Tập đoàn PAN (PAN): Quý II/2022, lợi nhuận tăng 107,4% lên 227,8 tỷ đồng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Quý II/2022, CTCP Tập đoàn PAN (mã PAN - sàn HOSE) ghi nhận doanh thu đạt 3.220 tỷ đồng, tăng 41,2% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 227,8 tỷ đồng, tăng 107,4% so với cùng kỳ năm trước.
Tập đoàn PAN (PAN): Quý II/2022, lợi nhuận tăng 107,4% lên 227,8 tỷ đồng

Tăng trưởng của doanh thu hợp nhất được đóng góp bởi doanh thu từ CTCP Khử trùng Việt Nam (viết tắt VFC – mã VFG) là 640 tỷ đồng (năm 2021 chưa hợp nhất) và tăng trưởng doanh thu cao từ các công ty thành viên khác, bao gồm Thực phẩm Sao Ta (mã FMC) tăng 35%, Xuất nhập khẩu Thuỷ sản Bến Tre (mã ABT) tăng 129%, Bibica (mã BBC) tăng 30%; Vinaseed (mã NSC) tăng 7% và Lafooco (mã LAF) tăng 47%.

Lợi nhuận sau thuế tăng mạnh 118 tỷ đồng, tương ứng 107% chủ yếu được đóng góp bởi lợi nhuận sau thuế hạch toán từ VFC (59 tỷ đồng), Vinaseed tăng 20 tỷ đồng; FMC và ABT cũng tăng hơn 30 tỷ đồng. Lợi nhuận cổ đông công ty mẹ đạt 98 tỷ đồng, tăng trưởng 61% với với quý II/2021.

Xét riêng kết quả kinh doanh từng mảng trong quý II, giống cây trồng, thuốc bảo vệ thực vật, thủy sản tiếp tục có một quý tăng trưởng tốt khi lợi nhuận sau thuế của các công ty Vinaseed, VFC, FMC và ABT đều đạt tỷ lệ tăng trên 30% (riêng FMC trên 40%). Mảng giống của Vinaseed với sự ra mắt của các giống lúa độc quyền (VD: VNR20) đã mang lại biên lợi nhuận gộp cao cho quý II/2022. Mảng thủy sản như tôm, cá tra tiếp tục hưởng lợi từ nhu cầu tăng cao tại các thị trường xuất khẩu.

Trong khi đó, các mảng bánh kẹo và hạt gặp thách thức trong quý này khi giá nguyên vật liệu đầu vào tăng mạnh, giá bán đầu ra chưa kịp thay đổi và cũng khó thay đổi tương ứng, khiến biên lợi nhuận gộp bị co lại. Ví dụ như mảng bánh kẹo, các nguyên vật liệu chính gồm bột mỳ, trứng gà và sữa đều có mức tăng giá từ 30 - 50% so với thời điểm đầu năm 2022.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, doanh thu thuần hợp nhất đạt 6,2 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 60% so với cùng kỳ năm 2021. Doanh thu thuần tăng thêm 2,3 nghìn tỷ đồng, trong đó 1,3 nghìn tỷ là từ hợp nhất thêm doanh thu từ VFC. Loại trừ doanh thu mới hợp nhất này thì tăng trưởng doanh thu đạt 26%.

Các công ty thành viên có mức tăng trưởng doanh thu cao gồm ABT (123%), FMC (36%), Lafooco (42%) và Vinaseed (15%). VFC với sự kiện ký kết phân phối chính thức các sản phẩm của Syngenta (hiện có 3 sản phẩm) cũng tạo ra sự đột phá về doanh thu (tăng trưởng 30%) và lợi nhuận (tăng trưởng 44%).

Lợi nhuận sau thuế luỹ kế 6 tháng đầu năm tăng 150%, do trong quý I, Bibica ghi nhận lợi nhuận bất thường từ chuyển nhượng nhà máy (lãi ghi nhận hơn 126 tỷ đồng). Lợi nhuận cổ đông công ty mẹ 6 tháng đầu năm đạt 175 tỷ đồng, tăng trưởng hơn gấp 2 lần so với cùng kỳ 2021.

Xét riêng kết quả kinh doanh từng mảng trong 6 tháng đầu năm, thủy sản, nông nghiệp vẫn là điểm sáng. Trong khi đó, với mảng thực phẩm nếu tính riêng hoạt động kinh doanh cốt lõi đang chịu ảnh hưởng khá nặng nề của việc tăng giá nguyên vật liệu đầu vào, Bibica và Lafooco đều có lợi nhuận gộp giảm trong quý II và chỉ được bù đắp bởi lợi nhuận bất thường (Bibica) hoặc kết quả kinh doanh tốt của quý I (Lafooco).

Như vậy, qua 6 tháng đầu năm, PAN đã hoàn thành 43% kế hoạch doanh thu và 49% kế hoạch lợi nhuận cho năm 2022. Năm 2022, PAN đặt kế hoạch doanh thu 14.300 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 755 tỷ đồng.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 29/7, cổ phiếu PAN đứng giá tham chiếu 22.850 đồng/cổ phiếu.

Tin bài liên quan