CSTT phải đảm bảo kiểm soát được cung tiền, chất lượng tín dụng

CSTT phải đảm bảo kiểm soát được cung tiền, chất lượng tín dụng

Thách thức trong thực thi chính sách tiền tệ 6 tháng cuối năm 2010

(ĐTCK-online) Để đạt được mục tiêu kinh tế - xã hội mà Quốc hội đã thông qua cho năm 2010, chính sách tiền tệ (CSTT) phải theo đuổi cùng lúc 3 mục tiêu: ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng kinh tế và kiểm soát lạm phát. Đây là một nhiệm vụ khó khăn bởi giữa các mục tiêu trên, có những nhân tố hạn chế lẫn nhau.

Thông thường, các biện pháp CSTT để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế dễ dẫn đến tăng lạm phát, và tăng tính bất ổn kinh tế vĩ mô. Bối cảnh nhập siêu tăng cao hiện nay lại càng hỗ trợ cho điều đó. Do vậy, CSTT nửa cuối năm 2010 phải được thực hiện một cách chủ động, linh hoạt và thận trọng, đảm bảo thực hiện hài hòa nhiều giải pháp.

Trong 6 tháng đầu năm, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã thực hiện các biện pháp chính sách tiền tệ tập trung vào việc thiết lập một mặt bằng lãi suất mới, ổn định theo xu hướng giảm dần để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Đồng thời, NHNN kiểm soát chất lượng cũng như tốc độ tăng trưởng tín dụng gắn với tăng trưởng nguồn vốn; từng bước hạn chế những mất cân đối kỳ hạn vốn đã tồn tại từ lâu trong hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam. Đặc biệt, tăng trưởng tín dụng bằng ngoại tệ được kiểm soát chặt chẽ gắn với tăng trưởng nguồn vốn ngoại để đảm bảo thanh khoản, góp phần đáp ứng nhu cầu ngoại tệ cho nhập khẩu hàng hóa thiết yếu, qua đó giảm áp lực lên tỷ giá.

Mặt khác, để ổn định thị trường ngoại hối, tăng cung ngoại tệ cho các NHTM và hạn chế việc găm giữ ngoại tệ của các doanh nghiệp, NHNN đã sử dụng công cụ tiền tệ gián tiếp, khuyến khích các doanh nghiệp bán ngoại tệ cho ngân hàng. Cụ thể, cơ quan này đã thực hiện hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ, hạ lãi suất tiền gửi bằng ngoại tệ của các doanh nghiệp và nâng tỷ giá danh nghĩa lên thêm 3,36%. Cùng lúc, NHNN chỉ đạo các tổ chức tín dụng tích cực mua lại ngoại tệ của một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Đồng thời, NHNN bán ngoại tệ ở mức hợp lý để hỗ trợ ngoại tệ nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất. Ngoài ra, cơ quan này cũng tiến hành đóng cửa sàn vàng, góp phần quan trọng ổn định tỷ giá cũng như ổn định thị trường ngoại hối.

Những thành tựu kinh tế đạt được trong 6 tháng đầu năm (tăng trưởng kinh tế đạt mức 6,1-6,2%, cao hơn mức tăng của quí I, chỉ số giá tiêu dùng được kiểm soát ở mức thấp,  tương đối ổn định từ tháng 4 đến nay, FDI thực hiện tăng 10%...), cùng với các diễn biến tiền tệ đã dần đi vào ổn định (nguồn vốn trên thị trường cơ bản là thông suốt, thanh khoản của các ngân hàng được bảo đảm, tỷ giá tương đối ổn định, các NHTM đủ nguồn ngoại tệ để đáp ứng nhu cầu mua ngoại tệ của doanh nghiệp), là những điều kiện thuận lợi cho việc thực thi CSTT những tháng cuối năm.

Mặc dù việc thực thi CSTT của NHNN đã đạt được những kết quả khả quan trong 6 tháng đầu năm, song 6 tháng cuối năm, CSTT vẫn tiếp tục phải thực hiện những bước đi thận trọng, chủ động, bởi vẫn còn nhiều thách thức ở phía trước.

