Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto (phải) và Thủ tướng Sanna Marin (trái). Ảnh: Getty Images.

Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto (phải) và Thủ tướng Sanna Marin (trái). Ảnh: Getty Images.

Thách thức với NATO khi Phần Lan và Thụy Điển tiến gần hơn đến “cánh cửa” gia nhập

0:00 / 0:00
0:00
Phần Lan đã thông báo quyết định gia nhập NATO, nói rằng sẽ nộp đơn xin gia nhập “ngay lập tức”, Thụy Điển dự kiến sẽ sớm tiếp bước. Vậy điều này có ý nghĩa như thế nào đối với liên minh quân sự hùng mạnh nhất thế giới?

Biên giới trên đất liền của NATO với Nga sẽ tăng hơn gấp đôi nếu Phần Lan và Thụy Điển nộp đơn xin gia nhập liên minh. NATO hiện có chung đường biên giới trên đất liền dài 1.215km với các quốc gia thành viên. Khi Phần Lan gia nhập NATO, con số này sẽ tăng lên 2.600km.

“Tư cách thành viên NATO sẽ tăng cường an ninh của Phần Lan. Khi gia nhập NATO, Phần Lan sẽ củng cố sức mạnh cho liên minh phòng thủ. Phần Lan phải nộp đơn xin gia nhập NATO ngay lập tức. Chúng tôi hy vọng các bước đi cần thiết để đưa ra quyết định này sẽ được thực hiện trong vài ngày tới”, Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto và Thủ tướng Sanna Marin cho biết trong tuyên bố chung hôm 12/5.

Thụy Điển, vốn có truyền thống đứng ngoài các liên minh quân sự, dự kiến sẽ đưa ra thông báo về việc gia nhập NATO vào cuối tuần này.

Điều này có ý nghĩa thế nào đối với NATO?

“NATO biết Thụy Điển và Phần Lan đang đứng ở đâu, và việc hai nước này gia nhập liên minh sẽ tăng cường an ninh và sự răn đe ở khu vực Biển Baltic. Điều này cũng giúp NATO dễ dàng bảo vệ các quốc gia Baltic hơn vì sẽ không còn sự băn khoăn về việc sử dụng không phận của Thụy Điển để gửi binh sĩ hoặc tiếp tế cho các quốc gia Baltic”, Robert Dalsjo, nhà phân tích cấp cao của NATO tại cơ quan nghiên cứu quốc phòng Thụy Điển, cho biết.

“Về mặt chính trị, đây cũng có thể coi là một thành tựu đối với NATO”, ông Dalsjo nói thêm.

Harry Nedelcu, chuyên gia về NATO và giám đốc chính sách tại Rasmussen Global, một công ty tư vấn chính trị quốc tế, cũng có quan điểm tương tự.

“Thông điệp đầu tiên của các nước này khi gia nhập NATO là về chính trị và nhắm vào Nga. Thứ hai, Phần Lan và Thụy Điển có thể mang lại rất nhiều thứ cho NATO. Sau Chiến tranh Lạnh, Phần Lan và Thụy Điển đã và đang xây dựng khả năng quân sự, điều này có thể mang lại khá nhiều lợi ích cho NATO”, ông Nedelcu cho hay.

Vì sao Thụy Điển và Phần Lan lại thay đổi lập trường?

Sau khi Liên Xô tan rã vào năm 1991, cả Phần Lan và Thụy Điển đều xích lại gần hơn với Liên minh châu Âu (EU) và trở thành thành viên của khối vào năm 1995. Tuy nhiên, cả hai quốc gia này vẫn tiếp tục giữ thái độ trung lập về quân sự.

Thụy Điển đã không tham gia bất kỳ liên minh quân sự nào trong hơn 200 năm và cũng duy trì thái độ trung lập trong Thế chiến thứ hai. Trong khi đó, Phần Lan chuyển sang chế độ trung lập sau khi bị Liên Xô đánh bại trong Chiến tranh thế giới thứ hai.

