Tạo động lực phát triển trong trạng thái bình thường mới

0:00 / 0:00
0:00

Nguồn nhân lực, hạ tầng và môi trường kinh doanh là những trọng tâm được Chính phủ và doanh nghiệp nhìn nhận cần phải chuẩn bị để sẵn sàng tận dụng cơ hội trong trạng thái bình thường mới.

Sự chia sẻ của cộng đồng doanh nghiệp đã bổ sung động lực để Chính phủ Việt Nam điều hành linh hoạt, thực hiện hiệu quả các mục tiêu đề ra. Ảnh: Đức Thanh

Sự chia sẻ của cộng đồng doanh nghiệp đã bổ sung động lực để Chính phủ Việt Nam điều hành linh hoạt, thực hiện hiệu quả các mục tiêu đề ra. Ảnh: Đức Thanh

Doanh nghiệp đặt nhiều kỳ vọng vào Chính phủ

Năm 2020 được xem là một năm của những khó khăn và thách thức lớn với tất cả các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, do phải đối mặt với sự bùng phát của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, với những giải pháp quyết liệt và hiệu quả trong thực hiện mục tiêu kép vừa phục hồi và phát triển kinh tế, đồng thời kiểm soát dịch bệnh, Việt Nam vẫn đạt được những kết quả tích cực với việc duy trì được tăng trưởng GDP, dự kiến năm 2020 đạt 2,5-3%.

Đây là nhận định của hầu hết các hiệp hội, doanh nghiệp có mặt tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam 2020 (VBF 2020) diễn ra hôm qua (22/12).

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, trong các kết quả nêu trên có sự đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. “Sự tin tưởng và chia sẻ của cộng đồng doanh nghiệp đã bổ sung động lực để Chính phủ Việt Nam quyết tâm, điều hành linh hoạt, thực hiện hiệu quả các mục tiêu đã đề ra”, Bộ trưởng nói.

Đề cao vai trò của doanh nghiệp, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh yêu cầu lãnh đạo các bộ, ngành lắng nghe và tiếp thu ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp với tinh thần cầu thị và xây dựng; tích cực trao đổi, giải đáp các ý kiến, thắc mắc, trăn trở của cộng đồng doanh nghiệp.

Đề cao vai trò của doanh nghiệp, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh yêu cầu lãnh đạo các bộ, ngành lắng nghe và tiếp thu ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp với tinh thần cầu thị và xây dựng; tích cực trao đổi, giải đáp các ý kiến, thắc mắc, trăn trở của cộng đồng doanh nghiệp.

Tổng hợp và đưa ra một số đề xuất, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng Chính phủ có các biện pháp cụ thể và nhanh chóng để giải quyết ngay các nút thắt đang cản trở doanh nghiệp tận dụng các cơ hội hội nhập từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) nói chung và từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) nói riêng, để phục hồi từ Covid-19 và tiếp tục phát triển, bao gồm nguồn nhân lực, hạ tầng…

Nhấn mạnh vấn đề hạ tầng, ông Vũ Tiến Lộc kiến nghị, Chính phủ chỉ đạo tập trung triển khai hiệu quả Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) và Luật Đầu tư công với ưu tiên cho lĩnh vực hạ tầng giao thông và các dự án đang triển khai dở dang. Đảm bảo sự kết nối các khu vực sản xuất trọng điểm (nông nghiệp, công nghiệp) đến các cửa khẩu quốc tế. Tại các cửa khẩu quốc tế trọng điểm, đầu tư hoặc kêu gọi đầu tư phát triển, nâng cấp hệ thống logistics cần thiết, đặc biệt đối với các cửa khẩu đầu mối cho các hàng hóa đặc thù.

Về nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, mặc dù đây là công việc của từng doanh nghiệp, nhưng ông Lộc cũng chia sẻ, cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng, Chính phủ có thể hỗ trợ doanh nghiệp trong vấn đề này, bao gồm tăng cường năng lực và chất lượng xúc tiến đầu tư thương mại, hỗ trợ thiết lập các trung tâm kỹ thuật đối với các nhóm nông sản, mà các đối tác nhập khẩu có yêu cầu đặc thù về tiêu chuẩn kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm phải chiếu xạ, phải kiểm tra trước khi bốc hàng…

Cùng với đó, Chủ tịch VCCI kiến nghị Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, với trọng tâm là cải cách về thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp.

“Phản ánh từ các doanh nghiệp cho thấy, đó là các thủ tục hành chính về đất đai, thuế, bảo hiểm xã hội, xây dựng, quản lý thị trường, giao thông, phòng cháy, môi trường, kho bạc và lao động. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành tập trung rà soát và tối ưu hóa quy trình thủ tục hành chính liên ngành, đặc biệt là các thủ tục liên quan tới đầu tư, xây dựng, đất đai, môi trường”, ông Lộc nhấn mạnh.

Cùng với đó, ông Lộc kiến nghị xây dựng và triển khai hiệu quả, thực chất các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, tập trung vào đối tượng doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, tạo thuận lợi cho việc tiếp cận các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Bốn trọng tâm hỗ trợ

Ghi nhận ý kiến từ các hiệp hội, doanh nghiệp, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định, việc kiến tạo môi trường thuận lợi để giúp cộng đồng doanh nghiệp sớm phục hồi và vươn lên, lấy lại động lực phát triển trong trạng thái bình thường mới là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Việt Nam trong chỉ đạo, điều hành kinh tế vĩ mô năm nay.

