Tạo hình ảnh một Việt Nam hiện đại

Tạo hình ảnh một Việt Nam hiện đại

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ông Nguyễn Đăng Hùng, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) chia sẻ, hợp tác với các tổ chức chuyển mạch thẻ quốc tế là chiến lược xuyên suốt và NAPAS sẽ tiếp tục đẩy mạnh chiến lược này trong thời gian tới. 

Số liệu của NAPAS công bố đầu năm nay cho biết, tại Việt Nam, chỉ có hơn 600.000 thẻ tín dụng so với dân số gần 100 triệu dân, thẻ tín dụng được chấp nhận tại hơn 300.000 đơn vị chấp nhận thanh toán và rút tiền mặt tại hơn 20.000 ATM trên toàn quốc. Có ý kiến nhận định rằng, với phạm vi hoạt động thẻ tín dụng nội địa chủ yếu là trong nước nên khiến số lượng người sử dụng còn hạn chế. Ông có bình luận gì?

Thực tế, thẻ tín dụng nội địa do NAPAS phối hợp với các ngân hàng và công ty tài chính Việt Nam chính thức ra mắt từ đầu năm 2021. So với các sản phẩm thẻ khác, đây là sản phẩm mới và trong điều kiện hạn chế kéo dài của dịch Covid-19, việc phát hành hơn 600.000 thẻ tín dụng nội địa ra thị trường trong 2 năm qua dù không quá lớn nhưng cũng đáng được ghi nhận.

Đến nay, NAPAS đã mở rộng ra 13 ngân hàng và công ty tài chính tham gia phát hành sản phẩm thẻ tín dụng nội địa. Với mong muốn thẻ tín dụng nội địa trở thành phương thức thanh toán thuận tiện, an toàn, bên cạnh là kênh tiếp cận tín dụng chính thống hỗ trợ người dân, NAPAS đã tích cực mở rộng hợp tác trong và ngoài nước.

Có thể kể đến việc NAPAS, Sacombank và công ty trung gian thanh toán NextPay đã ký biên bản ghi nhớ về việc hỗ trợ tài chính cho chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ thông qua thẻ tín dụng nội địa vào tháng 5/2022 với những ưu đãi dành riêng từ Sacombank và NAPAS. Đồng thời, trong việc thúc đẩy hợp tác quốc tế, NAPAS đã hợp tác với nhiều tổ chức thẻ quốc tế để đưa việc thanh toán thẻ NAPAS vượt qua biên giới Việt Nam, có thể rút tiền mặt, chi tiêu ở một số các quốc gia khác như Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore, Malaysia…

Với nỗ lực nói trên, NAPAS hy vọng rằng, trong thời gian tới, thẻ tín dụng nội địa nói riêng và thẻ NAPAS nói chung sẽ được nhiều người biết tới và là phương thức thanh toán gần gũi đối với mọi người dân Việt Nam.

Ông vừa đề cập đến chiến lược mở rộng hợp tác của NAPAS với các tổ chức chuyển mạch thẻ quốc tế, ông có thể chia sẻ thêm vấn đề này?

Ông Nguyễn Đăng Hùng.
Ông Nguyễn Đăng Hùng.

Tôi muốn đưa ra dẫn chứng, gần nhất là việc triển khai dự án thẻ chip NAPAS chi tiêu tại Hàn Quốc thông qua hợp tác giữa NAPAS và Công ty Thẻ BC Card. Sự hợp tác này giúp cho chủ thẻ NAPAS có thể chi tiêu ở mạng lưới hơn 3 triệu POS merchant (đơn vị bán hàng), trong đó có các chuỗi bán lẻ miễn thuế lớn như Lotte, Shila…, cũng như cho phép khách du lịch Việt Nam rút tiền mặt tại 30.000 ATM của BC Card tại Hàn Quốc.

