“Tết cổ truyền kết tinh hồn cốt, văn hóa của dân tộc”

0:00 / 0:00
0:00
Tết cổ truyền kết tinh hồn cốt, văn hóa của dân tộc; giữ gìn truyền thống, văn hóa Tết là giữ gìn được quốc gia, dân tộc, bởi như tiền nhân nói, “văn hóa còn thì dân tộc còn”.

Đó là nhận định của GS-TS, Thiếu tướng Nguyễn Văn Tài, Phó chủ tịch Hội đồng Giáo sư liên ngành Triết học - Chính trị - Xã hội học (Hội đồng Giáo sư Nhà nước) về Tết cổ truyền.

Ngay từ năm 1943, trong Đề cương Văn hóa Việt Nam, Đảng đã chỉ rõ, chính trị - kinh tế - văn hóa là 3 mặt trận có vai trò ngang nhau, nhưng kể từ khi đất nước hội nhập, đổi mới, ông có nhận thấy, vai trò của mặt trận văn hóa ngày càng mờ nhạt?

GS-TS, Thiếu tướng Nguyễn Văn Tài

GS-TS, Thiếu tướng Nguyễn Văn Tài

Chưa khi nào Đảng ta không quan tâm đến mặt trận văn hóa. Đảng ta luôn khẳng định, xây dựng nền văn hóa Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, tính nhân văn, dân chủ và khoa học. Văn hóa phải thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng, bảo đảm sự phát triển bền vững. Từ khi đất nước hội nhập, Đổi mới đến nay, Đảng luôn nhấn mạnh, văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội.

Nhìn lại 35 năm Đổi mới, từ một nước mà người dân cơm không đủ ăn, đến nay, tầng lớp trung lưu ngày càng nhiều, ngày càng có thêm nhiều tỷ phú đô-la. Việt Nam đã trở thành mắt xích quan trọng trong nền kinh tế - thương mại thế giới. Về chính trị, chúng ta là một trong số không nhiều nước có nền chính trị ổn định, bất chấp những xáo trộn từ bên ngoài. Về xã hội, Việt Nam rất thành công khi người nghèo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn, người yếu thế, người có công và gia đình người có công được quan tâm, chăm sóc cả về vật chất lẫn tinh thần.

Nhưng về văn hóa, chúng ta đã không thành công, thậm chí có nhiều biểu hiện suy thoái, biến chất, dần đánh mất giá trị văn hoá tinh thần dân tộc. Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (ngày 24/11/2021), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã kết luận, hạn chế, yếu kém nổi bật được nhắc lại nhiều lần lâu nay là văn hóa chưa được nhận thức sâu sắc và chưa được quan tâm một cách đầy đủ, tương xứng với kinh tế và chính trị; chưa thật sự trở thành nguồn lực, động lực nội sinh của sự phát triển bền vững đất nước; hoạt động văn hóa còn có chiều hướng nặng về giải trí, phiến diện, hình thức, chưa đi vào chiều sâu, thực chất.

Tổng Bí thư rất đau đáu khi mà trong nhiều năm nay, chúng ta thiếu những tác phẩm văn hóa, văn học, nghệ thuật lớn, tầm cỡ, phản ánh được tầm vóc của sự nghiệp Đổi mới, có tác dụng tích cực đối với việc xây dựng đất nước, xây dựng con người.

Có lẽ vì thiếu những tác phẩm văn thơ, nghệ thuật, âm nhạc tầm cỡ, hấp dẫn, nên giới trẻ ngày nay “sính” xem phim Mỹ, nghe nhạc Hàn… hơn là thưởng thức văn hóa dân tộc?

Thời xưa, trong đời sống xã hội, đặc biệt là với thanh niên xung phong, những người lính như chúng tôi, và cả thế hệ anh bộ đội Cụ Hồ giải phóng Điện Biên, hành trang khi ra trận không thể thiếu những bài thơ, tác phẩm văn học, những bài hát đến nay vẫn còn là huyền thoại…Những tác phẩm văn học nghệ thuật đó chính là “sức mạnh mềm”, góp phần không nhỏ trong công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Nay, tôi cũng đặt câu hỏi về tình trạng thiếu tác phẩm văn hóa tầm cỡ với nhiều văn nghệ sĩ, cả những người đã từng sáng tác những bài thơ, tác phẩm văn học, âm nhạc nổi tiếng một thời, nhưng chưa tìm được câu trả lời thoả đáng.

