Tasco (HUT): Chờ tín hiệu quý I/2022

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hậu “thay tướng”, Công ty cổ phần Tasco (mã HUT) báo lãi tích cực trong năm 2021, song cần chờ ít nhất là đến kỳ báo cáo quý I/2022 để nhìn rõ hơn bức tranh của doanh nghiệp.

Lãi đột biến năm 2021 nhờ doanh thu tài chính

Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2021 của Tasco cho thấy, năm qua, doanh thu đạt 873,6 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 44,15 tỷ đồng, lần lượt tăng 15% và 118% so với năm 2021. Trong đó, doanh thu từ hoạt động bất động sản đạt 55,5 tỷ đồng, vượt 11% kế hoạch và doanh thu từ thu phí đường bộ đạt 669,9 tỷ đồng, bằng 89% so với kế hoạch năm 2021.

Kết quả kinh doanh khởi sắc của Tasco là nhờ Công ty lãi đột biến trong quý IV/2021. Cụ thể, trong quý này, Công ty báo lãi sau thuế hợp nhất gần 176,8 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm 2020 lỗ 152 tỷ đồng. Ba quý trước đó, Công ty đều thua lỗ, với mức lỗ lũy kế 9 tháng (trên báo cáo tự lập) là hơn 146,4 tỷ đồng.

Việc Công ty có lãi trong quý IV/2021 chủ yếu là nhờ khoản doanh thu tài chính đột biến 218,6 tỷ đồng. Nếu loại trừ phần doanh thu này ra thì thực tế, Tasco không có lãi từ hoạt động kinh doanh cốt lõi, thậm chí bị lỗ 42,9 tỷ đồng. Cụ thể hơn, Công ty thoát lỗ nhờ hoạt động thoái vốn.

Trong quý IV/2021, Tasco đã thực hiện chuyển nhượng toàn bộ số cổ phần, phần vốn góp tại 7 đơn vị thuộc các lĩnh vực cần tái cấu trúc. Tại thời điểm 31/12/2021, danh sách công ty con và đơn vị liên doanh, liên kết của Tasco không còn những cái tên như Tasco Thành Công, An Nhiên Foods, Tasco Thăng Long, Bất động sản Thái An và D-Tech.

Việc bán vốn, tái cấu trúc các khoản đầu tư giúp Tasco có báo cáo tài chính đẹp hơn sau “game” thâu tóm, nhưng đây không phải là khoản lợi nhuận bền vững.

Tham vọng lớn của lãnh đạo mới

Đại dịch Covid-19 cùng việc thực hiện giãn cách xã hội kéo dài trong năm 2020 – 2021 đã ảnh hưởng tiêu cực đến mảng thu phí đường bộ - mảng kinh doanh chính của Tasco, khiến Công ty báo lỗ nhiều quý liên tục.

Tuy vậy, trên thị trường chứng khoán, giai đoạn này, cổ phiếu HUT tăng giá hơn 20 lần và đạt đỉnh 51.300 đồng/cổ phiếu vào phiên 21/3/2022 - mức tăng trong mơ với bất kỳ nhà đầu tư nào.

Đà tăng của cổ phiếu HUT được hỗ trợ bởi kỳ vọng khi xuất hiện cổ đông mới, Tasco sẽ mở rộng hoạt động kinh doanh sang các mảng có biên lợi nhuận tốt hơn là dịch vụ ô tô, trong khi các mảng kinh doanh khác như bất động sản, đầu tư hạ tầng giao thông sẽ hồi phục khi nền kinh tế bước vào giai đoạn “bình thường mới”.

Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, ông Hồ Việt Hà, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tasco cho biết, Công ty sẽ thực hiện chương trình tái cấu trúc lớn nhất từ trước đến nay (đã được thông qua chủ trương vào ngày 22/2/2022), gồm tăng vốn để sở hữu 100% Savico Holdings, với tầm nhìn trở thành tập đoàn đầu tư, phát triển hạ tầng và dịch vụ giao thông số 1 tại Việt Nam.

Savico Holdings hiện chiếm 11,2% thị phần phân phối ô tô tại Việt Nam, là nhà phân phối lớn nhất của Toyota (hơn 22% thị phần), Ford (33% thị phần), phân phối Volvo trên toàn quốc với 8% thị phần xe sang tại Việt Nam.

Bên cạnh lĩnh vực ô tô và hạ tầng giao thông, Hội đồng quản trị đã thông qua chủ trương thành lập Công ty TNHH Tasco Land do Tasco sở hữu 100% vốn điều lệ và chủ trương đầu tư vào Công ty cổ phần Du lịch bất động sản Ninh Vân Bay nhằm tạo nền tảng thương hiệu, vận hành và triết lý phát triển sản phẩm bất động sản cao cấp của Tasco Land. Năm nay, Tasco đặt mục tiêu đạt tổng doanh thu 11.400 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 250 tỷ đồng.

Sau giai đoạn tăng nóng, cổ phiếu HUT đã quay đầu giảm mạnh. Để cổ phiếu này hồi phục trở lại, cần phải có chuyển biến rõ ràng về hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp, mà kỳ báo cáo quý I/2022 là một chỉ báo sớm.

Tasco đang sở hữu hàng loạt dự án bất động sản tại Hà Nội như Foresa Mỹ Đình tại Nam Từ Liêm, Hà Nội; 2.800 m2 tại dự án 48 Trần Duy Hưng, Hà Nội; 13.687 m2 tại Trần Quốc Hoàn, Cầu Giấy, Hà Nội và dự án văn Phòng Tasco tại đường Dương Đình Nghệ, Hà Nội…

Tin bài liên quan