Ông Võ Trí Thành.

Ông Võ Trí Thành.

Tại sao TTCK không phản chiếu diễn tiến kinh tế vĩ mô?

(DTCK-online) Bất chấp thông tin kinh tế vĩ mô tháng 7 khả quan được đưa ra trong các báo cáo của Chính phủ gần đây, TTCK dường như không có phản ứng tích cực nào. Đặc tính dự báo, đi trước của TTCK không lặp lại trong năm 2010 như đã từng xảy ra được Tiến sỹ Võ Trí Thành, Viện phó Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương lý giải dưới nhiều góc độ.

Nhiều NĐT băn khoăn tại sao kinh tế vĩ mô Việt Nam đã tốt hơn rất nhiều mà TTCK vẫn lình xình theo hướng giảm. Ông nhìn nhận diễn biến này ra sao?

Hiện nay, các dự báo mới về tăng trưởng kinh tế thế giới đều đưa ra con số cao hơn so với đầu năm. Song so sánh một cách kỹ càng thì thấy nhiều nhận định cách đây 6 tháng về kinh tế thế giới cơ bản không thay đổi. Điều này cho thấy, những bất định của các nền kinh tế còn cao, rủi ro kinh tế thế giới kể cả khu vực Đông Á được coi là thoát khỏi khủng hoảng kinh tế nhanh theo mô hình chữ V còn rất cao.

Việt Nam là nền kinh tế mở nên không tránh khỏi bối cảnh như vậy. Nhìn vào các chỉ số kinh tế vĩ mô thì thấy có sự khởi sắc nhất định, tạo niềm tin về khả năng phục hồi kinh tế của Việt Nam và khu vực rất tốt. Giới chuyên gia cũng như tổ chức quốc tế gần đây đều nhận định, tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2010 đạt trên, dưới 6,5% là khả thi. Nói như vậy không có nghĩa kinh tế vĩ mô Việt Nam thoát khỏi ám ảnh bất ổn. Ví dụ, góc nhìn của nhiều NĐT nước ngoài dù chỉ mang tính cảm nhận khi nói về kinh tế Việt Nam lại cho rằng không cải thiện nhiều, thậm chí có tổ chức còn đánh tụt mức độ xếp hạng. TTCK Việt Nam thường đi trước nền kinh tế khoảng 3 - 6 tháng, nhưng lần này thị trường lình xình tới 7 - 8 tháng, điều đó cho thấy lòng tin về sự phục hồi kinh tế Việt Nam trong 3 - 6 tháng tới vẫn chưa rõ ràng. Thị trường ngoại hối, dù áp lực căng thẳng đã giảm, nhưng khi có thông tin chưa tốt lập tức có biến động bất lợi. Những biểu hiện đó cho thấy, lòng tin vào sự ổn định kinh tế vĩ mô chưa được thiết lập vững chắc, rủi ro kinh tế vĩ mô trong con mắt của NĐT còn khá cao.

 

Gần đây, không ít chuyên gia kinh tế cho rằng, trong những tháng cuối năm, cần thiết có một sự điều hành kinh tế cởi mở hơn để hỗ trợ các DN và ưu tiên cho tăng trưởng. Theo ông, đâu là định hướng điều hành chính sách kinh tế vĩ mô trong thời gian tới?

Lựa chọn chính sách thời điểm này thực sự khó khăn, chỉ cần thiên về hướng nào đó một cách quá mức thì có thể gây ra những trồi sụt cho nền kinh tế, chính sách điều hành sau đó có thể giật cục để đối phó. Việt Nam đã có kinh nghiệm về việc này và tôi cho rằng, đây là thách thức lớn nhất với việc điều hành chính sách. Một cái nhìn quá hứng khởi cho rằng nền kinh tế đã ổn định và cần thúc đẩy tăng trưởng, một cái nhìn bi quan về ổn định kinh tế vĩ mô và dẫn tới những thắt chặt không cần thiết đều nguy hiểm. Nói như vậy không có nghĩa là không có dư địa để điều chỉnh chính sách. Trong bối cảnh như hiện nay, chúng tôi cho rằng, cần ưu tiên cho những chính sách nhằm tạo dựng lòng tin ổn định kinh tế vĩ mô. Thiếu ổn định và ban hành những chính sách giật cục chỉ tạo điều kiện cho đầu cơ nhiều hơn, cản trở các hoạt động hỗ trợ nguồn lực được chu chuyển một cách hiệu quả.

