấu, nợ xấu đã được kiềm chế và có xu hướng giảm. Theo báo cáo của các TCTD, nợ xấu đến ngày 31/12/2013 tương đương 3,61% tổng dư nợ tín dụng và giảm 1,62% so với cuối năm 2012. Các TCTD xử lý được 69.000 tỷ đồng nợ xấu trong năm 2012 và 97.700 tỷ đồng nợ xấu trong năm 2013.

“Mặc dù con số nợ xấu đã được giảm đầy ấn tượng, nhưng vẫn cần thận trọng để tiếp tục đà giảm và đặc biệt, không để nợ xấu gia tăng”, TS. Hiếu nhấn mạnh.

Nâng cao năng lực quản trị

Một lãnh đạo Cơ quan Thanh tra Giám sát NHNN cho hay, xác định việc hoàn thiện đồng bộ các quy định liên quan đến việc đổi mới hệ thống quản trị DN, quản trị rủi ro, minh bạch hóa trong hoạt động ngân hàng, NHNN đã tích cực nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tiền tệ, ngân hàng, các quy định an toàn hoạt động ngân hàng và thanh tra, giám sát ngân hàng. Đồng thời, nghiên cứu, ban hành chuẩn mực, điều kiện an toàn hoạt động ngân hàng phù hợp hơn với yêu cầu thực tiễn của Việt Nam và các thông lệ, chuẩn mực quốc tế.

Trong năm 2012 và năm 2013, NHNN đã ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành 98 văn bản quy phạm pháp luật, bao gồm: 2 Luật, 1 Pháp lệnh, 9 Nghị định, 7 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 79 Thông tư.

Bên cạnh đó, để hỗ trợ cho quá trình cơ cấu lại các TCTD và bảo đảm cho các TCTD hoạt động an toàn, lành mạnh theo những chuẩn mực cao hơn, NHNN đã ban hành nhiều văn bản quan trọng. Trong đó, nhằm hoàn thiện quy định về phân loại tài sản có, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, NHNN đã ban hành Thông tư số 02/2013/TT-NHNN ngày 21/1/2013 quy định về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (Thông tư 02).

“Mặc dù một số yếu tố chính của khuôn khổ pháp lý có thể được coi là đầy đủ cho giai đoạn phát triển của Việt Nam, nhưng khuôn khổ pháp lý vẫn cần nâng cấp đáng kể để đến gần hơn với tiêu chuẩn quốc tế”, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam nhận xét và nêu ví dụ: “Một yếu tố cần thiết của thanh tra, giám sát ngân hàng là người thanh tra, giám sát các tập đoàn ngân hàng được thực hiện trên cơ sở pháp lý hợp nhất, đầy đủ và thích hợp, áp dụng tiêu chuẩn bảo đảm an toàn cho tất cả các khía cạnh của DN được thực hiện bởi các tập đoàn tài chính khu vực và trên toàn thế giới”.

“Tuy nhiên, không có khuôn khổ pháp lý trong vấn đề này. Tích hợp với các hệ thống tài chính toàn cầu, khuôn khổ pháp lý liên quan được nâng cấp một cách thích hợp để đảm bảo giám sát và giám sát các vấn đề xuyên biên giới sẽ là điều quan trọng”, bà Kwakwa nói.

 Tăng cường thanh tra, giám sát

Thực tế cho thấy, thời gian qua, hoạt động thanh tra, giám sát ngân hàng được tăng cường và đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng và hỗ trợ đắc lực cho việc triển khai Đề án cơ cấu lại các TCTD. Kết quả thanh tra, giám sát ngân hàng là căn cứ quan trọng để phân loại TCTD và có biện pháp cơ cấu lại phù hợp. Công tác thanh tra, giám sát ngày càng được đổi mới mạnh mẽ theo hướng thanh tra, giám sát pháp nhân, kết hợp giữa thanh tra, giám sát tuân thủ với thanh tra, giám sát rủi ro.

Tuy nhiên, phó tổng giám đốc một công ty kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam cho rằng, cần áp dụng các biện pháp giám sát đặc biệt đối với ngân hàng; bắt buộc ngân hàng phải khắc phục, chấn chỉnh những sai phạm, rủi ro, yếu kém đã được nêu trong kết luận thanh tra. Một trong những nguyên tắc xử lý ngân hàng yếu kém được NHNN áp dụng trong thời gian qua là người trực tiếp gây ra và các cổ đông lớn gây tổn thất cho ngân hàng phải có trách nhiệm bù đắp tổn thất cho ngân hàng để bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền, tài sản của Nhà nước và nhà đầu tư, thậm chí phải mang tài sản cá nhân vào ngân hàng để thực hiện nghĩa vụ dân sự.

Bên cạnh đó, yêu cầu các ngân hàng xây dựng phương án tái cơ cấu phù hợp với quy định của pháp luật, các giải pháp tái cơ cấu các TCTD trong Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 254/QĐ-TTg ngày 1/3/2012 và phải khắc phục được những sai phạm, rủi ro, yếu kém của ngân hàng được NHNN phát hiện qua thanh tra, giám sát. 

“Đặc biệt, sự vận hành của các ngân hàng trong hệ thống mới cần phải được tăng cường công nghệ thông tin hiện đại, quản lý rủi ro nghiêm túc”, vị phó tổng giám đốc nêu trên nhấn mạnh.

Trong cuộc trao đổi với ĐTCK, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc NHNN Việt Nam chia sẻ, hệ thống TCTD Việt Nam đã được cơ cấu lại một bước quan trọng và vượt qua thời kỳ khó khăn nhất, nguy cơ đổ vỡ hệ thống được loại bỏ, hầu hết các TCTD, kể cả các ngân hàng yếu kém đã được phê duyệt Phương án cơ cấu lại theo đúng thực trạng tình hình và mục tiêu của Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011 - 2015. Các tồn tại, sai phạm và yếu kém trên các mặt hoạt động, tài chính, quản trị điều hành, kiểm soát nội bộ đã được khắc phục, chấn chỉnh từng bước. Các chỉ số an toàn hoạt động cơ bản đáp ứng yêu cầu, quy định của pháp luật; bước đầu hình thành một số ngân hàng có quy mô lớn, quản trị tiên tiến và có khả năng cạnh tranh trong khu vực.

Bài viết này nằm trong Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng Việt Nam 2014, do Báo Đầu tư Chứng khoán - Báo Đầu tư xuất bản ngày 5/5/2014. Tinnhanhchungkhoan.vn sẽ lần lượt đăng tải bài viết của Đặc san này trong thời gian tới.

Quý vị độc giả có thể theo dõi tất cả các bài viết trong Đặc san tại:Toàn cảnh ngân hàng Việt Nam 2014: “Đón vận hội mới”

Tin bài liên quan