Tăng giá lương thực tác động đến mã nào?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Khủng hoảng địa chính trị tác động mạnh đến cung - cầu và giá nhiều loại lương thực cơ bản trên thế giới. Các doanh nghiệp xuất khẩu lương thực đang được hưởng lợi.

Nguồn cung bị tổn thương

Cuộc xung đột địa chính trị Nga - Ukraine đã cắt nguồn cung từ các cảng của Ukraine, nơi từng xuất khẩu một lượng lớn dầu hướng dương cũng như các loại ngũ cốc như ngô và lúa mì, trong khi Ukraine và Nga xuất khẩu lượng dầu hướng dương chiếm 48% và 29% tổng xuất khẩu toàn cầu.

Kể từ khi xung đột Nga - Ukraine xảy ra vào tháng 2/2022, lượng xuất khẩu lúa mì nhanh chóng sụt giảm và giá tăng vọt, vì hai nước này chiếm 17% và 12% lượng cung toàn cầu. Theo The New York Times, giá lúa mì thế giới hiện cao hơn khoảng 33% so với cuối năm 2021.

Chưa dừng lại ở đó, ngày 14/5/2022, Ấn Độ ban hành lệnh cấm xuất khẩu lúa mì nhằm ngăn chặn đà leo thang của giá mặt hàng này trong nước, giáng một đòn mạnh vào các thị trường thế giới vốn đang lao đao vì nguồn cung khan hiếm.

Lúa mì là mặt hàng không dễ tăng sản lượng trong thời gian ngắn. Vì thế, bộ trưởng nông nghiệp nhóm các nước công nghiệp và phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã chỉ trích quyết định của Ấn Độ khiến cho giá lúa mì thế giới tiếp tục leo thang. Bởi lẽ, Ấn Độ là nơi sản xuất lúa mì lớn thứ hai thế giới, sau Trung Quốc.

Ngày 17/5, Chính phủ Ấn Độ ra thông báo nới lỏng xuất khẩu lúa mì, cho phép xuất khẩu 61.500 tấn tới Ai Cập.

Theo Bộ Thương mại Ấn Độ, việc xuất khẩu lúa mì vẫn sẽ được áp dụng tới các quốc gia dễ bị tổn thương thông qua các thỏa thuận giữa các chính phủ, nhằm đáp ứng nhu cầu lương thực.

Thu hoạch lúa mì sẽ đạt lại mức đỉnh mới trong năm 2022, với dự kiến sản lượng đạt 111,32 triệu tấn từ tháng 6 tới, tăng so với mức 109,59 triệu tấn của năm trước. Ấn Độ đặt kế hoạch xuất khẩu 10 triệu tấn lúa mì, trị giá 4 tỷ USD trong năm nay, mở rộng cho thị trường mới tại châu Âu, châu Á và châu Phi.

Bất chấp cuộc khủng hoảng tại khu vực Biển Đen và thời tiết bất lợi tại một số vùng sản xuất, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) dự đoán, sản lượng lúa mì thế giới vẫn được mùa trong năm 2022, có thể đạt 782 triệu tấn. Đối với ngũ cốc thô, Brazil đang chuẩn bị thu hoạch một vụ mùa ngô kỷ lục, ước tính đạt 116 triệu tấn. Về phía cầu, nhu cầu sử dụng ngũ cốc trên thế giới dự kiến tăng 0,9%, lên mức 2,785 tỷ tấn.

Diễn biến giá lúa mì thế giới từ đầu tháng 2/2022 đến nay (Đơn vị: UScents/BU). Nguồn: Bloomberg, US Department of Argriculture, World Bank.

Diễn biến giá lúa mì thế giới từ đầu tháng 2/2022 đến nay (Đơn vị: UScents/BU).

Nguồn: Bloomberg, US Department of Argriculture, World Bank.

Ảnh hưởng tới Việt Nam

Một số doanh nghiệp lo ngại, nếu không có lúa mì thì nhiều ngành sản xuất sẽ bị gián đoạn, bởi không có nguyên liệu thay thế. Mỗi năm, Việt Nam nhập khẩu hơn 22 triệu tấn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, trong đó nhập khẩu lúa mì khoảng 2 triệu tấn. Nếu thiếu nguồn cung lúa mì, trong tình hình giá các nguyên liệu đầu vào khác như bắp, đậu nành tăng giá sẽ tác động lớn đến giá thành sản xuất thức ăn chăn nuôi. Đó là chưa kể, lúa mì là nguyên liệu đầu vào quan trọng để sản xuất bánh kẹo, thực phẩm.

Áp lực lạm phát năm nay của Việt Nam được nhìn nhận chủ yếu từ yếu tố nhập khẩu lạm phát và lạm phát chi phí đẩy. Giá nhập khẩu một số nguyên, nhiên vật liệu đầu vào cho sản xuất trong nước quý I/2022 so với cùng kỳ năm trước tăng cao như giá sắt thép tăng 43,87%, giá xăng dầu tăng 40,44%, giá thức ăn gia súc và nguyên liệu tăng 27,73%.

