Tâm lý giới đầu tư được cải thiện nhờ cổ phiếu chip ARM

Tâm lý giới đầu tư được cải thiện nhờ cổ phiếu chip ARM

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chứng khoán Mỹ tăng vọt trong phiên thứ Năm (14/9), nhờ động lực tâm lý tích cực từ phiên giao dịch đầu tiên của ARM.

Cổ phiếu của công ty thiết kế chip ARM vọt 24,7% trong phiên này và giúp hy vọng đợt chào bán công nghệ lớn nhất trong năm có thể khởi động một thị trường IPO vốn đang yên ắng.

Đợt chào bán cổ phiếu lần đầu (IPO) của ARM có giá 51 USD/cổ phiếu vào ngày thứ Tư (13/9). Trong phiên đầu tiên, cổ phiếu này đóng cửa ở mức 63,59 USD/cổ phiếu.

Mặt khác, thị trường đón nhận dữ liệu về chỉ số giá sản xuất (PPI) của Mỹ, khi đã tăng 0,7% trong tháng 8, so với dự báo chỉ tăng 0,4% và trên cơ sở hàng năm ghi nhận tăng 1,6%, cao hơn so với ước tính tăng 1,2%.

Doanh số bán lẻ trong tháng 8 cũng tăng 0,6% trong tháng trước, so với ước tính tăng 0,2%, trong khi số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần gần nhất giảm xuống còn 220.000.

Dữ liệu doanh số bán lẻ và giá sản xuất đã cung cấp những manh mối cuối cùng mà Fed sẽ nhận được trước cuộc họp ngày 19-20/2023 và cả hai báo cáo đều cho thấy chi tiêu và giá cả tăng nhiều hơn dự kiến, bao gồm cả mức tăng chi phí sản xuất nhanh nhất kể từ đỉnh điểm nỗi lo lạm phát của Fed vào tháng 6/2022.

Ross Mayfield, Nhà phân tích chiến lược đầu tư tại Baird cho biết: “Dữ liệu kinh tế đang ở trong một trạng thái tốt, với lạm phát đang đi đúng hướng và Fed có thể không cần phải tăng lãi suất thêm”.

Kết thúc phiên 14/9: Chỉ số Dow Jones tăng 331,58 điểm (+0,96%), lên 34.907,11 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 37,66 điểm (+0,84%), lên 4.505,10 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 112,47 điểm (+0,81%), lên 13.926,05 điểm.

Chứng khoán châu Âu có phiên tăng tốt nhất trong sáu tháng, sau khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tăng lãi suất và báo hiệu rằng việc thắt chặt tiền tệ sắp kết thúc, trong khi giá hàng hóa nhích lên đã thúc đẩy các công ty khai thác và cổ phiếu năng lượng.

Đóng cửa, chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu tăng 1,61% lên 461,26 điểm.

Lợi suất trái phiếu chính phủ châu Âu giảm sau khi ECB tăng lãi suất cơ bản lên mức cao kỷ lục 4%, nhưng với nền kinh tế khu vực đồng euro trong tình trạng ảm đạm, báo hiệu đây có thể là động thái cuối cùng của họ.

Mike Bell, chiến lược gia thị trường thanh khoản toàn cầu tại J.P. Morgan Asset Management cho biết, với các cuộc khảo sát kinh doanh cho thấy tăng trưởng tăng trưởng chậm lại sắp xảy ra, ECB có lẽ đã hoàn thành chu kỳ tăng lãi suất.

Các nhóm cổ phiếu bất động sản nhạy cảm với lãi suất tăng 3%, khai thác mỏ tăng 4,2% nhờ giá kim loại tăng cao. Trong khi đó, chỉ số năng lượng tăng 2,4% khi giá dầu thô đạt mức cao nhất năm 2023.

Đi ngược xu hướng, chỉ số ô tô giảm 0,4%, với các nhà sản xuất ô tô Đức như Mercedes, BMW và Volkswagen chịu áp lực.

Bắc Kinh cho biết việc Ủy ban châu Âu mở cuộc điều tra về trợ cấp xe điện (EV) của Trung Quốc và cảnh báo nó sẽ làm tổn hại đến quan hệ kinh tế, một mối quan tâm chung của ngành công nghiệp xe hơi Đức.