Có người nói rằng, do không có bối cảnh bi hùng như trước đây, nên không sáng tác được. Tôi cho rằng, điều này không đúng, vì lịch sử đất nước đã thay đổi và lúc nào cũng có đề tài cho giới văn nghệ sĩ “dụng võ”, bởi đề tài quê hương, đất nước, tình yêu, thiên nhiên... là vĩnh cửu.

Bác Hồ dạy: “Văn hóa, nghệ thuật cũng là một mặt trận”. Ngày nay, mặt trận chính là xóa đói, giảm nghèo; đấu tranh chống tham ô, tham nhũng, tiêu cực; chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; phát triển kinh tế xứng tầm khu vực và thế giới... Đó là “mặt trận” rất lớn, tại sao chiến sỹ trên mặt trận tư tưởng văn hóa lại cho rằng không có bối cảnh để sáng tác?

Ngay lúc này, sau hơn 2 năm chống “giặc Covid-19”, có biết bao nhiêu gương điển hình, từ các cụ già đến em nhỏ sẵn sàng lấy hết những đồng tiền tiết kiệm nhỏ nhoi, hái từng mớ rau ủng hộ đồng bào khu bị cách ly; hay người dân dọc dải đất miền Trung không quản ngày đêm san sẻ vật chất, tiền bạc, lương thực, thực phẩm, nước uống giúp đỡ hàng vạn đồng bào phải trở về quê tránh dịch; lực lượng y tế, quân đội, công an xông pha tuyến đầu, đi vào tâm dịch, bất chấp hiểm nguy để cứu người, giúp người... Những gương điển hình, hành động đầy nghĩa cử, cảm động này có thể sáng tác biết bao nhiêu bài thơ, câu chuyện, bài hát… đi vào lòng người, nhưng đến bây giờ cũng chưa có tác phẩm nào thực sự ấn tượng. Đây là món nợ của giới văn nghệ sĩ, của những người cầm bút.

Nhưng suy cho cùng, “cơm áo không đùa với khách thơ”, phải chăng, tình trạng đó có một phần nguyên nhân từ việc chưa phát huy được giá trị kinh tế của sản phẩm văn hóa, đời sống văn nghệ sĩ còn nhiều khó khăn, chưa toàn tâm, toàn lực cho sáng tác?

Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, là văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội; xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế; phát triển ngành công nghiệp văn hóa và hoàn thiện thị trường văn hóa.

Tết Nhâm Dần năm nay, hàng chục triệu người lao động vừa mất việc làm hoặc giảm thu nhập do đại dịch; một số mới quay trở lại nơi làm việc, nên có thể nhiều người lao động lựa chọn chưa trở về quê. Việc sử dụng công nghệ để kết nối, gặp gỡ người thân, gia đình chắc chắn sẽ nhiều hơn...

Tôi đã từng đến thăm đảo Hawaii nổi tiếng với vụ Trân Châu cảng trong Thế chiến thứ hai, nơi quân đội Hoa Kỳ đã bị thua “lấm lưng, trắng bụng” trước không quân Hoàng gia Nhật Bản. Nhưng ngày nay, Hawaii thu hút hàng chục triệu du khách mỗi năm nhờ biết bảo tồn, gìn giữ các chứng tích chiến tranh và nhờ đó, kinh tế Hawaii phát triển bền vững, người dân có thu nhập tốt. Các bảo tàng, di tích lịch sử, văn hóa vật thể và phi vật thể trên thế giới cũng được khai thác tương tự, tức là người ta biến giá trị văn hóa thành giá trị kinh tế, xã hội và nhờ phát huy được giá trị kinh tế, người ta đầu tư trở lại để bảo tồn giá trị văn hóa.

Việt Nam có hàng trăm bảo tàng, hàng ngàn di tích lịch sử quốc gia, di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và di sản văn hóa thế giới. Đó là tài sản vô cùng quý báu không phải nơi nào cũng có được, nhưng chúng ta chưa biết biến giá trị văn hóa thành giá trị kinh tế, đó là một sự lãng phí.

