Thị trường OTC hiện khá rủi ro bởi cơ chế chuyển nhượng trực tiếp dưới hình thức giấy biên nhận giữa nhà đầu tư với nhau.

Thị trường OTC hiện khá rủi ro bởi cơ chế chuyển nhượng trực tiếp dưới hình thức giấy biên nhận giữa nhà đầu tư với nhau.

Thắt chặt quản lý thị trường OTC

(ĐTCK-online) Trường chứng khoán tự do (OTC) hình thành tự phát và đi vào “vận hành” trước cả thị trường chính thức 2 - 3 năm. Tuy nhiên, đến tận thời điểm này, Bộ Tài chính mới bắt tay vào xây dựng một văn bản pháp lý dưới dạng Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ để tăng cường quản lý thị trường OTC. “Nếu không có biện pháp quản lý đối với thị trường này thì nguy cơ lừa đảo, đổ vỡ rất lớn và sẽ lan truyền, ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường tập trung, bởi giao dịch trên thị trường OTC tiềm ẩn nhiều rủi ro do thiếu minh bạch về thông tin và chưa được pháp luật điều chỉnh.

Bên cạnh đó, rủi ro trong thanh toán trên thị trường OTC cũng rất lớn, do giao dịch chủ yếu được thực hiện bằng tiền mặt và cơ chế chuyển nhượng trực tiếp dưới hình thức giấy biên nhận giữa nhà đầu tư với nhau”, Bộ Tài chính thừa nhận.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh, mặc dù là thị trường OTC nhưng trên thế giới, thị trường này vẫn nằm dưới sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước. Trong khi đó, tại Việt Nam , do chưa có sự quản lý chặt chẽ nên trong những giai đoạn thị trường phát triển nóng, có không ít nhà đầu tư bán cả những cổ phiếu mà họ chưa có, thậm chí là không có. “Bộ Tài chính đang triển khai xây dựng Đề án Quản lý giao dịch trên thị trường OTC theo hướng tất cả các loại cổ phiếu muốn mua bán phải qua Trung tâm Lưu ký”, ông Ninh cho biết.

Việc chưa thể quản lý chặt chẽ thị trường OTC, theo nhận định của Bộ Tài chính, có khá nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân là hệ thống luật pháp thiếu đồng bộ. Đơn cử, trước thời điểm 1/1/2007 (Luật Chứng khoán có hiệu lực), việc chào bán chứng khoán ra công chúng của doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa, ngân hàng thương mại và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không được thực hiện theo các tiêu chuẩn công bố thông tin công khai, minh bạch và vẫn chưa có sự giám sát của cơ quan quản lý nhà nước. Ngay cả sau khi Luật Chứng khoán có hiệu lực thì việc quản lý doanh nghiệp chào bán chứng khoán ra công chúng vẫn tiếp tục gặp khó khăn do nguyên nhân từ hệ thống luật pháp, như chưa có văn bản hướng dẫn việc chào bán cổ phiếu riêng lẻ (ngoại trừ Nghị định 52/2006/NĐ-CP về phát hành trái phiếu doanh nghiệp) theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Theo Bộ Tài chính, lợi dụng kẽ hở này, hiện có nhiều công ty cổ phần chào bán chứng khoán riêng lẻ để tránh sự quản lý của nhà nước, trong khi trên thực tế, các doanh nghiệp này chào bán chứng khoán ra công chúng. Sau khi hoàn tất việc “phát hành riêng lẻ”, hầu hết doanh nghiệp không thực hiện lưu ký, niêm yết/đăng ký giao dịch cổ phiếu nên không phải chịu sự quản lý về tính công khai, minh bạch thông tin. Việc giao dịch các loại chứng khoán này được thực hiện trên thị trường OTC khiến cơ quan quản lý nhà nước gần như bó tay trong khâu quản lý.

Việc mua bán trên thị trường OTC thường thông qua môi giới chứng khoán tự do - một hoạt động bị Luật Chứng khoán nghiêm cấm (theo Điều 33 của Luật Chứng khoán thì không một tổ chức, cá nhân nào được phép tổ chức thị trường giao dịch chứng khoán). Tuy nhiên, cách thức tổ chức giao dịch thị trường OTC như hiện nay đã vô hiệu hóa Nghị định 36/2007/NĐ-CP (về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK) đối với hoạt động môi giới chứng khoán tự do. “Khả năng xử phạt các đối tượng tổ chức giao dịch (môi giới) chứng khoán trên thị trường OTC vô cùng khó khăn”, Bộ Tài chính thừa nhận.

Chính việc phát hành chứng khoán riêng lẻ quá dễ dàng và đặc biệt là chưa chịu sự quản lý của nhà nước, do chưa có hệ thống văn bản pháp luật điều chỉnh lĩnh vực này nên tình trạng doanh nghiệp không có chức năng đầu tư tài chính vẫn huy động vốn để đầu tư mua cổ phần, cổ phiếu của doanh nghiệp khác không còn là hiện tượng mà đã trở thành trào lưu phổ biến.

Chính vì vậy, trong khi chưa thể xây dựng được một văn bản pháp lý cao hơn dưới dạng nghị định của Chính phủ về việc tăng cường quản lý thị trường OTC và phát hành trái phiếu riêng lẻ, Bộ Tài chính đã phải kiến nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành một chỉ thị để xử lý vấn đề này. Bởi theo Bộ Tài chính, giao dịch tự phát trên thị trường OTC và huy động vốn tự phát từ công chúng là hoạt động nhiều rủi ro, có khả năng tác động đến công chúng đầu tư nói riêng và toàn xã hội nói chung.

“Đây chỉ là một trong những giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý của cơ quan quản lý nhà nước đối với TTCK, muốn quản lý thực sự có hiệu quả, đúng mục đích thì phải triển khai, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp khác”, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh và cho biết, một trong những giải pháp cơ bản nhất để quản lý thị trường OTC là mở rộng thị trường tập trung; trong đó, trọng tâm là phải khẩn trương quản lý công ty đại chúng và việc chào bán chứng khoán ra công chúng, yêu cầu các công ty cổ phần đáp ứng tiêu chuẩn công ty đại chúng đăng ký ngay hồ sơ công ty đại chúng, làm cơ sở để quản lý các doanh nghiệp này theo quy định pháp luật về chứng khoán.

Theo Dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý thị trường OTC, phát triển TTCK tập trung (đang được Bộ Tài chính xây dựng) thì tổ chức phát hành cổ phiếu riêng lẻ đã tăng vốn phải làm thủ tục đăng ký ngay với cơ quan quản lý kinh doanh hoặc cơ quan cấp phép hoạt động; nghiêm cấm tổ chức, cá nhân tổ chức thị trường giao dịch chứng khoán bất hợp pháp; các loại chứng khoán được niêm yết, giao dịch ở nước ngoài không được giao dịch trên thị trường Việt Nam, ngoại trừ cổ phiếu được cơ quan quản lý TTCK Việt Nam và nước ngoài có hợp đồng niêm yết chéo, giao dịch chéo… Cũng theo Dự thảo, các doanh nghiệp không có chức năng đầu tư tài chính (trừ ngân hàng thương mại hoặc công ty tài chính) không được chào bán chứng khoán ra công chúng để huy động vốn góp cổ phần và đầu tư chứng khoán.