Tại sao Mỹ phải lo ngại về “Made in China 2025”?

Tại sao Mỹ phải lo ngại về “Made in China 2025”?

(ĐTCK) Đối với chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump, mục tiêu của việc áp dụng các biện pháp trừng phạt không chỉ nhằm giảm bớt lợi thế thương mại của Trung Quốc, mà còn nhằm ngăn chặn kế hoạch “Made in China 2025” Đại lục đã vạch ra.

Những căng thẳng về vấn đề thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã được đẩy lên cao hơn nữa khi cả hai có hành động áp đặt thuế nhập khẩu lên hàng hóa của nhau. Đối với chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump, mục tiêu của việc áp dụng các biện pháp trừng phạt không chỉ nhằm giảm bớt lợi thế thương mại của Trung Quốc, mà còn nhằm ngăn chặn kế hoạch “Made in China 2025” Đại lục đã vạch ra.

Tại sao Mỹ lại lo ngại về kế hoạch này tới vậy? Dưới đây là câu trả lời cho những câu hỏi mấu chốt.

“Made in China 2025” là gì?

Đây là bản kế hoạch chính sách ngành công nghiệp đã được Bắc Kinh thông qua vào năm 2015, qua đó vạch ra đường đi nước bước để cải thiện hoạt động sản xuất tại Trung Quốc dựa trên 10 lĩnh vực chiến lược như khoa học người máy (robotics), chất bán dẫn, hàng không và phương tiện sử dụng năng lượng mới.

Tại sao Mỹ phải lo ngại về “Made in China 2025”? ảnh 1

 Trung Quốc đặt mục tiêu tự cung tự cấp 70% nguyên vật liệu, phụ kiện cho các ngành công nghệ cao

Mục tiêu cốt lõi của Made in China 2025 là khiến ngành công nghiệp Đại lục có thể “tự cung tự cấp”, với những kế hoạch cụ thể như đảm bảo tự cung cấp 70% các nguyên vật liệu, phụ kiện cơ bản cho các ngành công nghiệp như thiết bị hàng không, sản xuất thiết bị viễn thông.

Theo Jianmin Jin, nhà kinh tế tại Fujitsu Research Institute, Made in China củng cố sự độc lập về công nghệ của Trung Quốc, giảm khả năng bị ngăn trở bởi Mỹ và khiến Đại lục bớt nhạy cảm với các lệnh cấm vận kinh tế.

Mỹ đang lo lắng về điều gì?

Bằng chứng cho thấy Mỹ lo lắng về kế hoạch Made in China 2025 của Trung Quốc được thể hiện rõ ràng bởi văn bản công bố từ Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ ngày 22/3 vừa qua. Mặc dù báo cáo này có mục đích công khai các lợi ích thương mại không công bằng mà Trung Quốc được hưởng, nhưng cụm từ “Made in China 2025” được nhắc tới hơn 100 lần trong báo cáo dài gần 200 trang này.

Theo nhiều chuyên gia, điều mà Trung Quốc định làm, là chiếm ngôi vị dẫn đầu các ngành công nghiệp như robotics, vốn được xem là động lực thúc đẩy kinh tế trong thế kỷ XXI.

“Có những lĩnh vực mà nếu Trung Quốc dẫn đầu trên toàn cầu thì sẽ không hề tốt cho nước Mỹ”, Robert Lighthizer, quan chức Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ trả lời trước Uỷ ban Tài chính Nghị viện cuối tháng trước.

Liệu việc Mỹ đánh thuế có làm chậm lại tiến bộ công nghệ của Trung Quốc?

Không hẳn là vậy. Trung Quốc vẫn đang giữ sức cạnh tranh bằng việc leo lên những nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị, từ cải thiện năng suất lao động cho tới không ngừng cải tiến công nghệ.

Bên cạnh đó, theo Fujitsu, Trung Quốc đang ngày càng chuyển hướng sang những ngành công nghiệp tinh vi, hiện đại hơn, biến đây thành động lực tăng trưởng kinh tế.

Việc đánh thuế sẽ tác động thế nào tới thâm hụt thương mại Mỹ - Trung Quốc?

Năm 2017, thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc đạt mức kỷ lục 375 tỷ USD. Ông Trump cho biết, ông muốn con số này giảm xuống còn 100 tỷ USD.

Tuy nhiên, theo Jianmin Jin, chính quyền của ông Trump lo ngại nhiều hơn tới những tiến bộ công nghệ của Trung Quốc trong tương lai gần hơn là những mất cân bằng thương mại giữa 2 nước.

Tại sao Mỹ phải lo ngại về “Made in China 2025”? ảnh 2

 Các khoản thuế của Mỹ tập trung vào lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc, ngược lại, Đại lục nhắm tới các sản phẩm nông nghiệp từ Mỹ

Trước động thái này, Trung Quốc ngay lập tức đã có hành động đáp trả, với việc đánh thuế vào các hàng hóa trị giá 50 tỷ USD từ Mỹ nhập khẩu vào Đại lục.

“Những thế lực từng cố khiến Trung Quốc đầu hàng thông qua áp lực hoặc hăm dọa chưa từng thành công từ trước tới nay, và hiện tại cũng sẽ không thành công”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Geng Shuang trả lời báo chí, theo Xinhua đưa tin.

Liệu hành động đánh thuế của Trung Quốc có thực sự có sức mạnh?

Rất nhiều nhà kinh tế, bao gồm Minoru Kaneko, chiến lược gia tại Daiwa Institute và các cựu quan chức tài chính Nhật Bản cho rằng, Trung Quốc sẽ cố tiến hành các đàm phán với Mỹ để tránh một cuộc chiến tranh thương mại thực sự.

Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cũng đang cân nhắc việc thực hiện một chuyến thăm tới Trung Quốc và trò chuyện với Liu He, cố vấn kinh tế của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Tin bài liên quan