Cơ chế cấp hạn mức tín dụng mang tính hành chính dần trở nên lạc hậu so với thực tiễn

Cơ chế cấp hạn mức tín dụng mang tính hành chính dần trở nên lạc hậu so với thực tiễn

Thay đổi cấu trúc phân bổ vốn trong nền kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo ông Nguyễn Minh Hạnh, Giám đốc Trung tâm Phân tích SHS Research, đó là tác động lớn nhất nếu quy định về hạn mức tín dụng được xóa bỏ.

Tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương đầu tháng 7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra một thông điệp đáng chú ý: đề nghị Ngân hàng Nhà nước sớm gỡ bỏ công cụ hành chính trong điều hành tăng trưởng tín dụng. Theo ông, cơ sở nào để Việt Nam tiến tới bỏ hạn mức tín dụng (room tín dụng)?

Cơ sở quan trọng nhất để Việt Nam tiến tới xóa bỏ hạn mức tín dụng là xu hướng thị trường hóa trong điều hành chính sách tiền tệ. Việc áp dụng trần tín dụng - vốn là một công cụ hành chính mang tính tạm thời, ngắn hạn - chỉ phù hợp trong giai đoạn đầu của nền kinh tế chuyển đổi, khi thị trường tài chính còn sơ khai và cần kiểm soát chặt chẽ.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hệ thống tài chính Việt Nam ngày càng phát triển và hội nhập sâu hơn vào thị trường tài chính quốc tế, yêu cầu về tính minh bạch, tự chủ và cạnh tranh lành mạnh trong phân bổ tín dụng ngày càng trở nên cấp thiết. Cơ chế cấp hạn mức tín dụng mang tính hành chính, do đó, dần trở nên lạc hậu, không còn phù hợp với thực tiễn phát triển của thị trường.

Thay vào đó, việc tăng trưởng tín dụng nên được quyết định dựa trên năng lực tài chính thực chất của từng ngân hàng, bao gồm hệ số an toàn vốn (CAR) và chất lượng tài sản có rủi ro (RWA). Đây cũng là thông lệ phổ biến tại các quốc gia áp dụng chuẩn Basel II/III, nơi việc mở rộng tín dụng gắn liền với sức khỏe tài chính và khả năng chịu đựng rủi ro của từng tổ chức tín dụng, thay vì bị giới hạn bởi hạn mức mang tính hành chính.

Hiện tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam đang ở mức cao. Theo ông, giả thiết bỏ hạn mức tín dụng là một trong những biện pháp để cải thiện tỷ lệ này và chất lượng tín dụng liệu có hợp lý không?

Việt Nam hiện duy trì tỷ lệ tín dụng/GDP ở mức cao (khoảng 136% vào cuối năm 2024), tuy nhiên chất lượng tín dụng và hiệu quả đóng góp vào tăng trưởng kinh tế đang có dấu hiệu suy giảm. Chỉ số Credit Impulse (tăng trưởng tín dụng ròng so với GDP) đang cho thấy hiện tượng “lờn thuốc”, tức là tín dụng tiếp tục tăng nhưng không còn tạo ra mức tăng trưởng GDP tương ứng như trước. Điều này có một phần nguyên nhân là dòng vốn bị “mắc kẹt” trong việc đáo hạn nợ cũ (roll-over), hoặc chảy vào các tài sản mang tính đầu cơ, có vòng quay vốn thấp và không tạo ra dòng tiền thực cho nền kinh tế.

Để khắc phục, cần triển khai đồng thời hai nhóm giải pháp:

Thứ nhất, nâng cao hiệu quả tín dụng thông qua cơ chế quản lý rủi ro tài sản linh hoạt (RWA). Thay vì áp dụng hệ số rủi ro (RW) cứng cho mọi khoản vay, có thể thiết kế mức RW phân tầng (ưu tiên mức thấp hơn cho tín dụng vào các lĩnh vực thiết yếu như nhà ở xã hội, sản xuất, logistics...) nhằm khuyến khích dòng vốn chảy vào khu vực có hiệu suất kinh tế cao và tính lan tỏa tốt.

