Thẩm tra sơ bộ gói chính sách tài khoá, tiền tệ hỗ trợ phục hồi kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội họp mở rộng, thẩm tra sơ bộ chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Toàn cảnh phiên họp. (Ảnh: HL).

Toàn cảnh phiên họp. (Ảnh: HL).

Chiều 6/12, Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội họp mở rộng, thẩm tra sơ bộ chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Phát biểu khai mạc, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ, gói chính sách tài khoá tiền tệ này nhằm mục đích hỗ trợ chương trình phục hồi kinh tế, xã hội và thuộc thẩm quyền của Quốc hội.

Tuy được gửi sang cơ quan thẩm tra hơi chậm, nhưng ông Thanh cũng nhấn mạnh bên cạnh khó khăn có thuận lợi là Chủ tịch Quốc hội đã chỉ đạo từ sớm từ xa, nên Ủy ban Kinh tế đã có sự chuẩn bị, lãnh đạo Quốc hội cũng đã có hai phiên làm việc với chuyên gia về nội dung này.

Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2021 diễn ra ngày 5/12 đã có nhiều ý kiến bàn thảo về gói hỗ trợ, và kết luận của Chủ tịch Quốc hội là căn cứ để thẩm tra sơ bộ nội dung quan trọng này.

Liên quan tới nội dung ông Thanh đề cập, như Báo điện tử Đầu tư - Baodautu.vn đã thông tin, trong phát biểu bế mạc Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã khái quát 6 vấn đề được Diễn đàn đề cập về chương trình phục hồi kinh tế, xã hội.

Một là, cần bám sát chủ trương định hướng của Đảng, Nhà nước để cụ thể hoá Kết luận lần thứ tư, Ban Chấp hành Trung ương khoá XIII, Nghị quyết Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khoá XV, trong đó đảm bảo tính nhất quán, kiên trì giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao tính tự chủ khả năng chống chịu thích ứng của nền kinh tế Việt Nam.

Hai là, tập trung tăng tổng cung và tổng cầu. Trong đó, cung là hỗ trợ đầu vào cho doanh nghiệp, cho người sử dụng lao động, giảm thuế, hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động. Cầu là kích cầu thị trường, kể cả thị trường dịch vụ hàng hóa và kích cầu đầu tư trong nước của mọi thành phần kinh tế, bao gồm cả đầu tư công và đầu tư của các thành phần kinh tế.

Ba là, cần phối hợp linh hoạt, chặt chẽ, hài hòa về chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác, như chính sách thương mại.

Bốn là, quy mô phải đủ lớn, có mục tiêu trọng tâm, trọng điểm, nếu không đủ liều lượng sẽ không giải quyết được những vấn đề cấp bách, không tạo ra được sự thay đổi, không khéo sẽ gây ra lãng phí; được thiết kế khả thi và thực hiện nhanh, nguồn lực đưa ra thì phải có khả năng hấp thụ ngay. Có thời hạn triển khai chủ yếu trong 2 năm 2022-2023, đặt ra yêu cầu tập trung nguồn lực để phục hồi và kích thích kinh tế.

Năm là, các chính sách hỗ trợ phảii bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Theo Chủ tịch Quốc hội, đây là yêu cầu bắt buộc và rất quan trọng. Việc thực hiện chính sách và bảo đảm an toàn cho nền kinh tế. Do vậy, cần đánh giá kỹ lưỡng tác động của chính sách và lưu ý đến độ trễ của chính sách. Có thể chấp nhận một số thay đổi trong ngắn hạn như tăng bội chi, tăng trần nợ công, lạm phát có thể không kiểm soát từng năm mà có thể kiểm soát theo lạm phát mục tiêu nhưng trong cả một giai đoạn thì phải bảo đảm được chỉ số an toàn của tài chính và tiền tệ quốc gia, nhất là khả năng trả nợ của ngân sách Nhà nước.

Sáu là, huy động, quản lý, phân bổ các nguồn lực hợp lý, minh bạch, công khai, chống tiêu cực và lợi ích nhóm. Như vậy, cần có thiết chế giám sát, kiểm tra bằng nhiều cách thức khác nhau.

Sau khi được thẩm tra sơ bộ Đề án xây dựng cơ chế, chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trong phiên họp thứ sáu, dự kiến bắt đầu từ ngày 8/12 tới đây. Đây cũng là một trong 5 nội dung dự kiến được trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp bất thường vào cuối năm nay.

Tin bài liên quan