Tân niên, chờ tân chính sách

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Năm nay, nhiều thành viên thị trường quan tâm tới Nghị quyết 01/NQ-CP về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội được Thủ tướng Phạm Minh Chính ký ban hành, trong đó nêu mục tiêu Chính phủ ưu tiên cơ cấu lại thị trường tiền tệ, trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán và bất động sản.

Chính sách tiền tệ sẽ tiếp tục được điều hành đồng bộ, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng và các chính sách khác. Trong đó, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, bảo đảm ổn định hệ thống tài chính - ngân hàng trong mọi tình huống là một trong số nhiệm vụ trọng tâm của điều hành thị trường tài chính - ngân hàng năm 2023.

Việc lành mạnh hoá, phát triển an toàn, bền vững các thị trường được coi là yếu tố giúp tăng nền tảng kinh tế vĩ mô, nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ nền kinh tế.

Thông điệp chính sách đầu năm được đưa ra trong bối cảnh dự báo tình hình thế giới vẫn phức tạp. Dù vậy, gần đây, một vài thông số được cho là quan trọng với thị trường chứng khoán như lạm phát tại Mỹ, tỷ giá đồng USD với các đồng tiền khác… bớt căng thẳng đã nhóm lên tâm lý kỳ vọng và hy vọng thị trường năm 2023 sẽ dần bớt khó khăn.

Một số nhà đầu tư thận trọng vẫn giữ tâm lý phòng thủ, số khác bắt đầu chắt lọc cơ hội chờ giải ngân trở lại trong quý I/2023. Sự chuyển động chính sách trong đầu năm mới, do vậy được theo dõi chặt chẽ, tạo cơ sở trong việc ra quyết định và hành động ở nhiều nhà đầu tư.

Trong đó, chính sách tiền tệ với những động thái hạ nhiệt lãi suất được kỳ vọng lớn nhất, thời điểm nào nhà điều hành “quay xe” định hướng thắt chặt là vấn đề được quan tâm. Đây cũng là chủ đề Đầu tư Chứng khoán chọn phân tích sâu trong số báo tuần này, trước khi thị trường có đợt nghỉ Tết Nguyên đán dài ngày.

Nhìn lại năm 2022, không ít nhà đầu tư mất mát lớn, nhưng dần vượt qua được nỗi đau, coi đó là bài học. Những gì thị trường dạy cho chúng ta chính là kinh nghiệm quý báu cho công việc đầu tư tương lai. Một năm qua bằng kinh nghiệm 4 - 5 năm gộp lại.

Về dài hạn, thị trường chứng khoán chịu tác động rất lớn bởi các yếu tố vĩ mô, chu kỳ tiền tệ và chuyển động ngành. Còn trong ngắn hạn, thị trường bị chi phối bởi yếu tố tâm lý. Nắm vững sự dịch chuyển này để cải thiện hiệu quả trong đầu tư là điều mà nhiều thành viên thị trường đã chiêm nghiệm để hình thành nguyên tắc đầu tư và tuân thủ chặt chẽ.

Đầu tư giống như đánh trận, biết lúc nào nên công, lúc nào nên thủ, lúc nào nên chấp nhận thua để bảo toàn lực lượng.

Những sai lầm nếu có cũng đã qua và các bài học được rút ra luôn là điều tâm đắc. Giờ là lúc khép lại những chuyện cũ để năm mới có cơ hội sửa sai và làm lại, tham gia những trận đánh hiển hách hơn. Thành công trên thị trường chứng khoán trong tương lai phụ thuộc lớn vào những nỗ lực ở hiện tại.

Tin bài liên quan