Năm 2010, sàn giao dịch vàng đã bị Chính phủ đóng cửa

Năm 2010, sàn giao dịch vàng đã bị Chính phủ đóng cửa

Thành lập sàn giao dịch vàng, mũi tên trúng nhiều đích

(ĐTCK-online) Mới đây, một ngân hàng thương mại đã trình Chính phủ đề án thành lập sàn giao dịch vàng nhằm góp phần giải quyết những bất ổn diễn ra trên thị trường vàng trong năm qua.

Một trong những bất ổn của thị trường tài chính - tiền tệ năm 2010 là giá vàng liên tục leo thang, tác động đến tỷ giá. Trong khi đó, không ít người có nhu cầu đầu tư vàng đã lén lút mở tài khoản quốc tế để giao dịch.

Mới đây, một ngân hàng thương mại đã trình Chính phủ đề án thành lập sàn giao dịch vàng nhằm góp phần giải quyết những vấn đề trên. Báo ĐTCK đã có cuộc phỏng vấn ông Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy bán Giám sát tài chính quốc gia xung quanh vấn đề này.

 

Ông có bày tỏ sự lo lắng nền kinh tế đứng trước nguy cơ bị "vàng hóa". Vì sao vậy, thưa ông?

Thành lập sàn giao dịch vàng, mũi tên trúng nhiều đích ảnh 1
Ông Lê Xuân Nghĩa

Hiện nay, chưa có con số thống kê chính xác về lượng vàng đang có trong dân. Theo số liệu của Hội đồng Vàng thế giới (đã có văn phòng đại diện tại Việt Nam ), thì lượng vàng Việt Nam đang nắm giữ khoảng trên 1.071 tấn. Với số liệu này, Việt Nam nằm trong Top 5 quốc gia có lượng vàng tích trữ lớn nhất thế giới. Còn theo số liệu của một công ty về khai khoáng và xuất nhập khẩu vàng, có trụ sở tại Anh, con số trên ít nhất là 460 tấn. Với số liệu này, Việt Nam xếp trong Top 10 quốc gia về tích trữ vàng.

Cho dù với số liệu nào thì lượng vàng trong dân hiện nay đang rất lớn. Tâm lý sính tích trữ vàng đang khiến một lượng tiền lớn đổ vào vàng, thay vì chảy vào sản xuất - kinh doanh. Đó là điều đáng lo ngại.

 

Vậy làm thế nào để biến lượng vàng tích trữ trong dân thành nguồn lực cho phát triển kinh tế?

Tỷ lệ đáng kể tiết kiệm nội địa của Việt Nam nằm dưới dạng vàng do không được chuyển hóa thành tiền gửi tại ngân hàng nên không có hiệu quả. Việc biến vàng thành nguồn vốn hiệu quả đầu tư cho nền kinh tế cần vai trò lớn của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Theo tôi, NHNN có thể cho phép các NHTM huy động tiền gửi bằng vàng và hoán đổi tại NHNN. NHNN có thể mua vàng để tăng dự trữ của mình và như vậy buộc phải phát hành tiền. Trong những trường hợp cần thiết, các NHTM có thể đến mua lại vàng tại NHNN. Nếu thấy việc phát hành tiền có thể gây lạm phát, thì NHNN phải sử dụng các công cụ khác như tín phiếu của NHNN để hút về, cân bằng lượng tiền lưu thông. Theo cách này, vàng trong kho dự trữ ngoại tệ của NHNN được tăng lên và đây là phương tiện tích trữ thận trọng, tốt nhất hiện nay. Thứ hai là vốn hóa vàng thành tiền để lưu thông, cho vay đối với nền kinh tế. NHNN khi đã có một lượng vàng dự trữ lớn thì nó cũng là bảo chứng cho việc phát hành tiền.

 

Trước sự biến động thất thường và "méo mó" trên thị trường vàng vừa qua, theo ông, có nên thành lập một sàn giao dịch vàng?

Thị trường vàng hiện nay rất lớn, nhu cầu mua - bán vàng là có thực. Nếu không đáp ứng bằng cách này thì người ta lại luồn lách bằng cách khác. Do đó, theo tôi, cách tốt nhất là thành lập một Sở giao dịch vàng quốc gia (SGDV), được quản lý tập trung dưới sự giám sát của NHNN. SGDV hoạt động là công ty TNHH một thành viên 100% vốn nhà nước.

Điểm lợi của việc thành lập SGDV là nó thỏa mãn nhu cầu kinh doanh vàng của DN, NHTM và dân chúng. Đây cũng là dịch vụ sinh lời rất lớn trên thế giới. Thứ hai là giải quyết được tình trạng nhiều DN và nhà kinh doanh vàng đang phải mở tài khoản kinh doanh vàng ở nước ngoài, khiến vốn chảy ra nước ngoài theo con đường không chính thức, khó kiểm soát. SGDV còn làm cân bằng nhu cầu, giúp thu hẹp khoảng cách giữa giá vàng trong nước và quốc tế. Hoạt động đầu cơ chỉ dựa trên nền tảng chênh lệch giá. Do đó, có SGDV sẽ làm cho giá cả trong nước cân bằng, hạn chế tình trạng đầu cơ.

Mặt khác, nếu không có SGDV, các nhà kinh doanh vàng có thể lũng đoạn thị trường vàng, tạo ra khoản thiếu hụt giả tạo để tăng giá bán. Hoặc họ có thể tạo ra những xung đột tâm lý, làm cho người dân đổ xô đi bán hoặc đi mua vàng, gây thiệt hại lớn. Đặc biệt, nó làm cho người dân bất an về kinh tế vĩ mô, về chính sách tài chính - tiền tệ.

Thông qua SGDV, Chính phủ và NHNN quản lý thị trường vàng sẽ đơn giản hơn. Nếu cần, NHNN có thể tác động vào SGDV để bình ổn thị trường hoặc thông qua đó để quản lý bằng các biện pháp khác như công cụ thuế. NHNN cũng có thể giám sát được việc giao dịch vàng với khối lượng lớn, biết được dòng vốn chu chuyển vào ra như thế nào.

 

Với đặc thù như Việt Nam, SGDV cần được tổ chức như thế nào, thưa ông?

Theo tôi, nên học kinh nghiệm của Trung Quốc trong việc thành lập SGDV. Khi Trung Quốc bãi bỏ lệnh cấm tích trữ vàng thì nhu cầu buôn bán vàng tăng lên rất nhanh. SGDV gọi là sàn, nhưng không phải giao dịch vàng vật chất, mà là giao dịch vàng chứng chỉ. Loại chứng chỉ này do NHNN cấp phép, với điều kiện phải có lượng vàng ký gửi trong NHNN. Chứng chỉ là để tiện cho giao dịch điện tử, buôn bán vàng không phải là ảo, mà là thật, thông qua chứng chỉ. Các DN của Việt Nam có thể ký gửi vàng tại NHNN và tham gia giao dịch trên thị trường trong và ngoài nước một cách bình thường.

Về mô hình, tôi nghĩ, có một SGDV quốc gia quản lý chung. Sẽ có hai sàn giao dịch tại hai địa phương Hà Nội và TP. HCM. Cơ chế giao dịch sẽ giống như giao dịch chứng khoán. Về nguyên tắc, ai cấp phép thì người đó quản lý. Lâu nay, NHNN cấp phép xuất nhập khẩu vàng thì NHNN là cơ quan giám sát.