Thống đốc Nguyễn Văn Bình thực địa hoạt động DN tại huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi

Thống đốc Nguyễn Văn Bình thực địa hoạt động DN tại huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi

Tái cơ cấu, từ những câu chuyện nhỏ

(ĐTCK) Từ một lĩnh vực được cho là nhạy cảm, dễ xuất hiện những nguy cơ hệ thống, ngành ngân hàng đã dần lấy lại niềm tin của thị trường và xã hội như một trong những ngành có tốc độ và quyết tâm tái cơ cấu quyết liệt nhất. Trong tiến trình đó, không thể thiếu vai trò của sự cầu thị và minh bạch thông tin.

Từ những câu chuyện nhỏ

Cái nắng oi ả những ngày đầu hè trở nên “nóng” hơn khi vừa gặp mặt Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình trong chuyến thực địa tại xã Xuân Nha, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La tháng 4/2015, bà Đỗ Thị Thanh Phương, Chủ tịch kiêm Giám đốc CTCP Đông Ấn Việt Nam, DN chuyên trồng vầu, cây dược liệu tại địa phương này, than thở: “DN khó khăn lắm Thống đốc ơi, từ chính sách đến cuộc sống một trời một vực”.

Bà chủ tịch DN tiếp lời: ngân hàng cứ yêu cầu tài sản bảo đảm, trong khi DN muốn có tài sản thì phải vay tiền ngân hàng trước. Hiện DN đang giao dịch với Agribank và BIDV, VDB Sơn La và  tất cả ngân hàng đều vướng như vậy. Tôi muốn đề xuất, ngân hàng chấp nhận cho phép tài sản bảo đảm hình thành trong tương lai được coi là tài sản bảo đảm. Nếu vay trồng rừng thì phải được vay VDB, vay xây dựng khu nhà máy 15 héc-ta thì vay BIDV, với Agribank, chúng tôi cần vay theo mô hình 1050 (chuỗi liên kết)…

Không “nóng” với lời than vãn, Thống đốc đánh giá cao nỗ lực của một DN từ Hà Nội lên Mộc Châu, Sơn La tham gia trồng rừng, vừa sản xuất - kinh doanh, vừa tạo việc làm cho địa phương, tạo đầu ra xuất khẩu. Tuy nhiên, ông Bình cũng thắng thắn, vốn tự có 3 tỷ đồng so với tổng thể nhu cầu 200 tỷ đồng cho dự án, bước 1 vốn đầu tư 50 - 70 tỷ đồng là quá cao, rủi ro lớn và chắc chắn ngân hàng nào cũng phải thận trọng.

Người đứng đầu ngành ngân hàng đưa ra lời tư vấn cho vị nữ chủ DN trồng rừng. Đó là tốt nhất nên trồng cây vầu để sau 3 - 4 năm thu hoạch cuốn chiếu và quay vòng vốn cho các mảng dài hơi hơn. Bên cạnh đó, làm gì cũng phải có 3 trụ chống, mình có 1, kêu gọi bạn bè 1, vay ngân hàng 1. Tuy nhiên, tại thực địa, Thống đốc Bình cũng ngay lập tức giao cho Giám đốc NHNN Sơn La cùng 3 NHTM (Agribank, BIDV, VietinBank) bàn kỹ, góp ý giúp DN hoàn thiện phương án sản xuất.

“Có thể có phương án đồng tài trợ giữa 3 ngân hàng nhưng DN cũng phải huy động tăng thêm tỷ trọng vốn tự có hoặc huy động bạn bè. Bên cạnh đó, ngân hàng, DN tích cực mà địa phương chính quyền không tích cực thì khó làm, dù cho dự án rất khả thi”, Thống đốc nói.

Trên đây chỉ là một trong rất nhiều câu chuyện mà những người làm báo như chúng tôi được chứng kiến trong các chuyến công tác thực địa dày đặc của người đứng đầu hệ thống ngân hàng trong năm qua. Đó là minh bạch hóa trách nhiệm và nghĩa vụ, gợi ý hướng giải quyết ngay từ những việc tưởng như nhỏ để tổng kết thành những vấn đề lớn trên toàn hệ thống.

Sự thay đổi cách nhìn của dư luận với tiến trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng cũng bắt đầu những câu chuyện của những người nông dân, của DN ở những vùng sâu, vùng xa Tây Bắc, Tây Nguyên hay những nơi người có nhu cầu phải cạnh tranh quyết liệt để có được đồng vốn ngân hàng…

Tạo được “lòng tin” cho hệ thống

Nói đến chuyện vay vốn, ông Nguyễn Hồng Phong, Tổng giám đốc CTCP Công nông nghiệp Tiến Nông (Thanh Hóa) chia sẻ: “Chưa bao giờ DN cũng như người dân được tiếp cận nguồn vốn thuận lợi như hiện nay”.