Kết thúc phiên 14/9: Chỉ số FTSE 100 của London tăng 147,09 điểm (+1,95%), lên 7.673,08 điểm, chỉ số DAX trên sàn Frankfurt tăng 151,26 điểm (+0,97%), lên 15.805,29 điểm, chỉ số CAC 40 của Paris tăng 86,10 điểm (+1,19%), lên 7.308,67 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản tăng, nhờ tâm lý các nhà đầu tư cảm thấy nhẹ nhõm sau khi dữ liệu cho thấy lạm phát cơ bản của Mỹ vẫn trên quỹ đạo giảm dần.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 đã tăng 1,41% lên 33.168,10 điểm. Chỉ số Topix tăng 1,13% lên 2.405,57 điểm.

"Sự kiện lớn (chỉ số giá CPI tháng 8 của Mỹ) được công bố đã không có bất kỳ bất ngờ tiêu cực nào, điều này đã nâng cao tâm lý nhà đầu tư” Jun Morita, tổng giám đốc bộ phận nghiên cứu tại Chibagin Asset Management cho biết.

Cổ phiếu chủ sở hữu thương hiệu Uniqlo Fast Retailing tăng 3%, là cổ phiếu trợ lực lớn nhất cho Nikkei 225

Trong khi các cổ phiếu lớn khác cũng khởi sắc với cổ phiếu nhà sản xuất thiết bị sản xuất chip Tokyo Electron tăng 3,05% và nhà sản xuất thiết bị kiểm tra chip Advantest tăng hơn 2%.

Chứng khoán Trung Quốc nhích nhẹ, với cổ phiếu ô tô hãm được đà rơi, trong khi các nhà đầu tư tiếp tục tìm kiếm các biện pháp chính sách và dấu hiệu phục hồi kinh tế.

Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 0,11% lên 3.126,55 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 0,08% xuống 3.733,51 điểm.

Nhóm cổ phiếu ô tô điện biến động mạnh, sau khi Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã công bố một cuộc điều tra chống trợ cấp đối với xe điện (EV) của Trung Quốc và tuyên bố châu Âu sẽ làm "bất cứ điều gì cần thiết để giữ lợi thế cạnh tranh".

Chỉ số ô tô của Trung Quốc đã có lúc giảm tới 2% nhưng đã thu hẹp đà giảm và đóng cửa chỉ còn giảm 0,6%. Trong đó, cổ phiếu Nhà sản xuất xe điện BYD, có thị trường ở châu Âu, giảm 3,1%.

Chứng khoán Hồng Kông tăng, chấm dứt sáu ngày giảm liên tiếp trước đó, khi lạm phát lõi của Mỹ chậm lại củng cố khả năng Fed sẽ tạm dừng thắt chặt chính sách vào cuối tháng này.

Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng 0,21% lên 18.047,92 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 0,63% lên 6.275,15 điểm.

Các cổ phiếu đáng chú ý như PetroChina tăng 5,8% và CNOOC tăng 5% lên 13,80 đô la Hồng Kông sau khi giá dầu thô kỳ hạn chạm mức cao nhất trong 10 tháng. Trong khi cổ phiếu JD.com tăng 0,2%, phục hồi nhẹ từ mức thấp kỷ lục.

Chứng khoán Hàn Quốc tăng, do hy vọng Fed có thể tạm dừng tăng lãi suất sau khi dữ liệu lạm phát phù hợp với dự báo.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI tăng 38,19 điểm, tương đương 1,51%, lên 2.572,89 điểm.

Trong số các cổ phiếu lớn, nhà sản xuất chip Samsung Electronics tăng 1,13% và SK Hynix tăng 3,12%, trong khi nhà sản xuất pin LG Energy Solution tăng 2,73%.

Hyundai Motor tăng 0,47% và nhà sản xuất ô tô anh em Kia Corp tăng 0,89%, trong khi Naver Search và tin nhắn Kakao lần lượt tăng 1,58% và tăng 1,05%.

Kết thúc phiên 14/9: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 461,58 điểm (+1,41%), lên 33.168,10 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 3,48 điểm (+0,11%), lên 3.126,55 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 38,70 điểm (+0,21%), lên 18.047,92 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc tăng 38,19 điểm (+1,51%), lên 2.572,89 điểm.

Giá dầu thô leo lên mức cao nhất trong năm, do dự báo về nguồn cung thắt chặt hơn lấn át lo lắng về tăng trưởng kinh tế yếu hơn và tồn kho dầu thô của Mỹ bất ngờ tăng sau nhiều tuần giảm sốc.

Kết thúc phiên 14/9, giá dầu thô WTI chuẩn Mỹ tăng 1,64 USD/thùng (+1,85%), lên 90,16 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 1,82 USD/thùng (+1,98%), lên 93,7 USD/thùng.

Tin bài liên quan