Tháng 3 hoặc tháng 4 được kỳ vọng là thời điểm BOJ chấm dứt chính sách lãi suất âm

Tháng 3 hoặc tháng 4 được kỳ vọng là thời điểm BOJ chấm dứt chính sách lãi suất âm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Biên bản cuộc họp tháng 1 được công bố hôm thứ Tư (31/1) cho thấy, Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) dường như đang tiến gần hơn đến việc quyết định thời điểm chấm dứt chính sách lãi suất âm khi ngân hàng trung ương ngày càng tự tin hơn về triển vọng tăng trưởng tiền lương và lạm phát.

Biên bản tóm tắt cuộc họp ngày 23/1 cho thấy ngân hàng trung ương “rất có khả năng đạt đến điểm có thể bình thường hóa chính sách tiền tệ” sau “một hoặc hai tháng” quan sát nữa.

Một thành viên ban chính sách cho biết: “Có vẻ như các điều kiện để sửa đổi chính sách, bao gồm cả việc chấm dứt chính sách lãi suất âm, đang được đáp ứng”.

Một ý kiến khác cho rằng: “Có thể đánh giá rằng khả năng đạt được vòng luẩn quẩn giữa tiền lương và giá cả đã tăng lên một cách ổn định hơn nữa”.

Báo cáo triển vọng kinh tế hàng quý được công bố cùng với cuộc họp tháng 1 cũng cho biết khả năng củng cố chu kỳ tăng trưởng tiền lương và giá cả “tiếp tục tăng dần”.

Lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 10 năm đã chạm mức cao nhất trong một tuần là 0,75% vào thứ Tư (31/1) khi các thị trường xem thông tin này là dấu hiệu cho thấy nhiều khả năng lãi suất âm sẽ kết thúc vào tháng 3 hoặc tháng 4.

Thời điểm quyết định đầu tiên sẽ là cuộc họp chính sách vào ngày 18/3 và 19/3, nếu những con số tăng trưởng lạm phát và tiền lương vượt xa mức tăng của năm ngoái - mức lớn nhất trong ba thập kỷ - thì điều đó có thể thúc đẩy BOJ tiến tới việc loại bỏ lãi suất âm.

Nhưng một số quan chức BOJ bày tỏ lo ngại rằng cuộc họp tháng 3 trùng với thời điểm cuối năm tài chính đối với các công ty sẽ chốt sổ sách vào tháng 3. Sau đó ngân hàng trung ương sẽ có thêm thông tin để làm việc tại cuộc họp tiếp theo vào ngày 25/4 và ngày 26/4.

Động thái của các ngân hàng trung ương khác có thể làm phức tạp vấn đề. Nếu BOJ thực sự tăng lãi suất bằng cách chấm dứt chính sách lãi suất âm cùng lúc với việc Cục Dự trữ Liên bang (Fed) hoặc Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) thực hiện cắt giảm lãi suất, khoảng cách lợi suất được thu hẹp có thể khiến đồng yên tăng giá.

“Bây giờ là cơ hội vàng và các quyết định chính sách của ngân hàng trung ương cần phải tính đến rằng, nếu tiếp tục với chính sách tiền tệ hiện tại, các tác dụng phụ đi kèm sẽ vẫn tồn tại cho đến giai đoạn phục hồi tiếp theo, đặc biệt là của các nền kinh tế nước ngoài”, BOJ cho biết.

Một nguồn tin chính phủ cho biết: “Bây giờ vấn đề chỉ là thời gian”.

Tin bài liên quan