Thanh toán xuyên biên giới: Những thách thức với nhà quản lý

Thanh toán xuyên biên giới: Những thách thức với nhà quản lý

(ĐTCK) Hoạt động thanh toán quốc tế luôn gắn liền với các hoạt động di chuyển lao động và luân chuyển hàng hóa, thương mại quốc tế. Trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế cùng với sự phát triển mạnh mẽ của các ứng dụng Internet và nhu cầu giao dịch điện tử, vấn đề thanh toán xuyên quốc gia lại càng trở nên đáng được quan tâm.

Trong thực tế phát triển ứng dụng dựa trên nền tảng Internet ngày càng mạnh mẽ, thanh toán điện tử, thanh toán trực tuyến, thanh toán xuyên biên giới… cũng cần được đánh giá dựa trên sự thay đổi của cuộc sống số hóa, với môi trường tương tác dựa trên IoT (Internet vạn vật).

Ông Tạ Quang Ðôn, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. 

Thanh toán xuyên biên giới được hiểu là việc cung ứng dịch vụ thanh toán và sử dụng dịch vụ thanh toán (với mục đích chi trả thu nhập và thanh toán hàng hóa, dịch vụ) thông qua các phương tiện điện tử hoặc dựa trên các ứng dụng Internet giữa các nhà cung ứng, người sử dụng dịch vụ ở nước này với nhà cung ứng, người sử dụng dịch vụ ở nước khác.

Và như vậy, ở góc độ nào đó, hoạt động thanh toán xuyên biên giới dường như đã “xóa nhòa” khái niệm biên giới với tư cách là ranh giới phân định chủ quyền, quyền tài phán của các quốc gia. 

Trong điều kiện và cách tiếp cận thanh toán xuyên biên giới như vậy, từ góc độ quản lý nhà nước, cần phải ứng xử như thế nào đối với hoạt động thanh toán xuyên biên giới, đặc biệt là hoạt động thanh toán sử dụng công nghệ? Chúng tôi cho rằng cần lưu ý một số nội dung sau đây:

Thứ nhất, phải nhìn nhận hoạt động thanh toán xuyên biên giới là sự phát triển tất yếu cùng với sự gia tăng các hoạt động giao lưu và thương mại quốc tế, của sự hội nhập quốc tế một cách toàn diện các mặt đời sống kinh tế, xã hội của các quốc gia.

Do đó, cần tiếp cận và quản lý hoạt động thanh toán xuyên biên giới trong mối quan hệ đa chiều của hội nhập kinh tế quốc tế và nhu cầu đảm bảo chủ quyền, pháp luật quốc gia.

Sự phù hợp của pháp luật về thanh toán của mỗi quốc gia cần đặt trong sự tương xứng, đồng bộ với quy định của các điều ước quốc tế, các hiệp định kinh tế - tài chính quốc tế, điều lệ của tổ chức tài chính quốc tế mà quốc gia là thành viên, đồng thời phải tôn trọng các thông lệ quốc tế về kinh doanh, thương mại.

Việc Việt Nam tham gia vào Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), ký kết các Hiệp định quốc tế như CPTPP, EVFTA, các Hiệp định thương mại khu vực ASEAN... hay tham gia làm thành viên của các tổ chức tài chính quốc tế lớn như ADB, IMF, WB, AIIB... là hết sức cần thiết.

Trong điều kiện hội nhập đó, cần phải tiếp tục nghiên cứu, rà soát các quy định của các điều ước quốc tế, điều lệ của các tổ chức tài chính quốc tế để hiểu rõ, đầy đủ các cam kết cũng như quyền, nghĩa vụ thành viên của mình.

Có một số không gian pháp lý rất đáng quan tâm để Việt Nam quan tâm nhằm đẩy nhanh việc phát triển các dịch vụ thanh toán phù hợp với hoàn cảnh cụ thể và không vi phạm các cam kết quốc tế.

Trong một số điều ước quốc tế, Việt Nam bảo lưu được các quyền, kể cả hạn chế hoặc không cam kết một số nội dung liên quan đến mục tiêu chính sách công để đảm bảo phát triển thị trường dịch vụ trong nước (như các giới hạn trong việc quản lý định lượng thông qua việc cấp phép, hạn chế gia nhập thị trường của một số hoạt động thanh toán như hoạt động chuyển mạch thẻ, chuyển mạch tài chính...), hoặc cho phép lựa chọn triển khai các hoạt động, dịch vụ tài chính mới trong khuôn khổ các ứng dụng, thí điểm (sandbox cho các hoạt động FinTech là điển hình)... 

Bên cạnh đó, khi gia nhập WTO, Việt Nam chưa cam kết về việc cho phép cung ứng dịch vụ xuyên biên giới đối với các dịch vụ thanh toán và chuyển tiền, bao gồm thẻ tín dụng, thẻ thanh toán, thẻ ghi nợ, séc du lịch và hối phiếu ngân hàng.