Kể từ khi TPBank là ngân hàng đầu tiên triển khai thí điểm chấp nhận thẻ từ vào năm 2020, đến nay, NAPAS đã phối hợp áp dụng cho cả thẻ chip, dự kiến sẽ có hơn 20 ngân hàng hoàn thành vào cuối năm 2022. Trong tương lai, việc triển khai sẽ được cân nhắc hỗ trợ cả chiều ngược lại để khách Hàn Quốc có thể chi tiêu sử dụng thẻ BC Card tại Việt Nam.

Hay việc NAPAS đã hoàn thành kết nối thanh toán bán lẻ sử dụng mã QR với Công ty Chuyển mạch Thái Lan (NITMX) vào năm 2021 và tiếp tục kế hoạch mở rộng triển khai sau dịch. Theo đó, trong giai đoạn đầu tiên của dự án, du khách Thái Lan có thể sử dụng ứng dụng thanh toán của Ngân hàng Bangkok quét mã VietQR thanh toán cho hàng hóa, dịch vụ tại các điểm chấp nhận thanh toán của TPBank và BIDV tại Việt Nam.

Ngược lại, du khách Việt Nam có thể quét mã ThaiQR để thanh toán tại các điểm chấp nhận thanh toán tại Thái Lan của Ngân hàng Bangkok và nhiều ngân hàng Thái Lan khác.

Việc thanh toán sẽ được quy đổi trực tiếp giữa đồng baht Thái (THB) và đồng Việt Nam (VND) theo tỷ giá ưu đãi, có lợi hơn so với sử dụng hình thức thanh toán quốc tế khác do không phải quy đổi sang ngoại tệ trung gian như USD, EUR như trước đây. Không chỉ Thái Lan, NAPAS sẽ mở rộng thanh toán qua hình thức quét mã QR tới các quốc gia khác trong khu vực ASEAN cũng như tại các quốc gia mà khách Việt Nam sẽ du lịch nhiều.

Hợp tác với các tổ chức chuyển mạch quốc gia Thái Lan như NITMX hay công ty thẻ Hàn Quốc BC Card không phải hướng đi mới, mà là sự mở rộng liên tục hợp tác quốc tế trong nhiều năm qua. NAPAS cũng đã hợp tác với các tổ chức thẻ quốc tế như Master Card, Visa, Discover của Mỹ, JCB của Nhật, UPI của Trung Quốc hay các tổ chức chuyển mạch quốc gia qua cơ chế mạng thanh toán châu Á APN... để triển khai xử lý chuyển mạch qua hệ thống NAPAS đối với các giao dịch thẻ trong lãnh thổ Việt Nam cho các ngân hàng thành viên theo quy định tại Thông tư 19/2016/TT-NHNN.

Có thể nói, hợp tác với các tổ chức chuyển mạch thẻ quốc tế là chiến lược xuyên suốt và NAPAS sẽ tiếp tục đẩy mạnh chiến lược này trong thời gian tới. Mục tiêu nhằm mang đến cho người dân tiện ích, an toàn khi thanh toán bằng thẻ NAPAS không chỉ ở trong nước mà còn ở nước ngoài, đồng thời mang ý nghĩa gia tăng sự hiện diện hình ảnh về một Việt Nam hiện đại trong mắt bạn bè quốc tế.

Chi tiêu bằng thẻ NAPAS tại Hàn Quốc, người tiêu dùng sẽ được hưởng những lợi ích gì?

Hợp tác giữa NAPAS và BC Card là nền tảng để các bên cung cấp dịch vụ rút tiền, thanh toán hiệu quả, chi phí hợp lý, tỷ giá tối ưu cho khách du lịch và người Việt Nam làm việc, sinh sống tại Hàn Quốc. Ngôn ngữ Tiếng Việt trên giao diện ATM và các nhận diện chấp nhận thanh toán thẻ

NAPAS tại quầy thanh toán tại Hàn Quốc sẽ giúp người Việt đọc hiểu, nhận biết dễ dàng hơn và đặc biệt yên tâm hơn khi chi tiêu mua sắm.