 

Nhưng rõ ràng là triển vọng kinh tế vĩ mô của Việt Nam rất ổn định, vậy các chuyên gia có đủ lý do để khuyến nghị những giải pháp điều hành cởi mở hơn?

Mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5%, Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được. Lạm phát có thể được khống chế dưới 8% nếu có chính sách ổn định, hợp lý. Nhưng đề cập đến ổn định kinh tế vĩ mô thì câu chuyện không chỉ là lạm phát, mà còn là cán cân thanh toán quốc tế, rủi ro của hệ thống tài chính ngân hàng…

Như ông đã đề cập, vẫn còn dư địa để điều chỉnh chính sách. Vậy dư địa thuộc về lĩnh vực nào, chính sách tiền tệ chẳng hạn?

Người ta nói nhiều về lãi suất. Nền tảng cơ bản của lãi suất thấp hay không là lạm phát. Về nguyên tắc, chỉ kéo được lãi suất xuống nếu lạm phát thấp. Với cả người gửi tiền và người cho vay, lãi suất phải thực dương. Ở Việt Nam, câu chuyện không chỉ là lạm phát, mà người dân còn nhìn các kênh đầu tư khác như vàng, bất động sản, chứng khoán. Chúng ta đều biết, hệ thống ngân hàng vẫn là kênh huy động vốn chủ lực cho nền kinh tế. Vì thế, để ngân hàng huy động được, cho vay được trong mối tương quan với các kênh đầu tư khác là nền tảng của hoạt động kinh tế. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng cho rằng, có một số vấn đề kỹ thuật liên quan đến thị trường liên ngân hàng, thị trường tiền tệ mà Ngân hàng Nhà nước đang thực hiện, có thể cần xem xét lại để hạ lãi suất, tạo điều kiện cho dòng vốn chu chuyển dễ dàng hơn.

 

Lạm phát năm nay được dự báo dưới 8%, đồng nghĩa với việc Việt Nam có nền tảng để điều hành chính sách tiền tệ nới lỏng hơn, thưa ông?

Nếu như ở Trung Quốc, người ta đặt mục tiêu lạm phát chỉ 3 - 4%, thì ở Việt Nam, với tình trạng đôla hóa và vàng hóa như hiện tại, mức lạm phát khoảng 5 - 6% là phù hợp để điều hành chính sách tiền tệ, điều hành các chính sách nhất quán, hạn chế đầu cơ, rót nguồn lực vào đúng chỗ, tạo ra giá trị gia tăng cho nền kinh tế.

 

Như vậy, TTCK nên hiểu lựa chọn chính sách sẽ khó có thể kỳ vọng vào sự đột phá?

Nếu hiểu bối cảnh kinh tế vĩ mô hiện nay thì có thể hiểu diễn biến kéo dài từ đầu năm của TTCK có thể kéo dài ít nhất hết quý III. Cũng không nên có sự hứng khởi quá đà hoặc buồn chán quá mức, vì bối cảnh chung của thế giới và khu vực đều như vậy. Tuy vậy, có lẽ đây là thời điểm tốt để đầu tư trung và dài hạn, không phải ngẫu nhiên mà nhiều quỹ nước ngoài (đầu tư theo hình thức sở hữu tư nhân) đặc biệt quan tâm đến thị trường Việt Nam. Nếu nghĩ rằng, có thể tạo được sự bứt phá thì đó không phải là cách hiểu tốt về TTCK gắn với kinh tế vĩ mô Việt Nam và thế giới hiện nay.