Tuy nhiên, khi giá lương thực thế giới tăng nóng, xuất khẩu lúa gạo được hưởng lợi. Việt Nam đang cung cấp 7 - 10% sản lượng cho thị trường gạo thế giới. Trong tháng 5/2022, thị trường có nhiều tín hiệu lạc quan khi giá lúa gạo có xu hướng tăng do nhu cầu từ Trung Quốc và Trung Đông tăng lên.

Số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, tháng 4/2022, Việt Nam xuất khẩu khoảng 550.000 tấn gạo, giá trị đạt trên 270 triệu USD, đưa tổng khối lượng gạo xuất khẩu trong 4 tháng đầu năm nay lên hơn 2 triệu tấn, giá trị 1 tỷ USD. Dự báo, xuất khẩu gạo và nhiều nông sản khác sẽ tăng trong những tháng tới.

Tại thị trường ASEAN, sản phẩm lúa gạo của Việt Nam được xuất khẩu chủ yếu sang Philippinnes. Quý I/2022, nước này tiêu thụ gạo của Việt Nam chiếm 44,7% tổng khối lượng và chiếm 42,6% tổng kim ngạch xuất khẩu gạo.

Cụ thể, trong quý đầu năm nay, Philippinnes nhập khẩu từ Việt Nam 672.136 tấn gạo, trị giá 311,08 triệu USD, giá trung bình 462,8 USD/tấn, tăng 63,3% về lượng và tăng 41,4% về kim ngạch. Việt Nam cũng xuất khẩu nhiều sang các thị trường khác trong khu vực như Malaysia, Singapore, Indonesia, Brunei.

Với thị trường EU, mặc dù chiếm tỷ trọng nhỏ (1% về lượng và 1,3% về kim ngạch) trong xuất khẩu gạo của Việt Nam, nhưng đây là thị trường tiềm năng và ổn định. Theo Cơ quan Thống kê châu Âu, trong số các nguồn cung cấp gạo vào EU, giá gạo Việt Nam tăng mạnh nhất, với mức 20%, kể từ khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực ngày 1/8/2021.

Trong bối cảnh giá lương thực thế giới tăng nóng, lĩnh vực sản xuất bánh kẹo, thực phẩm, thức ăn chăn nuôi bị ảnh hưởng, nhưng xuất khẩu lúa gạo được hưởng lợi.

Trong bối cảnh trên, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp xuất khẩu lương thực, lúa gạo có diễn biến khả quan. Ngay từ đầu năm 2022, Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (TAR) đã xuất khẩu một lượng lớn gạo chất lượng sang EU với giá 1.000 USD/tấn, Tập đoàn Tân Long vừa xuất khẩu hơn 100 tấn gạo sang Nhật Bản...

Dự báo, năm 2022 là một năm “ăn nên, làm ra” của các công ty xuất khẩu gạo. Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex, mã chứng khoán AGM) đặt mục tiêu đạt doanh thu 8.004 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 70 tỷ đồng, lần lượt tăng gấp đôi và tăng 48% so với năm 2021.

38% sản phẩm gạo của Angimex được tiêu thụ trong nước, 62% xuất khẩu ra nước ngoài, trong đó châu Á chiếm 92,45%. Năm nay, Công ty hợp tác với đối tác Hàn Quốc, tham gia các gói thầu MAV-CSQ, ký kết thỏa thuận hợp tác cùng Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long để nghiên cứu các giống lúa đặc sản, chất lượng cao... nhằm phục vụ những thị trường “khó tính”.

Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời (LTG) đặt kế hoạch lợi nhuận năm 2022 ở mức 400 tỷ đồng, giảm 21 tỷ đồng so với năm 2021, nhưng Công ty đang vận hành hệ thống 24 nhà máy sở hữu và liên kết khắp Đồng bằng sông Cửu Long, với năng lực sấy gần 26.000 tấn/ngày, xay xát hơn 22.000 tấn/ngày, sức chứa 1 triệu tấn, đáp ứng nhu cầu khối lượng lớn từ các thị trường châu Âu, Mỹ, Nhật Bản.

Mới đây, LTG đã ký kết tổ chức sản xuất 2 triệu tấn lúa với Liên hiệp Hợp tác xã Thoại Sơn, tỉnh An Giang nhằm đảm bảo cung ứng cho hợp đồng 2 triệu tấn lúa mà Công ty đã ký kết cho các đối tác trước đó. Trong quý I/2022, LTG đạt lợi nhuận gần 209 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái và hoàn thành 50% kế hoạch cả năm.

Với TAR, doanh nghiệp tiêu thụ 84,1% sản lượng gạo ở thị trường nội địa và 15,9% xuất khẩu. Trong đó, thị trường Hàn Quốc chiếm tỷ trọng 47,4%, tiếp theo là Hồng Kông với 17,8%, Malaysia với 11,5%.

Năm 2022, TAR đặt kế hoạch đạt 3.500 tỷ đồng doanh thu và 600 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 12,2% về doanh thu và gần 6 lần về lợi nhuận so với năm 2021.

Tin bài liên quan