Để đồng hành và hỗ trợ tối đa cộng đồng doanh nghiệp khắc phục hậu quả của đại dịch Covid-19, vượt qua thách thức và tận dụng tốt nhất các cơ hội trong trạng thái bình thường mới, Phó thủ tướng cho biết, Chính phủ sẽ quyết liệt triển khai các giải pháp.

Thứ nhất, Chính phủ sẽ tiếp tục thực hiện nhất quán mục tiêu giữ vững ổn định chính trị xã hội, bình ổn kinh tế vĩ mô, tạo thuận lợi cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng. Điều hành chủ động, linh hoạt chính sách tiền tệ gắn với chính sách tài khoá và các chính sách khác. Hỗ trợ các doanh nghiệp, bao gồm cả doanh nghiệp nhỏ và vừa, tiếp cận các nguồn vốn và cơ hội đầu tư, kinh doanh.

Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng nội địa bằng các biện pháp phù hợp. Ưu tiên thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, Chính phủ số, coi đây là khâu đột phá trong phát triển nhanh, bền vững.

Thứ ba, Chính phủ sẽ tăng cường khuyến khích đầu tư tư nhân, đầu tư trực tiếp nước ngoài, đầu tư vào hạ tầng cơ sở, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để chủ động đón làn sóng đầu tư mới gắn với tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu và chuyển giao công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường.

Thứ tư, tập trung đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư ở trong và ngoài nước bằng các hình thức mới nhằm tăng cường giới thiệu, quảng bá tiềm năng thị trường và sức hấp dẫn của nền kinh tế Việt Nam, qua đó giúp các doanh nghiệp mở rộng thị trường và mạng lưới đối tác thương mại, thu hút các dự án đầu tư có chất lượng cao.

Ý KIẾN - NHẬN ĐỊNH

Nguồn cung cấp điện ổn định là vấn đề quan trọng.

Ông Kim HanYong, Chủ tịch Phòng Thương mại Hàn Quốc tại Việt Nam (KoCham)

Tôi đề nghị Chính phủ Việt Nam cân nhắc việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Để hỗ trợ tăng trưởng bền vững, nguồn cung cấp điện ổn định là vấn đề quan trọng mà Chính phủ cần xem xét.

Tôi được biết, Bộ Công thương Việt Nam đang chuẩn bị xây dựng Quy hoạch Phát triển Điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030 (Quy hoạch điện VIII), là quy hoạch cung cấp điện trung và dài hạn. Việc mở rộng các nguồn năng lượng mới và tái tạo, trong đó có năng lượng mặt trời sẽ là ưu tiên hàng đầu mà Chính phủ Việt Nam theo đuổi và chúng ta đều nhất trí với nghị trình này.

Tôi hiểu rằng, các nhà máy điện chịu tải chính trong lưới điện, với năng lực sản xuất điện ổn định, không bị gián đoạn, đóng vai trò thiết yếu đối với quy hoạch đó. Để hướng đến mục tiêu này, hiện là thời điểm vô cùng thích hợp để Việt Nam cân nhắc phát triển điện hạt nhân, vốn đã bị ngưng lại trong quy hoạch trung - dài hạn.

Tôi tin tưởng rằng, chúng tôi sẽ có thể hợp tác với Chính phủ Việt Nam để cung cấp điện ổn định trong tương lai, vì Hàn Quốc đã có rất nhiều kinh nghiệm và bí quyết trong hoạt động sản xuất của nhà máy điện hạt nhân.

Khai khoáng là lĩnh vực hợp tác đầy tiềm năng.

Ông David John Whitehead, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Australia tại Việt Nam (Auscham)

Trong bối cảnh này, khai khoáng là lĩnh vực đầy tiềm năng để hợp tác phát triển. Australia là một trong những quốc gia hàng đầu thế giới về thực hiện đổi mới trong khai thác và chế biến, với chuyên môn kỹ thuật xuất sắc, an toàn và bền vững môi trường.

Còn ngành khai khoáng Việt Nam đang hoạt động với “công nghệ khai thác, chế biến ở mức hạn chế, điều kiện hạ tầng còn thiếu, lực lượng nhân công lớn, nhưng năng suất lao động thấp, sử dụng nhiều năng lượng, rủi ro an toàn cao và ô nhiễm môi trường vượt xa mức cho phép” (theo phản ánh của một công ty khai thác mỏ quốc doanh hàng đầu).

Các khu vực phát hiện mỏ khoáng sản thường nằm ở vùng sâu, vùng xa, miền núi và chủ yếu gồm những vùng kinh tế - xã hội nghèo nhất trong cả nước. Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Khai thác bền vững và hiện đại ở Việt Nam chắc chắn sẽ đáp ứng hai trong các mục tiêu chính của Ngân hàng Thế giới trong Khung Đối tác Quốc gia tại Việt Nam, gồm: phát triển cơ sở hạ tầng, mở rộng cơ hội tham gia hoạt động kinh tế của các dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa.

Australia có thể đóng vai trò quan trọng trong việc giúp Việt Nam tận dụng các nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú, chưa được khai thác một cách hiệu quả, có trách nhiệm với môi trường, bền vững và an toàn, nhằm thu hút vốn nước ngoài và tạo chuyển biến quan trọng cho tăng trưởng kinh tế đất nước.

Tin bài liên quan