Một trong những thách thức là thị trường tài chính quốc tế nói riêng, kinh tế thế giới nói chung tuy đã phục hồi nhưng chưa chắc chắn. Đặc biệt là diễn biến của một số đồng tiền chủ chốt, như USD, EURO và Nhân dân tệ vẫn còn rất khó lường. Việc tăng, giảm giá trị của các đồng tiền này sẽ ảnh hưởng nhất định đến VND. Vì vậy, trong thực thi CSTT, NHNN phải theo dõi chặt chẽ những biến động của các đồng tiền trên để có phản ứng kịp thời.

Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 23/NQ-CP, trong đó, Chính phủ chỉ đạo NHNN phải thực hiện giảm mặt bằng lãi suất. Giải pháp chính sách này là phù hợp với thực tế, bởi hiện nay, các nhân tố đều tác động đến lãi suất theo xu hướng giảm: nền kinh tế vừa qua khỏi giai đoạn suy thoái, bắt đầu có dấu hiệu phục hồi, doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn với lãi suất thấp để tiếp tục phục hồi và phát triển sản xuất; lạm phát có xu hướng đi xuống từ tháng 4 đến nay; tín dụng tăng trưởng thấp hơn so với cùng kỳ năm trước; lãi suất trên thị trường quốc tế và lãi suất ngoại tệ tăng nhẹ, không có ảnh hưởng đến tăng lãi suất trong nước; lãi suất trái phiếu chính phủ có xu hướng giảm qua các phiên đầu thầu... Bên cạnh đó, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, NHNN đã tăng cung ứng tiền qua các kênh để giảm mặt bằng lãi suất.

Tuy nhiên, khó khăn duy nhất để thực hiện mục tiêu giảm lãi suất nằm ở chính các NHTM, có liên quan đến vấn đề cạnh tranh thị phần, bảo tồn nguồn vốn và sự bất cập trong cấu trúc của khu vực ngân hàng hiện nay. Trong hệ thống ngân hàng, nhiều NHTM có vốn và thị phần thấp thường có những những hành vi hạn chế cạnh tranh hay cạnh tranh không lành mạnh.

Tình trạng "đô la hóa" nền kinh tế cũng là một thách thức đối với việc thực thi CSTT. Thách thức này càng lớn trong bối cảnh diễn biến thị trường quốc tế và trong nước còn có những biến động khó lường. Để hạn chế những tác động bất lợi từ tình trạng này đối với việc thực thi CSTT 6 tháng cuối năm, NHNN luôn phải chú ý đến mối quan hệ  hợp lý giữa lãi suất ngoại tệ với lãi suất VND và tỷ giá, để đảm bảo không có sự dịch chuyển đột biến giữa các dòng tiền.

Lạm phát trong 3 tháng gần đây đã có xu hướng giảm và tháng 6, CPI tăng 8,69% so với cùng kỳ. Đây là xu hướng thuận lợi cho thực thi CSTT, nhưng để kiểm soát lạm phát ở mức 7% của cả năm như mục tiêu đề ra vẫn là thách thức, nhất là khi cần phải hạ lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Do vậy, CSTT phải đảm bảo kiểm soát được cung tiền, chất lượng tín dụng. Tuy nhiên, NHNN gặp phải một khó khăn trong việc kiểm soát cung tiền của toàn bộ nền kinh tế do không nắm được dòng tiền thu - chi của ngân sách nhà nước. Vì vậy, giữa NHNN và Bộ Tài chính cần có sự phối hợp; Bộ Tài chính cần tạo điều kiện cho NHNN nắm bắt được các kế hoạch thu chi của Bộ, hoặc cho phép NHNN có thể chủ động sử dụng nguồn tiền gửi của ngân quỹ nhà nước tại NHNN như là một công cụ để điều tiết lượng tiền lưu thông.

Có thể nói, nhiệm vụ của CSTT trong việc góp phần thực hiện mục tiêu kinh tế - xã hội của Quốc hội có phần thuận lợi hơn so với năm 2009. Sáu tháng đầu năm nay, CSTT đã bám sát được mục tiêu, diễn biến trên thị trường tiền tệ đã dần ổn định. Song, vẫn còn đó những thách thức từ diễn biến khó lường của thị trường thế giới và trong nước, cũng như  tình trạng đô la hóa nền kinh tế.