Tuy nhiên, chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine đã khiến cả hai nước cảm thấy “bất an” và bắt đầu các cuộc thảo luận về chính sách an ninh trong tương lai.

“Vài tuần trước khi hoạt động quân sự của Nga ở Ukraine xảy ra, 50% người dân Phần Lan không ủng hộ nước này gia nhập NATO và chỉ 20% ủng hộ. Tuy nhiên, chỉ qua một đêm, con số đã thay đổi khi có 50% người dân ủng hộ và 20% không ủng hộ. Bây giờ, khi Phần Lan đã đưa ra thông báo sẽ gia nhập NATO, tôi nghĩ rằng sự ủng hộ sẽ tăng lên 80%”, Cựu Thủ tướng Phần Lan Alexander Stubb nói.

Đối với Thụy Điển, việc gia nhập NATO thậm chí còn là một sự thay đổi mô hình.

“NATO biết rằng nếu Phần Lan nộp đơn xin gia nhập liên minh, Thụy Điển cũng sẽ tiếp bước, vì nếu không Thụy Điển sẽ nằm ngoài NATO và sẽ phải chi nhiều hơn về quốc phòng”, Elisabeth Braw, chuyên gia tại Viện Doanh nghiệp Mỹ, cho biết.

Những thách thức mới đối với NATO

Các thành viên NATO cho biết sẽ chào đón Phần Lan và Thụy Điển với “vòng tay rộng mở”. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói rằng quá trình trở thành thành viên của hai nước này sẽ “diễn ra nhanh chóng”.

Tuy nhiên, chuyên gia Dalsjo cho rằng thách thức lớn đối với NATO không phải là sự gia nhập của Thụy Điển và Phần Lan, mà làm thế nào để đối phó với tác động của cuộc chiến ở Ukraine.

Theo chuyên gia Nedelcu, việc gia nhập NATO của hai nước Bắc Âu sẽ tăng cường sự hiện diện của liên minh ở khu vực Baltic.

“Phần Lan và Thụy Điển là một trong những đối tác mạnh nhất của NATO và việc gia nhập liên minh sẽ dẫn đến sự hiện diện hải quân mạnh mẽ hơn của NATO ở vùng Biển Baltic”, ông Nedelcu nói.

Trong khi đó, Nga đã cảnh báo về hậu quả nếu như Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh rằng việc NATO mở rộng về phía Đông sẽ không mang lại sự ổn định cho châu Âu.

Vào tháng 4, Phó Chủ tịch hội đồng an ninh Nga Dmitry Medvedev cảnh báo rằng Moscow sẽ củng cố sự hiện diện của mình ở khu vực Baltic nếu Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO.

Tuy nhiên, nhà phân tích Braw cho rằng một cuộc tấn công của Nga vào Phần Lan hoặc Thụy Điển là điều rất khó xảy ra.

“Rất khó có khả năng Nga tấn công hoặc Thụy Điển hoặc Phần Lan nếu 2 nước này xin gia nhập NATO bởi Nga rõ ràng đang không đủ nguồn lực. Hiện tại, Nga đang tập trung vào hoạt động quân sự ở Ukraine. Bởi vậy, đây sẽ không phải là lúc để Nga đáp trả quân sự đối với Thụy Điển hoặc Phần Lan”, bà Braw nói.

Anh đã ký một thỏa thuận hỗ trợ Thụy Điển và Phần Lan nếu bị tấn công và các nước phương Tây khác dự kiến sẽ có những thỏa thuận tương tự đối với hai quốc gia này.

Bà Braw nhấn mạnh rằng bất kể sự hỗ trợ nào từ Anh và Mỹ, việc trở thành thành viên NATO sẽ thể hiện một vị thế đáng gờm của Thụy Điển và Phần Lan trước các mối đe dọa từ Nga.

Tin bài liên quan