Quay trở lại với văn học - nghệ thuật, nếu tác phẩm có giá trị thì không lo gì không “bán” được, vì độc giả, khán giả, thính giả không bao giờ quay lưng với những tác phẩm văn hóa có giá trị.

Tuy nhiên, không được thương mại hóa văn hóa, coi văn hóa là hàng hóa bán được càng nhiều càng tốt, khai thác quá mức, thậm chí là phi văn hóa, biến tướng văn hóa như rất nhiều hoạt động lễ hội ở nhiều địa phương. Với các tác phẩm, sản phẩm văn hóa - nghệ thuật, nếu tác giả chỉ mong bán được càng nhiều càng tốt, thì chỉ có thể sáng tác ra những tác phẩm phản văn hóa, phi văn hóa.

Trong bối cảnh hội nhập, giữ gìn, bảo tồn các di sản, truyền thống văn hóa thế nào, như Tết Nguyên đán chẳng hạn, là một trong những vấn đề thời sự. Đã từng có một số ý kiến đề nghị bỏ Tết Nguyên đán, “ăn Tết Tây” để hội nhập. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Đây chỉ là ý kiến, quan điểm thiểu số, của chính người phát biểu chứ không đại diện cho bất cứ ai. Có người nêu lý do, bỏ hoặc rút ngắn thời gian nghỉ Tết Nguyên đán vì nghỉ Tết ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế. Vậy thử đặt câu hỏi ngược lại, Trung Quốc có bỏ Tết Nguyên đán không, mà kinh tế họ vẫn phát triển? Tại sao Hàn Quốc sau một thời gian bỏ Tết Nguyên đán, đã quay trở lại ăn Tết Nguyên đán?

Tết Nguyên đán lắng đọng, kết tinh hồn cốt, văn hóa của dân tộc. Tất nhiên, trong thời đại “thế giới phẳng” thì Tết Nguyên đán hay các truyền thống văn hóa khác cũng đang thay đổi để phù hợp. Ví dụ, trước đây, ngày Tết phải có cây nêu, đốt pháo, thịt mỡ, dưa hành, câu đối. Nhưng bây giờ thì không còn đốt pháo, cây nêu thì chỉ ở một số vùng nông thôn mới duy trì, câu đối cũng rất ít. Ngay cả “thịt mỡ, dưa hành”, ở đô thị cũng ít gia đình duy trì, nhưng không vì thế mà mất đi hương vị, ý nghĩa ngày Tết.

Một vấn đề nữa tôi cũng muốn nói đến, đó là ngày Tết là ngày đoàn viên, sum họp, theo truyền thống, con cháu, anh em ở mọi miền Tổ quốc đều trở về quê hương, đặc biệt là tại các tỉnh miền Trung. Hàng triệu người con làm ăn xa quê vô cùng vất vả, tốn thời gian, công sức, tiền bạc khi di chuyển về quê dịp Tết. Nhưng gần đây đã có sự thay đổi, nhờ công nghệ thông tin, những người con xa quê vẫn có thể “sum vầy” với gia đình, anh em, bè bạn ở quê hương nhờ kết nối qua thiết bị và công nghệ hiện đại.

Tết Nhâm Dần năm nay, hàng chục triệu người lao động vừa mất việc làm hoặc giảm thu nhập do đại dịch; một số mới quay trở lại nơi làm việc, nên có thể nhiều người lao động lựa chọn chưa trở về quê. Việc sử dụng công nghệ để kết nối, gặp gỡ người thân, gia đình chắc chắn sẽ nhiều hơn. Mặc dù sẽ không trọn vẹn như được về nhà gặp nhau, nhưng đây cũng là một cơ hội để lắng lại, thay đổi cách thức đón Tết Nguyên đán.

Bởi lẽ, người dân có thể lựa chọn trở về thăm gia đình, quê hương vào những dịp nghỉ lễ khác để giảm bớt sự hối hả, đông đúc, dẫn đến mệt mỏi, vội vã, tốn kém, mất đi ý nghĩa lắng đọng, thư thái của ngày Tết. Được như vậy, chúng ta vẫn giữ được truyền thống văn hóa đón Tết cổ truyền dân tộc phù hợp với điều kiện thực tế phát triển đất nước, và tức là giữ được hồn cốt của dân tộc, bản sắc của dân tộc, bởi “văn hóa còn thì dân tộc còn”.

Tin bài liên quan