Thói quen mang tiền mặt khi đi du lịch, học tập, lao động tại nước ngoài nói chung và Hàn Quốc nói riêng dẫn tới người dân Việt Nam phải mất công sức, thời gian tìm đổi ngoại tệ từ Việt Nam. Người dân phải đổi tiền đồng sang tiền won tại Việt Nam trước khi sang Hàn Quốc với tỷ giá chuyển đổi ngoại tệ có thể không thực sự có lợi khi cần gấp.

Ngoài ra, người dân mang tiền mặt có thể phải đối mặt với các rủi ro thất thoát trong quá trình sử dụng, hoặc gặp phải các rủi ro liên quan đến pháp lý như bị phạt nếu quên không khai báo, mang vượt mức tiền mặt ra khỏi Việt Nam và nhập cảnh Hàn Quốc theo quy định của cả Chính phủ Việt Nam và Hàn Quốc.

Bên cạnh đó, NAPAS đang phối hợp BC Card triển khai chương trình ưu đãi hoàn tiền cho du khách Việt khi chi tiêu bằng thẻ NAPAS tại mạng lưới thanh toán trải dài của BC Card tại Hàn Quốc. Ý nghĩa của các chương trình ưu đãi này nhằm mang lại những giá trị thiết thực cho người dùng và khuyến khích, thúc đẩy thói quen thanh toán không dùng tiền mặt của du khách 2 nước.

Vừa qua, chúng tôi cũng có dịp gặp gỡ và chia sẻ với Đại sứ du lịch Việt Nam tại Hàn Quốc - ông Lý Xương Căn về sự hợp tác này và nhận được sự ủng hộ nhiệt tình cũng như sự vui mừng của Đại sứ du lịch khi biết rằng, từ nay người dân Việt Nam có thể sử dụng thẻ thanh toán NAPAS để tiêu dùng tại Hàn Quốc.

Theo ông, đâu là những yếu tố dẫn đến thành công khi triển khai mạng lưới thanh toán với BC Card?

Yếu tố tiên quyết và quan trọng nhất để xây dựng mạng lưới thanh toán đặc biệt đối với thanh toán quốc tế là có được một chính sách phí phù hợp để các ngân hàng thấy được lợi ích và ủng hộ khi tham gia, cung cấp tiện ích thanh toán thẻ hiện đại ở nước ngoài cho khách hàng của ngân hàng là chủ thẻ NAPAS.

Bên cạnh đó, việc triển khai nhận diện thương hiệu rộng khắp, cung cấp thông tin, hướng dẫn khách hàng đầy đủ về khả năng chấp nhận thanh toán nước ngoài của thẻ thanh toán NAPAS do các ngân hàng Việt Nam phát hành sẽ giúp dịch vụ thực sự được phổ cập và đi vào cuộc sống…

Ngoài ra, quy trình xử lý, tra soát, khiếu nại kịp thời sẽ tác động tích cực đến trải nghiệm của khách hàng, hạn chế việc khách hàng phải chờ đợi hoàn tiền quá lâu khi có khiếu nại trong quá trình chi tiêu, thanh toán tại Hàn Quốc.

Nói ngắn gọn về kỳ vọng của NAPAS khi triển khai mạng lưới thanh toán với BC Card, ông sẽ chia sẻ điều gì?

Khách du lịch, người lao động Việt Nam từ nay có thể sử dụng thẻ NAPAS thực hiện chi tiêu, thanh toán, rút tiền tại Hàn Quốc một cách tiện lợi, an toàn và văn minh. Việc này khẳng định nỗ lực, quyết tâm rất lớn của toàn ngành ngân hàng, bắt đầu từ việc Ngân hàng Nhà nước ban hành tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa, cũng như sự tham gia tích cực của các ngân hàng Việt Nam.

Đó là việc phối hợp với NAPAS ra mắt thẻ chip hiện đại không tiếp xúc với các dòng sản phẩm thẻ mới như thẻ tín dụng, thẻ trả trước bên cạnh thẻ ghi nợ truyền thống, để người dùng Việt Nam có phương tiện thanh toán không tiền mặt hiện đại, phù hợp thông lệ quốc tế không chỉ ở Việt Nam, mà còn ở nước ngoài.

Tin bài liên quan