Tháo gỡ “nút thắt” hệ số niềm tin

Tháo gỡ “nút thắt” hệ số niềm tin

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tháo gỡ “nút thắt” về hệ số niềm tin hiện nay có lẽ là hướng khả dĩ nhất để doanh nghiệp và cả người dân có thể “bớt lo” vào thời điểm cuối năm nay và đầu năm sau.

“Không nhiều người dám mua bất động sản vào thời điểm khi mà chưa ai dám khẳng định ‘đáy’ thị trường là đâu. Thế nhưng, nếu cứ như vậy mãi thì thị trường sẽ càng loạn”, lãnh đạo một tập đoàn bất động sản lớn tại phía Bắc chia sẻ cùng phóng viên Đầu tư Chứng khoán khi nói về những kỳ vọng của thị trường trong năm 2023.

Hai cụm từ “sống sót” và “yên bình” có lẽ điều rất mong muốn vào thời điểm này ở nhiều doanh nghiệp cả lớn và nhỏ như vị lãnh đạo này chia sẻ. Tuy nhiên, điều này có vẻ như hơi bị “xa xỉ” khi vẫn quá nhiều điều chưa chắc chắn đang hiện hữu, dù đã có thêm nhiều thông điệp từ phía cơ quan quản lý nhà nước trong việc điều tiết và giảm những rủi ro lan rộng của thị trường vào thời điểm này.

Ở góc độ doanh nghiệp, nhất là nhóm doanh nghiệp bất động sản, không chỉ vị lãnh đạo trên, mà chia sẻ từ nhiều lãnh đạo doanh nghiệp khác trong thời gian qua cũng cho thấy, tìm điểm cân bằng trong việc điều hành doanh nghiệp để vừa phù hợp và dung hòa được với các chính sách, vừa ứng phó được với các biến số như lạm phát, lãi suất, tỷ giá là không hề dễ dàng.

Trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo trực tiếp cho Ngân hàng Nhà nước xây dựng các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ hợp lý theo tinh thần chủ động, chắc chắn, linh hoạt và hiệu quả. Trong đó, có việc rà soát các dự án bất động sản đủ điều kiện để hỗ trợ giải ngân tín dụng.

Ngay sau cuộc họp này, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định nới room tín dụng 1,5 - 2% cho toàn hệ thống ngân hàng. Dù việc nới room này không phải dành riêng cho nhóm bất động sản, nhưng nó cũng cho thấy, đã bắt đầu có những giải pháp “đặc biệt” dành cho thị trường bất động sản sau khi Tổ công tác gỡ khó cho bất động sản được Thủ tướng Chính phủ thành lập hồi giữa tháng 11.

Có một số ý kiến cho rằng, bất động sản đã trải qua tăng trưởng nóng, cần một thời gian "đóng băng" để người dân có cơ hội mua nhà giá rẻ. Đây cũng là quan điểm đúng, nhưng đôi khi lại chưa đầy đủ, bởi nếu xét ở tầm quốc gia, nền kinh tế không vận hành đơn giản như vậy.

Thống kê của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) cho thấy, bất động sản là ngành quan trọng, liên quan trực tiếp và gián tiếp tới ít nhất 40 ngành, đều là các lĩnh vực thâm dụng vốn và lao động, nổi bật như thép, xây dựng... Ngành bất động sản tê liệt, sẽ có ảnh hưởng dây chuyền khó lường đến cả nền kinh tế.

Cần hiểu rõ rằng, bất động sản cũng là một kênh đầu tư, tích trữ tài sản của các hộ gia đình tại Việt Nam và hầu như ai – kể cả mua để ở cũng đều mong muốn lên giá (sinh lời), chỉ có khác nhau ở mức độ. Điều này đồng nghĩa sẽ cần làm rõ nghĩa hơn về giá cả trên thị trường địa ốc.

Cũng cần nói thêm, với các sản phẩm hoàn chỉnh, nguồn cung bất động sản đang suy giảm tại nhiều đô thị lớn ở Việt Nam do vướng mắc về pháp lý. Đây cũng là một trong những nguyên nhân đẩy giá nhà đất lên cao. Vì thế, thời điểm này rất cần các thông điệp rõ ràng về việc khơi thông nguồn cung, tháo gỡ các vấn đề pháp lý, đặc biệt là ở phân khúc nhà ở giá cả phải chăng mà Chính phủ đang hướng tới.

Ở đây, với nhà ở cho người thu nhập thấp, rất nhiều doanh nghiệp thời gian qua đã lên tiếng rằng, chìa khóa chính là đất đai, thủ tục phức tạp. Chỉ cần khắc phục được điều này, các doanh nghiệp sẽ sẵn sàng chuyển đổi từ việc đầu tư nhà trung - cao cấp sang nhà ở giá thấp phục vụ số đông.

Tin bài liên quan