Trong lĩnh vực về thẻ ngân hàng, các ngân hàng nước ngoài muốn cung ứng các dịch vụ thanh toán thẻ cho các nhà cung ứng dịch vụ hàng hóa, dịch vụ và chủ thẻ tại Việt Nam thì phải thực hiện thông qua việc thành lập chi nhánh hoặc ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam...

Thứ hai, cần phải tiếp tục nâng cao hiệu quả của công tác thực thi pháp luật. Một số vi phạm liên quan đến hoạt động thanh toán thông qua các dịch vụ ví điện tử hay một số hình thức chấp nhận thanh toán thông qua việc sử dụng thiết bị kết nối Internet của một số doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh du lịch gần đây càng cho thấy rõ hơn nhu cầu đó.

Bên cạnh việc hoàn thiện các quy định pháp luật hiện hành về thanh toán (quy định về mở và sử dụng tài khoản thanh toán, quy định về vận hành điểm chấp nhận thanh toán POS...), về quản lý ngoại hối, quản lý việc đăng ký và thực hiện hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp trong và ngoài nước, thì cũng cần tăng cường năng lực quản lý, kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật của các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là sự phối hợp liên ngành giữa các cơ quan quản lý trên cùng địa bàn.

Đồng thời, cũng cần nhận dạng, rà soát và bổ sung quy định pháp luật, kể cả quy định về xử phạt vi phạm, các yêu cầu kỹ thuật về tiếp cận và quản lý việc cung ứng các dịch vụ truyền thông, sử dụng/ngừng sử dụng ứng dụng trên Internet... để có biện pháp quản lý phù hợp.

Thứ ba, sự gia tăng và biến đổi các phương thức thanh toán điện tử xuyên quốc gia đòi hỏi chúng ta thay đổi cách tiếp cận đối với các đối tượng quản lý, cũng như nhìn nhận các hình thức giao dịch thanh toán mới.

Các ứng dụng thanh toán điện tử xuyên quốc gia không chỉ dựa vào sự cung ứng dịch vụ thanh toán của các ngân hàng thương mại, mà đã cho thấy sự xâm nhập mạnh mẽ của các thực thể thương mại/mô hình kinh doanh dựa trên Internet, với lợi thế từ nền tảng khách hàng lớn và sự áp đặt các yêu cầu thanh toán dựa trên lợi thế kinh doanh đó.

 Hoạt động thanh toán quốc tế truyền thống đang chịu sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các doanh nghiệp thanh toán, thương mại điện tử như Paypal, Alipay…

Các hoạt động thanh toán quốc tế truyền thống cũng đang chịu sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các doanh nghiệp thanh toán, thương mại điện tử như Paypal hoặc các mô hình thanh toán của các mạng xã hội như Facebook, Google... thông qua cổng thanh toán của các tổ chức thẻ quốc tế như Cybersource của VisaCard, hay MiGS của MasterCard...

Ngoài ra, các ứng dụng trực tuyến nhưng không có hình thức hiện diện thương mại tại Việt Nam như một số dịch vụ đặt xe trực tuyến, đặt phòng khách sạn... cũng đã xuất hiện ngày một nhiều, đi kèm với các dịch vụ thanh toán của các ngân hàng nước ngoài ở nước ngoài.

Sự biến đổi và phát triển nhanh chóng của các hình thức giao dịch thanh toán này đòi hỏi sự thay đổi thích ứng của hoạt động quản lý.

Việc quản lý các đối tượng có hoạt động thanh toán xuyên biên giới không chỉ bó hẹp trong phạm vi các ngân hàng cung ứng dịch vụ thanh toán, mà cần nghiên cứu cách thức quản lý đối với các doanh nghiệp có hoạt động thanh toán dựa trên nền tảng các hoạt động kinh doanh cơ bản của họ.

Việc quản lý các đối tượng có hoạt động thanh toán xuyên biên giới không chỉ bó hẹp trong phạm vi các ngân hàng cung ứng dịch vụ thanh toán, mà cần nghiên cứu cách thức quản lý đối với các doanh nghiệp có hoạt động thanh toán dựa trên nền tảng các hoạt động kinh doanh cơ bản của họ 

Bên cạnh đó, cũng cần lưu ý hoạt động thanh toán của các công ty kinh doanh mạng xã hội khi thực hiện chi trả thu nhập cho các cá nhân, doanh nghiệp tại Việt Nam có tải các sản phẩm lên kho ứng dụng của họ hoặc việc thanh toán cho các giao dịch mua, bán các sản phẩm trong các kho ứng dụng của các công ty ở nước ngoài.

Cần rà soát các quy định về quản lý thông tin giao dịch qua tài khoản, các quy định pháp luật về quản lý thuế, các quy định về phòng chống rửa tiền... để thống nhất cách tiếp cận, cũng như chia sẻ thông tin quản lý có liên quan.

