Tỷ phú Bill Gates: COVID-19 vừa là trở ngại, vừa là động lực cho phát triển toàn cầu

0:00 / 0:00
0:00
Đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã xóa mờ những tiến bộ đạt được trong thực hiện nhiều mục tiêu quan trọng như chấm dứt nghèo đói trong thập kỷ tới, nhưng chính những tác động kinh tế mà đại dịch gây ra đã chứng minh phát triển toàn cầu là điều rất cần thiết.
Tỷ phú Bill Gates tại một sự kiện ở Lyon, Pháp ngày 9/10/2019. Ảnh: AFP/TTXVN

Tỷ phú Bill Gates tại một sự kiện ở Lyon, Pháp ngày 9/10/2019. Ảnh: AFP/TTXVN

Trên đây là nhận định mới nhất của tỷ phú, nhà đồng sáng lập tập đoàn Microsoft Corp. và nhà hoạt động từ thiện nổi tiếng của Mỹ, ông Bill Gates.

Khi công bố báo cáo phát triển toàn cầu mới của Quỹ Bill & Melinda Gates, tỷ phú Bill Gates lưu ý trên phạm vi toàn thế giới, virus SARS-CoV-2 đã làm gia tăng bất bình đẳng xã hội và kinh tế trong các lĩnh vực như giáo dục, thu nhập và tiếp cận chăm sóc y tế.

Báo cáo chỉ ra cách mà dịch COVID-19 tác động, gây ra những thiệt hại kinh tế, cản trở tiến triển trong thực hiện nhiều mục tiêu phát triển toàn cầu mà Liên Hợp quốc đã thông qua 5 năm trước. Trong cuộc họp báo trực tuyến, tỷ phú Bill Gates cho rằng đại dịch COVID-19 không chỉ cản trợ những tiến triển mà còn khiến tình hình xấu đi.

Các thành viên của Liên Hợp quốc đã thông qua 17 mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) năm 2015, được coi như bản hoạch định những nhiệm vụ đầy tham vọng nhằm chấm dứt đói nghèo và bất bình đẳng giới, để tăng cơ hội tiếp cận giáo dục và chăm sóc y tế cho người dân, trước năm 2030.

Tỷ phú Bill Gates nhấn mạnh SDGs đại diện cho những giá trị của toàn nhân loại, tầm quan trọng của những mục tiêu này một lần nữa được khẳng định khi đại dịch COVID-19 đe dọa loài người. Sau tất cả, đại dịch đã khoét sâu thêm tình trạng bất bình đẳng trong mọi lĩnh vực.

Báo cáo chỉ ra số người sống trong tình cảnh nghèo đói cùng cực đã giảm trong suốt 2 thế kỷ trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát và đẩy thêm gần 37 triệu người rơi vào cảnh đói nghèo, tức là tăng khoảng 7%. Cũng theo báo cáo, đại dịch đã làm gia tăng bất bình đẳng giới trong các lĩnh vực như việc làm không lương, phụ nữ phải làm thêm nhiều việc nhà và dành nhiều thời gian chăm sóc trẻ em hơn bao giờ hết.

Ngay từ khi dịch bệnh xuất hiện, các chuyên gia đã cảnh báo rằng những mục tiêu toàn cầu cũng sẽ bị đe dọa khi các nền kinh tế đều sẽ suy giảm, các nguồn tài chính công dần cạn kiệt và hợp tác quốc tế suy yếu.

Theo báo cáo Triển vọng và tình hình kinh tế toàn cầu mà Liên Hợp quốc công bố tháng 5 vừa qua, gần 90% nền kinh tế toàn cầu đã được đặt trong trạng thái phong tỏa theo những hình thức khác nhau, làm gián đoạn các chuỗi cung ứng toàn cầu, hạn chế nhu cầu tiêu dùng cá nhân và khiến hàng triệu người mất việc làm.

Báo cáo dẫn ước dự tính của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết dù thế giới đã dành 18.000 tỷ USD cho các biện pháp kích cầu, nền kinh tế toàn cầu vẫn thiệt hại khoảng 12.000 tỷ USD hoặc có thể hơn vào năm 2021. Đây là mức thiệt hại tổng sản phẩm quốc nội (GDP) nặng nề nhất từng ghi nhận từ Chiến tranh Thế giới thứ hai.

Những báo cáo quan trọng đánh giá về các mục tiêu toàn cầu trước đó đều dự báo tình trạng xung đột hoặc biến đổi khí hậu có thể làm chậm lại mục tiêu đạt tiến bộ, nhưng các chuyên gia nhận định đại dịch COVID-19 chính là trở ngại lớn nhất.

Báo cáo của Liên Hợp quốc công bố tháng 5 dự báo COVID-19 sẽ khiến sản lượng toàn cầu sụt giảm khoảng 8.500 tỷ USD trong hai năm tới và kinh tế toàn cầu sẽ suy giảm khoảng 3,2% trong năm 2020, mức suy giảm mạnh nhất kể từ cuộc Đại suy thoái những năm 1930 của thế kỷ trước.

Đặc biệt, đại dịch COVID-19 đã làm gián đoạn và đảo ngược những tiến bộ trong lĩnh vực y tế toàn cầu, đưa ngành này trở về giai đoạn khoảng 25 năm trước, khiến hàng triệu người đối mặt nguy cơ mắc những bệnh hiểm nghèo.

Báo cáo chỉ ra khi tỷ lệ bao phủ tiêm chủng định kỳ - một chỉ số phản ánh chức năng của hệ thống y tế - đang giảm xuống tới những mức chưa từng thấy từ những năm 1990 của thế kỷ trước. COVID-19 khiến tỷ lệ tiêm chủng định kỳ giảm và đưa tỷ lệ bao phủ tiêm chủng của thế giới trở lại mức từng ghi nhận khoảng 25 năm trước trong vòng chỉ 25 tuần.

Dù bức tranh tổng thể nhìn chung ảm đạm, nhưng tỷ phú Bill Gates vẫn tin rằng thế giới sẽ phục hồi từ đại dịch và tiếp tục hướng tới những mục tiêu đã đề ra về cải thiện y tế toàn cầu: "Dù có thể sẽ mất 2 năm hoặc thậm chí 3 năm, chúng tôi vẫn tin rằng tất cả sẽ vượt qua và trở lại lộ trình trước đây".

Tin bài liên quan