Tập đoàn tài chính - ngân hàng: tham vọng và thực tế

Tập đoàn tài chính - ngân hàng: tham vọng và thực tế

(ĐTCK-online) Trong quá trình thực hiện cổ phần hóa (CPH), các ngân hàng quốc doanh hàng đầu Việt Nam cùng với mục tiêu cụ thể về CPH đều tuyên bố hướng tới trở thành tập đoàn tài chính - ngân hàng có tầm cỡ. Lãnh đạo các ngân hàng đều khẳng định mục tiêu này và cho đây là bước phát triển tất yếu trên con đường phát triển sau CPH.

Mô hình tập đoàn tài chính - ngân hàng rất phổ biến trên thế giới nhưng ở Việt Nam thì hoàn toàn mới mẻ. Về mặt chính thức, mô hình này đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép thí điểm xây dựng ở Tập đoàn Tài chính - Bảo hiểm Bảo Việt và trong các văn bản về CPH ngân hàng cũng có những đồng ý về mặt nguyên tắc để hình thành các tập đoàn tài chính - ngân hàng. Điều này càng khiến cho các ngân hàng thêm phấn khích trên lộ trình CPH và hướng đến mô hình tập đoàn.

Thực tế những năm gần đây, trong quá trình chuẩn bị CPH, cùng với yếu tố lành mạnh hóa và nâng cao tiềm lực tài chính, các ngân hàng quốc doanh không ngừng mở rộng hoạt động kinh doanh của mình sang nhiều lĩnh vực khác. Bước đầu, điều này đã làm xuất hiện những yếu tố cơ bản khi nhận dạng một tập đoàn tài chính - ngân hàng, với  quy mô vốn lớn, phạm vi hoạt động rộng, liên kết để mở rộng kinh doanh, đầu tư để tối đa hóa lợi nhuận.

Gần đây nhất, các ngân hàng cho thấy rõ tham vọng của mình khi cả VCB và BIDV đều chủ động đề xuất và được Chính phủ cho làm chủ đầu tư xây dựng 2 tuyến đường cao tốc quan trọng ở phía Bắc và phía Nam. Bên cạnh đó, cũng phải kể đến việc BIDV đang là người đóng vai trò tập hợp, liên kết với nhiều đối tác để đầu tư trong nhiều lĩnh vực về hạ tầng, năng lượng, bất động sản... và cả lĩnh vực hoàn toàn mới như cho thuê máy bay. Thậm chí, BIDV còn đi đầu trong việc cùng các ngân hàng phát triển đầu tư ra nước ngoài.

Đây là những lĩnh vực hoàn toàn mới so với hoạt động của các ngân hàng này. Rõ ràng, các ngân hàng đang có nhiều tham vọng và bước đầu hiện thực hóa tham vọng của mình. Tất nhiên, việc mở rộng quá nhanh lĩnh vực đầu tư cũng nhận được không ít ý kiến lo ngại từ các chuyên gia trong ngành nhưng lãnh đạo các ngân hàng đều cho rằng, họ có cơ chế để đầu tư hiệu quả và đây là những dự án khởi đầu cho tham vọng mở rộng lĩnh vực hoạt động của mình.

Cũng phải ghi nhận rằng, trước đó, các ngân hàng quốc doanh đã có những thành công trên các lĩnh vực bảo hiểm, chứng khoán và đầu tư tài chính. Hầu hết ngân hàng quốc doanh lớn hiện nay đều có hệ thống công ty con có vị thế nhất định trên lĩnh vực tham gia. Đặc biệt, trong quá trình chuẩn bị CPH, các ngân hàng không ngừng tăng cường năng lực cho các công ty con như một cách khẳng định vị thế của mình trên các lĩnh vực mà họ tham gia trong xu thế cạnh tranh ngày càng gia tăng.

Trước sự chuyển động của các ngân hàng, nhiều chuyên gia thừa nhận, ở một mức độ nhất định, đã xuất hiện dấu hiệu và đặc điểm cơ bản của một tập đoàn tài chính - ngân hàng hội tụ trong các ngân hàng Việt Nam .

Tuy nhiên, để thực sự trở thành một tập đoàn tài chính - ngân hàng, một trong những điều kiện nền tảng là phải có tiềm lực tài chính mạnh thì các ngân hàng Việt Nam còn phải cố gắng rất nhiều. Thực tế, để đạt được độ an toàn và lành mạnh tài chính cho CPH, các ngân hàng cũng rất chật vật để đáp ứng. Các ngân hàng đã phải dùng rất nhiều cách, trong đó có cả nội lực, hỗ trợ và cầu viện nguồn vốn từ Nhà nước để đáp ứng tiêu chuẩn tối thiểu cho CPH và bước đầu tiếp cận với các tiêu chuẩn quốc tế. Hiện nay, quy mô vốn của ngân hàng thương mại của Việt Nam thấp hơn so với một ngân hàng trung bình của khu vực. Mặc dù có lợi thế "sân nhà" nhưng các ngân hàng cũng khó có thể lấy mức vốn mấy trăm triệu USD của mình để nghĩ đến việc sớm trở thành tập đoàn tài chính - ngân hàng hùng mạnh. CPH hiện nay được xem là bước đi, phương thức chủ yếu để tăng năng lực tài chính cho các ngân hàng. Đây là hy vọng lớn nhất của các ngân hàng để tạo tiền đề xây dựng nền tảng tài chính cho mô hình tập đoàn trong tương lai.

Bên cạnh đó, để chuyển đổi một ngân hàng thương mại thành tập đoàn thì cần thiết phải hình thành một khuôn khổ pháp lý hoàn chỉnh, theo cơ chế thị trường. Điểm yếu này không thuộc về ngân hàng nhưng đang ảnh hưởng đến xu hướng phát triển của mỗi ngân hàng. Thực tế, mô hình tập đoàn nói chung và tập đoàn tài chính - ngân hàng nói riêng đều rất mới mẻ và gần như chưa có lý luận cơ bản và quy định trong pháp luật kinh doanh Việt Nam .

Khi những cơ sở này chưa hình thành đồng bộ thì việc mở rộng hoạt động kinh doanh của các ngân hàng sẽ gặp nhiều khó khăn và tạo ra những rủi ro, bất lợi lớn. Vì vậy, chặng đường đi tới của một tập đoàn tài chính - ngân hàng sẽ còn rất dài với sự nỗ lực của cả DN và Chính phủ.