Thái Nguyên kỳ vọng “hút” nhà đầu tư bán dẫn từ Mỹ

0:00 / 0:00
0:00
Thái Nguyên đặc biệt muốn thu hút các nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn, nhất là các nhà đầu tư từ Mỹ. Bởi đây là lĩnh vực tỉnh có nhiều tiềm năng, lợi thế và được tỉnh đặc biệt quan tâm.
Bán dẫn xuất hiện trong gần như mọi thiết bị điện tử và vô cùng quan trọng với hàng loạt các ngành công nghiệp lớn, từ smartphone, xe hơi đến thiết bị quân sự và thiết bị y tế

Bán dẫn xuất hiện trong gần như mọi thiết bị điện tử và vô cùng quan trọng với hàng loạt các ngành công nghiệp lớn, từ smartphone, xe hơi đến thiết bị quân sự và thiết bị y tế

Trong năm 2023, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có 41 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được cấp mới, với tổng số vốn đăng ký trên 253,3 triệu USD; 17 lượt dự án điều chỉnh tăng vốn, với số vốn đăng ký trên 136,2 triệu USD.

Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 211 dự án FDI còn hiệu lực hoạt động, với tổng mức đầu tư 10,72 tỷ USD.

Để thu hút đầu tư, nhất là các dự án FDI, tỉnh Thái Nguyên đã thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, như: Cải cách thủ tục hành chính; hoàn thiện hạ tầng giao thông, nhất là các tuyến đường liên kết, kết nối vùng và các tỉnh, thành phố; tập trung nguồn lực đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp…

Với định hướng trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp theo hướng hiện đại, thông minh của vùng trung du, miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội, Thái Nguyên đã quy hoạch 12 khu công nghiệp với tổng diện tích 4.245ha (trong đó có 1 khu công nghệ thông tin tập trung) và 41 cụm công nghiệp với tổng diện tích 2.067ha.

Cùng với đó, các chính sách thu hút đầu tư thông thoáng và phương châm luôn đồng hành với doanh nghiệp sẽ tạo sự hấp dẫn, giúp tỉnh tiếp tục thu hút thêm nhiều dự án đầu tư vào địa bàn trong thời gian tới.

Đáng chú ý, tỉnh muốn thu hút các nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn. Đặc biệt là các nhà đầu tư từ Mỹ. Bởi đây là lĩnh vực tỉnh có nhiều tiềm năng, lợi thế và được tỉnh đặc biệt quan tâm.

Theo Công ty Kiểm toán Deloitte, hơn 80% hoạt động sản xuất bán dẫn đang diễn ra ở châu Á, và tỷ lệ này có thể giảm xuống còn 50% vào năm 2030, trong bối cảnh Mỹ và EU đang dự định đầu tư tổng cộng 100 tỷ USD cho ngành bán dẫn để có thể tự chủ hơn trong nguồn cung sản phẩm quan trọng này.

Tháng 11/2023, Trong khuôn khổ chương trình công tác xúc tiến đầu tư, thương mại và hợp tác quốc tế tại Mỹ, lãnh đạo tỉnh đã trực tiếp kết nối hợp tác đầu tư với Chủ tịch, Giám đốc điều hành Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Mỹ, ông John Neuffer.

Tỉnh kỳ vọng Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Mỹ là cầu nối kết nối các nhà đầu tư Hoa Kỳ đến đầu tư tại Thái Nguyên. Tỉnh cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư công nghiệp bán dẫn đến triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn.

Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Mỹ và các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội coi đây là cơ hội tốt để mở rộng sản xuất, kinh doanh. Hiệp hội đặc biệt quan tâm đến môi trường đầu tư tại Việt Nam, trong đó có Thái Nguyên.

Ông John Neuffer cho rằng, lĩnh vực công nghiệp bán dẫn đòi hỏi kỹ thuật cao, nguồn nhân lực có trình độ tay nghề cao, do vậy phía Thái Nguyên nên chuẩn bị các điều kiện cần thiết, đặc biệt quan tâm phát triển nguồn nhân lực, xác định lộ trình thu hút các nhà đầu tư Mỹ theo từng bước để cùng chinh phục lĩnh vực này.

Hiện có nhiều doanh nghiệp Mỹ đang mở rộng đầu tư xây dựng nhà máy, mở rộng sản xuất, lắp ráp... tại Việt Nam, trong đó có Mavel, Qualcomm, Amkor.

Cụ thể, tháng 10/2023, Amkor Technology - Tập đoàn công nghiệp bán dẫn lớn của thế giới có trụ sở tại Arizona đã khánh thành nhà máy tại Bắc Ninh với tổng vốn đầu tư 1,6 tỷ USD.

Samsung cũng có kế hoạch sản xuất linh kiện bán dẫn tại Việt Nam. Trong đó, việc sản xuất đại trà các sản phẩm lưới bóng chip bán dẫn của nhà máy Samsung Electro-Mechanics Việt Nam tại Thái Nguyên được thực hiện vào cuối năm 2023.

Ngày 16/9/2023, Hana Micron Vina (Hàn Quốc) đã khánh thành dự án nhà máy sản xuất chất bán dẫn tại Khu công nghiệp Vân Trung (Bắc Giang). Hana Micron Vina là doanh nghiệp sản xuất và gia công bảng vi mạch tích hợp sử dụng cho điện thoại di động và các sản phẩm điện tử thông minh khác, có tổng vốn đăng ký đầu tư gần 600 triệu USD. Đến năm 2025, Công ty có kế hoạch tăng tổng mức đầu tư lên trên 1 tỷ USD.

Gã khổng lồ sản xuất chip Hàn Quốc, Hanmi Semiconductor, cuối tháng 5/2023, công bố đưa chi nhánh Hanmi Việt Nam tại Bắc Ninh vào hoạt động. Hanmi Semiconductor là một trong những nhà thiết kế, phát triển và sản xuất hàng đầu trong ngành thiết bị bán dẫn.

Cũng cuối tháng 5/2023, Công ty Infineon Technologies AG (Đức) về các giải pháp bán dẫn cho hệ thống điện và IoT đã thông báo việc mở rộng quy mô hoạt động tại Việt Nam. Victory Giant Technology, tập đoàn chuyên sản xuất linh kiện điện tử, chất bán dẫn của Trung Quốc đã quyết định lựa chọn để xây dựng nhà máy với tổng mức đầu tư 400 triệu USD tại Bắc Ninh.

Mới đây, Synopsys (trụ sở tại California) chuyên cung cấp các công cụ và dịch vụ cho ngành sản xuất và thiết kế chất bán dẫn và Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia ký kết biên bản ghi nhớ về phát triển nguồn nhân lực tài năng thiết kế vi mạch tại Việt Nam.

Tin bài liên quan