Hơn nữa, khuôn khổ pháp luật không chỉ là cơ sở pháp lý để các cá nhân, doanh nghiệp tuân thủ mà còn phải đóng vai trò là môi trường thúc đẩy quá trình đổi mới, sáng tạo cho nền kinh tế. Điều đó đòi hỏi một sự phản ứng rất nhanh chóng, hiệu quả không chỉ trong việc hoạch định chính sách mà còn trong quy trình xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Thứ tư, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế về kỹ thuật quản lý hoạt động thanh toán. Bên cạnh việc ban hành các quy định tiêu chuẩn về thẻ chip theo chuẩn EMV, tiêu chuẩn QR code..., cần tiếp tục bổ sung, hoàn thiện các quy định về thanh toán không dùng tiền mặt, xác định mô hình và cách thức quản lý hoạt động trung gian thanh toán, cách tiếp cận mới về quản lý hoạt động cung ứng dịch vụ thanh toán của các ngân hàng thương mại…

Ngoài ra, cần nghiên cứu để hoàn thiện điều kiện kỹ thuật, cơ sở pháp lý để xây dựng, vận hành hệ thống thanh toán bù trừ tự động, tổ chức và hoạt động của tổ chức chuyển mạch tài chính, chuyển mạch thẻ..., nhằm đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống thanh toán quốc gia và các hệ thống thanh toán khác nhằm đáp ứng toàn diện, đầy đủ nhu cầu thanh toán của nền kinh tế, đảm bảo khả năng kết nối với hệ thống thanh toán của các quốc gia khác...

Thứ năm, việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý quản lý hoạt động thanh toán xuyên biên giới còn phải hướng đến việc tạo cơ hội và bảo đảm tính cạnh tranh, sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước trên cùng một nền tảng hàng hóa, dịch vụ mà họ cung cấp.

Hiện nay, một số công ty nước ngoài cung ứng các dịch vụ liên quan đến hoạt động thanh toán tại Việt Nam nhưng chưa chịu sự điều chỉnh tương ứng của pháp luật Việt Nam.

Cách tiếp cận về sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước cần được đặt dưới nhiều khía cạnh khác nhau, từ kinh tế (đứng từ góc độ quản lý thuế để đảm bảo sự công bằng trong việc nộp thuế trên cơ sở hoạt động kinh doanh), pháp lý (từ việc cấp phép và phạm vi các hoạt động chịu sự quản lý của các cơ quan quản lý nhà nước) cho đến việc đảm bảo các yêu cầu về mặt an ninh, an toàn thông tin, công nghệ (đứng từ góc độ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cũng như bảo vệ tính toàn vẹn, an toàn đối với dữ liệu thông tin cá nhân) và góc độ đảm bảo tính tương thích giữa  pháp luật trong nước và các cam kết quốc tế.

Do đó, cần đánh giá một cách tổng thể các quy định pháp luật và khả năng áp dụng, thi hành các quy định đó trên thực tế để tạo được một nền tảng pháp lý kinh doanh bình đẳng.

Thứ sáu, cần xây dựng khuôn khổ pháp lý để kịp thời điều chỉnh các hoạt động dựa trên sự phát triển của nền tảng công nghệ của các doanh nghiệp trong và ngoài nước, của các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam đối với một số lĩnh vực như liên kết giữa các doanh nghiệp trung gian thanh toán/FinTech trong nước với các doanh nghiệp nước ngoài, hoặc sự tham gia của doanh nghiệp nước ngoài vào các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ thanh toán của Việt Nam hoặc nhu cầu mở rộng, đa dạng hóa các ứng dụng thanh toán dựa trên các sản phẩm của các công ty công nghệ hoặc sự liên kết, bán chéo, kết nối sản phẩm dịch vụ với hạ tầng thanh toán của các doanh nghiệp trong cùng hệ sinh thái FinTech... 

Bên cạnh việc xây dựng khuôn khổ cho hoạt động của các doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam thì cũng cần tiếp cận để mở rộng độ linh hoạt trong chính sách để thúc đẩy phát triển các sản phẩm, các dịch vụ thanh toán mới, nhưng vẫn phải thận trọng để đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động thanh toán, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và các bên tham gia quan hệ thanh toán.

Ngoài việc tiếp tục nghiên cứu giải pháp về pháp lý, kỹ thuật, cần mở rộng nghiên cứu kinh nghiệm nước ngoài hoặc kiến nghị hợp tác với các cơ quan quản lý, giám sát nước ngoài để xử lý hiệu quả mối quan hệ liên kết của hoạt động thanh toán xuyên biên giới.

Như vậy, việc nhận diện, quản lý các hoạt động thanh toán xuyên biên giới đòi hỏi xử lý một cách tổng thể và sự phối hợp đồng bộ các hoạt động quản lý nhà nước, cũng như sự thống nhất trong chính sách pháp luật.

Việc thích ứng của việc quản lý đối với sự phát triển của các ứng dụng thanh toán và hoạt động thanh toán xuyên biên giới tiếp tục là thử thách trong điều kiện biến đổi nhanh chóng của khoa học và công nghệ hiện nay.

Tin bài liên quan