Tạo đà cho thị trường M&A

0:00 / 0:00
0:00
Đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, tháo gỡ những rào cản, xây dựng môi trường pháp lý khả thi, minh bạch… sẽ tạo đà để thị trường M&A Việt Nam đón bắt cơ hội hút mạnh dòng vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài.

Tiêu dùng, bất động sản, công nghiệp, năng lượng tái tạo hút vốn

Bà Nguyễn Việt Hà, Giám đốc điều hành Công ty TNHH BowerGroupAsia Việt Nam - thành viên của BowerGroupAsia Inc. (Hoa Kỳ).

Bà Nguyễn Việt Hà, Giám đốc điều hành Công ty TNHH BowerGroupAsia Việt Nam - thành viên của BowerGroupAsia Inc. (Hoa Kỳ).

Trong những năm qua, hoạt động góp vốn, mua cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài mặc dù chỉ chiếm tỷ lệ khá nhỏ trong tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, nhưng được duy trì với số lượng các giao dịch đáng kể và có tốc độ phục hồi nhanh hơn so với đầu tư trực tiếp.

Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 10 tháng của năm 2022, có tới 2.997 lượt góp vốn, mua cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị vốn góp đạt hơn 3,79 tỷ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2021. Trong khi đó, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 9,93 tỷ USD, giảm 23,7% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, M&A không chỉ bao gồm hoạt động góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài vào doanh nghiệp trong nước, mà còn bao gồm cả những giao dịch mua bán, chuyển nhượng giữa các nhà đầu tư nước ngoài hay giữa nhà đầu tư trong nước với nhau và các giao dịch của doanh nghiệp trong nước đầu tư mua lại cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài.

Theo dữ liệu từ Công ty KPMG Việt Nam, trong 10 tháng qua, tổng giá trị các thương vụ M&A tại Việt Nam ước đạt 5,7 tỷ USD, giảm khoảng 35,3% so với cùng kỳ năm 2021. Các ngành, lĩnh vực chính thu hút nhiều khoản đầu tư gồm tiêu dùng, bất động sản, công nghiệp. Đặc biệt, ngành năng lượng được đánh giá là đang trở nên “hot” nhất vào năm 2022 xét về tăng trưởng giá trị. Trong thời gian tới, sau khi Quy hoạch Điện VIII được phê duyệt, các dự án năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời sẽ tiếp tục thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Thách thức

Theo đánh giá của các chuyên gia, mặc dù có nhiều lợi thế, nhưng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang đối mặt với nhiều thách thức và sự bất ổn lan rộng, Việt Nam khó tránh khỏi những ảnh hưởng tiêu cực khi vốn đầu tư từ các nước phát triển vào thị trường mới nổi suy giảm, căng thẳng địa chính trị và lạm phát tăng cao. Đây là những những yếu tố làm giảm niềm tin của nhà đầu tư vào nhiều thị trường.

Bên cạnh yếu tố khách quan, các nhà đầu tư cũng quan tâm đến yếu tố chủ quan, như tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và những thay đổi về chính sách.

Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và thoái vốn nhà nước trong doanh nghiệp từng được kỳ vọng sẽ cung cấp một danh mục đầu tư lớn và đa dạng cho thị trường M&A. Tuy nhiên, tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn của các doanh nghiệp nhà nước trong những năm gần đây diễn ra khá chậm chạm.

Trong giai đoạn 2016 - 2020, số lượng các doanh nghiệp cổ phần hóa chỉ đạt 30% kế hoạch đề ra. Đặc biệt, trong 2 năm gần đây, số lượng doanh nghiệp cổ phần hóa thấp kỷ lục với chỉ 5 doanh nghiệp tiến hành cổ phần hóa. Trong số 348 doanh nghiệp có kế hoạch thoái vốn nhà nước giai đoạn 2016 - 2020, chỉ có 106 doanh nghiệp đã thực hiện thoái vốn với tổng giá trị là 6.493 tỷ đồng, đạt 30% về số lượng và 11% về giá trị so với kế hoạch được phê duyệt.

Phần lớn các doanh nghiệp cổ phần hóa hay thoái vốn có quy mô lớn với nhiều ngành nghề kinh doanh và nhiều tài sản, thường gặp khó khăn trong việc xử lý tài sản và xác định giá trị của doanh nghiệp, nhất là giá trị về đất đai hay bất động sản. Bên cạnh đó, các sai phạm trong quá trình cổ phần hóa, quản lý vốn và tài sản đang bị thanh tra, kiểm tra cũng tạo ra tâm lý lo ngại, sợ chịu trách nhiệm trong một số lãnh đạo doanh nghiệp hay cơ quan quản lý.

Trong khi đó, các doanh nghiệp nhỏ và vừa hay doanh nghiệp cung cấp dịch vụ công ích do quy mô doanh thu và lợi nhuận không đáng kể, nên không hấp dẫn nhà đầu tư. Phần lớn các doanh nghiệp này chưa có kinh nghiệm, còn lúng túng trong việc xây dựng và thực hiện phương án cổ phần hoá, thoái vốn để kêu gọi các nhà đầu tư.

Một trong những nút thắt khác của quá trình cổ phần hóa, thoái vốn cũng như thực hiện các giao dịch M&A là việc thiếu các quy định pháp lý rõ ràng, minh bạch và cụ thể để hỗ trợ quá trình này.

Ví dụ, các vấn đề liên quan đến xác định giá trị doanh nghiệp, xây dựng phương án giá, quy trình chuyển nhượng cổ phần, các yêu cầu đối với nhà đầu tư chưa rõ ràng và thiếu tính khả thi khiến các doanh nghiệp lúng túng trong quá trình thực hiện, đồng thời tạo cơ hội cho các hoạt động thiếu minh bạch và các nhóm lợi ích. Các yêu cầu đối với nhà đầu tư như phải có năng lực tài chính, công nghệ, hay giám đốc phải có trình độ chuyên môn phù hợp… đang tạo ra những rào cản pháp lý đối với nhà đầu tư, đặc biệt là các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư thông qua một pháp nhân được thành lập mới chỉ để thực hiện giao dịch mua bán, chuyển nhượng.

Ngoài ra, thủ tục xem xét và phê duyệt các giao dịch chuyển nhượng kéo dài, phức tạp cũng là một quan ngại lớn đối với các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, còn nhiều ngành nghề kinh doanh chưa mở cửa hoặc hạn chế nhà đầu tư nước ngoài. Theo Nghị định số 31/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư, hiện có khoảng 84 ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có 25 ngành, nghề chưa được tiếp cận thị trường và 59 ngành nghề kinh doanh tiếp cận thị trường có điều kiện.

Có thể thấy, mặc dù kinh tế toàn cầu đang đối mặt với nhiều thách thức, hoạt động M&A vẫn tiếp tục diễn ra và được thúc đẩy bởi dòng chảy nguồn vốn tư nhân, đặc biệt là từ các quỹ đầu tư tư nhân đang nắm trong tay lượng tiền mặt lớn.

Với sự ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng kinh tế ấn tượng trong năm 2022, thị trường M&A tại Việt Nam có nhiều cơ hội để tiếp tục thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các quỹ đầu tư. Tuy nhiên, Việt Nam có nắm bắt được những cơ hội này hay không phụ thuộc nhiều vào cả các yếu tố khách quan và chủ quan, trong đó có tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, sự gia tăng của danh mục đầu tư, nỗ lực hoàn thiện chính sách nhằm hỗ trợ nhà đầu tư và tạo dựng môi trường pháp lý thuận lợi, khả thi, minh bạch cho các hoạt động M&A.

Tin bài liên quan