Nhìn vào số liệu tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống cho thấy không phải ngẫu nhiên ông Phong lại đưa ra nhận định như vậy. Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết, tính đến tháng 4/2015, tín dụng nông nghiệp nông thôn tăng 58,87% so với cuối năm 2011. Đến tháng 2/2015, so với cuối năm 2011, tín dụng xuất khẩu tăng khoảng 39,97%; tín dụng cho vay DN nhỏ và vừa tăng 12,84%; tín dụng đối với lĩnh vực công nghiệp ưu tiên phát triển tăng 21,07%; so với cuối năm 2012, tín dụng đối với lĩnh vực DN ứng dụng công nghệ cao tăng 94%.

Đặc biệt, Nghị định số 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản là một trong những điển hình của việc khẩn trương đưa dòng vốn đến những vùng khó khăn. Được biết, ngay sau khi Nghị định được ban hành ngày 7/7/2014, NHNN đã khẩn trương chỉ đạo NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố ven biển và hệ thống NHTM tích cực triển khai.

Cụ thể, ban hành Thông tư số 22/TT-NHNN về việc hướng dẫn thực hiện chính sách tín dụng theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 25/8/2014; ban hành Công văn số 6991/NHNN-TD gửi NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các NHTM yêu cầu các chi nhánh NHNN tỉnh, thành phố phối hợp với các sở, ban, ngành tham mưu cho chính quyền địa phương kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP một cách đồng bộ, hiệu quả…

Điều đáng nói là ngay khi có thông tin ngư dân khó khăn trong việc tiếp cận vốn tại ngân hàng, muốn vay vốn phải qua môi giới, cuối tháng 9/2014, lãnh đạo ngành ngân hàng đã trực tiếp ra đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi lắng nghe, chỉ đạo các NHTM tìm hiểu để có giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân, DN vay vốn. Theo đó, các NHTM lớn phải thành lập tổ hỗ trợ xuống hướng dẫn bà con làm thủ tục, hồ sơ vay vốn, tạo đường dây nóng để ngư dân phản ánh nếu có vướng mắc…

“Khi chính sách đã có, không thể để ngư dân, DN không tiếp cận được nguồn vốn, vướng ở đâu phải tìm biện pháp tháo gỡ ngay ở đó”, Thống đốc Nguyễn Văn Bình nói.

Gặp mặt người đứng đầu ngành ngân hàng tại Quảng Ngãi, ông Phan Hiển, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ và đánh bắt xa bờ xã Phổ Thạnh, Quảng Ngãi nói: “Ngư dân rất vui mừng khi Thống đốc trực tiếp xuống làm việc, lắng nghe ý kiến và tháo gỡ kịp thời những khó khăn vướng mắc…, hỗ trợ ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển”. 

Và vai trò của nhất quán thông tin

Tỷ giá hối đoái cũng như quan điểm điều hành của NHNN đã có một thay đổi cơ bản bắt đầu từ năm 2012 và thực tế, cũng bắt đầu từ đó, hầu hết chính sách lớn của ngành đều được công khai và thực hiện nhất quán trong một thời gian dài. Sau khi phá giá rất mạnh vào đầu 2011 thì suốt năm 2012, NHNN đã không điều chỉnh tỷ giá hối đoái một lần nào. Và đến năm 2013 - 2014, mỗi năm, cũng chỉ điều chỉnh tỷ giá 1 lần vào giữa năm và có đưa ra cam kết tỷ giá không tăng quá 2 - 3% trong mỗi năm và sang đến năm2015, NHNN cũng đặt ra cam kết là tỷ giá không tăng quá 2%.

Hay đối với thị trường vàng, trước khi Nghị định 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng được ban hành, hoạt động mua bán vàng miếng được thực hiện tại khoảng 12.000 DN, cửa hàng nhỏ lẻ kinh doanh vàng, dẫn đến tình trạng vàng miếng dần dần trở thành phương tiện thanh toán, khó quản lý.

Trong nhiều thời kỳ, khi giá vàng thế giới biến động mạnh, nhiều đối tượng có hành vi làm giá, đầu cơ gây khan hiếm cung giả tạo, đồng thời tung tin đồn thất thiệt khiến người dân chen lấn, xếp hàng rồng rắn đi mua vàng…

“Thị trường vàng là tâm điểm của dư luận về quản lý của NHNN, nhưng 3 năm trở lại đây khi Nghị định 24 đi vào cuộc sống, DN kinh doanh vàng đã hết thời làm mưa, làm gió, thị trường bình ổn đến mức đôi lúc phải cố tạo ra sóng để NHNN không… ngủ quên trên chiến thắng”, một chuyên gia kinh tế nói.

Trong cuộc chuyện trò với ĐTCK, lãnh đạo cao cấp NHNN chia sẻ, để những câu chuyện tái cơ cấu, bắt giữ lãnh đạo cấp cao tại một số NHTM… không gây biến động mạnh đến thị trường, tâm lý xã hội, NHNN đã phải lường trước các tình huống, lên kế hoạch sẵn sàng cho các kịch bản nếu xảy ra.

Trong các kế hoạch đó, chủ động truyền thông, thông tin là một phần quan trọng. Chỉ có minh bạch thông tin và nhất quán trong việc thực hiện các thông tin đã công bố mới tạo được sự bình ổn chắc chắn của thị trường tiền tệ và lòng tin của người dân vào các ngân hàng.

Tin bài liên quan