Chợ  Nông sản Thủ Đức

Chợ Nông sản Thủ Đức

TDH: Không chịu ảnh hưởng quá lớn khi bán Công ty Quản lý Chợ Thủ Đức

(ĐTCK) Trước những thắc mắc của cổ đông, nhà đầu tư về việc bán 51% vốn tại Công ty TNHH Quản lý và kinh doanh Chợ Nông sản Thủ Đức (Công ty Quản lý Chợ Thủ Đức), ông Nguyễn Ngọc Trường Chinh, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Phát triển Nhà Thủ Đức (TDH) khẳng định, việc chuyển nhượng vốn này không ảnh hưởng nhiều đến doanh thu và lợi nhuận của TDH, đồng thời không có ưu đãi về giá cho người mua. 

Thưa ông, vì sao TDH quyết định bán 51% vốn tại Công ty Quản lý Chợ Thủ Đức?

Công ty Quản lý Chợ Thủ Đức được thành lập năm 2003 với vốn điều lệ là 37 tỷ đồng do TDH góp 100% vốn, tổng tài sản tính đến ngày 31/12/2017 đạt 147 tỷ đồng, chỉ chiếm 5% tổng tài sản của TDH. Công ty Quản lý Chợ Thủ Đức hoàn toàn không có quyền sở hữu bất động sản tại khu vực kinh doanh chợ, ngay cả khu đất và tòa nhà văn phòng hiện tại là thuê lại từ TDH.

Chức năng kinh doanh chính của Công ty Quản lý Chợ Thủ Đức đơn thuần là cung cấp các dịch vụ như bảo vệ, bốc xếp hàng hóa và các dịch vụ quản lý chợ khác. Riêng các ô vựa đã được các tiểu thương ký hợp đồng thuê dài hạn từ những năm đầu thành lập chợ. Hiện nay, quyền sử dụng các ô vựa này vẫn thuộc về các thương nhân và giá thuê là do Nhà nước quy định.

Trong 3 năm gần đây, doanh thu trung bình của chợ khoảng 200 tỷ đồng/năm và lợi nhuận sau thuế từ 20 - 25 tỷ đồng/năm, chiếm khoảng 15% tổng doanh thu và lợi nhuận của TDH. Con số này không quá lớn so với kết quả kinh doanh chung của TDH và với tốc độ phát triển hiện nay, tỷ trọng này sẽ giảm thấp hơn 10% trong những năm tới. Bởi vậy, việc chuyển nhượng vốn tại Công ty Quản lý Chợ Thủ Đức sẽ không ảnh hưởng quá lớn đến doanh thu và lợi nhuận của TDH. 

Đối tượng được mua là ai?

Trải qua 15 năm phát triển, Chợ Nông sản Thủ Đức có được quy mô như ngày nay là nhờ sự đóng góp rất lớn của các cán bộ, nhân viên TDH nói chung và Công ty Quản lý Chợ Thủ Đức nói riêng.

TDH: Không chịu ảnh hưởng quá lớn khi bán Công ty Quản lý Chợ Thủ Đức ảnh 1

 Ông Nguyễn Ngọc Trường 

Để ghi nhận sự đóng góp này, trong quý I/2018, HĐQT TDH đã quyết định chuyển nhượng 51% vốn điều lệ Công ty Quản lý Chợ Thủ Đức cho các cán bộ quản lý của TDH và Công ty từ cấp phó phòng trở lên, với mong muốn đội ngũ cán bộ chủ chốt đã gắn bó lâu năm tiếp tục cống hiến cho TDH, cũng như Công ty Quản lý Chợ Thủ Đức.

Theo đó, danh sách được mua có 60 người, gồm 36 cán bộ tại TDH và 24 cán bộ tại Công ty Quản lý Chợ Thủ Đức, với giá bán là 34.900 đồng/đơn vị vốn góp. Các cán bộ này không được hưởng bất kỳ ưu đãi nào về giá.

Giá chuyển nhượng được xác định như thế nào, thưa ông?

TDH đã mời một đơn vị độc lập là Công ty Chứng khoán Bảo Việt để định giá bán cổ phần. Theo đó, giá bán là giá bình quân của 5 phương pháp định giá khác nhau.

Theo Điều lệ TDH, các quyết định đầu tư/bán tài sản có giá trị từ 35% tổng giá trị tài sản của Công ty được ghi trong báo cáo tài chính kiểm toán gần nhất trở lên thì thuộc thẩm quyền quyết định của Đại hội đồng cổ đông. Trong khi đó, tổng giá trị phần vốn đem bán tại Công ty Quản lý Chợ Thủ Đức chỉ chiếm 2,8% tổng giá trị tài sản của TDH dựa trên báo cáo tài chính Công ty mẹ đã kiểm toán năm 2017, thấp hơn nhiều so với quy định, nên việc bán tài sản này thuộc thẩm quyền của HĐQT TDH.

Vì sao TDH bán với tỷ lệ 51%, mà không phải là một tỷ lệ nào khác?

Theo quy tắc kế toán - kiểm toán, để ghi nhận doanh thu và lợi nhuận từ việc chuyển nhượng vốn của Công ty Quản lý Chợ Thủ Đức vào báo cáo tài chính hợp nhất của TDH, thì tỷ lệ thoái vốn tối thiểu phải là 51% trở lên. Do đó, HĐQT TDH quyết định tỷ lệ chuyển nhượng vốn tại Công ty Quản lý Chợ Thủ Đức là 51% để có thể ghi nhận doanh thu và lợi nhuận ngay trong quý I/2018.

Đồng thời, việc bán với tỷ lệ lớn còn đảm bảo TDH vẫn có thể nắm quyền chi phối và điều hành, quản lý Chợ Nông sản Thủ Đức, bởi các lãnh đạo chủ chốt được mua phần vốn đã nắm giữ tương đối lớn vốn điều lệ Công ty.

Lý do TDH không bán 51% vốn tại Công ty Quản lý Chợ Thủ Đức ra bên ngoài và duy trì quyền kiểm soát công ty này bởi đây là chợ đầu mối nông sản trọng điểm của TP.HCM, có tính chất kinh doanh đặc thù nên việc đảm bảo an ninh, an toàn trong quá trình vận hành, quản lý là nhiệm vụ được ưu tiên hàng đầu.

Tin bài liên quan