Tuy nhiên, để cải thiện chỉ số tín dụng/GDP một cách thực chất, Việt Nam cần chuyển hướng từ mô hình tăng trưởng tín dụng đại trà sang tăng trưởng dựa trên nội lực của từng ngân hàng. Cốt lõi của chiến lược này là áp dụng phương pháp IRB (Internal Ratings-Based) - cho phép ngân hàng tự xây dựng và sử dụng hệ thống xếp hạng nội bộ để đánh giá rủi ro tín dụng, thay vì bị bó buộc bởi hệ số RW chuẩn hóa theo phương pháp SA (Standardized Approach). Việc này không chỉ giúp ngân hàng linh hoạt trong đánh giá khả năng trả nợ của từng khách hàng, mà còn thúc đẩy việc phân bổ vốn theo mức độ rủi ro và hiệu quả sinh lời, qua đó nâng cao chất lượng tín dụng và hạn chế hiện tượng “roll-over”. Đồng thời, đây cũng là động lực để các ngân hàng đầu tư bài bản hơn vào hệ thống quản trị rủi ro - nền tảng tiên quyết để đáp ứng các chuẩn mực Basel II và tiến tới Basel III.

Thay vì “bơm” tín dụng bằng hạn mức hành chính, IRB cho phép quy mô tín dụng tăng một cách tự nhiên khi năng lực định giá rủi ro của ngân hàng được cải thiện - tức là đi từ chất đến lượng, gắn tín dụng với GDP thực, giảm “roll-over”, chứ không phải chỉ là công cụ duy trì nhịp sống cho các doanh nghiệp yếu kém.

Thứ hai, đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu thông qua thông qua phát triển thị trường thứ cấp, bao gồm thị trường mua bán nợ, chứng khoán hóa tài sản; đẩy nhanh xử lý tài sản đảm bảo…, từ đó, giải phóng nguồn lực cho hoạt động tín dụng lành mạnh.

Việc bỏ hạn mức tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng, theo ông, sẽ tác động như thế nào đến thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản?

Tác động lớn nhất không đến từ việc tổng lượng tín dụng được “bung” ra bao nhiêu, mà nằm ở sự thay đổi trong cấu trúc phân bổ vốn trong nền kinh tế. Khi cơ chế hạn mức tín dụng bị loại bỏ, dòng tín dụng sẽ không còn phân bổ đồng loạt theo chỉ tiêu hành chính, mà sẽ dịch chuyển theo năng lực tài chính và mức độ quản trị rủi ro của từng ngân hàng.

Cụ thể, các ngân hàng có hệ số an toàn vốn (CAR) cao, hệ số tài sản có rủi ro (RWA) được tối ưu và mô hình quản trị rủi ro hiệu quả sẽ có khả năng tăng trưởng tín dụng lớn hơn, từ đó chiếm lĩnh thêm thị phần. Điều này mở ra cơ hội rõ nét cho nhóm ngân hàng tư nhân Tier 2 như TCB, VPB, MBB…, vốn đã đầu tư sớm vào quản trị vốn và tự động hóa rủi ro. Ngược lại, nhóm Big4 như BID, CTG sẽ đối mặt với áp lực phải tăng vốn cấp 1 hoặc tái cơ cấu danh mục tín dụng nếu muốn duy trì CAR ở mức cho phép mở rộng tín dụng.

Với thị trường bất động sản, tác động sẽ nghiêng nhiều về hướng tái cấu trúc phân khúc thị trường hơn là tạo ra một làn sóng bơm vốn ồ ạt. Những dự án rủi ro cao và khó chứng minh được dòng tiền sẽ tiếp tục bị các ngân hàng hạn chế cấp tín dụng do hệ số RW cao. Trong khi đó, các phân khúc ưu tiên như nhà ở xã hội lại đang được thúc đẩy nhờ các đề xuất chính sách mới, chẳng hạn như giảm hệ số rủi ro chỉ còn 50% và tăng tỷ lệ cho vay trên giá trị tài sản. Điều này giúp các ngân hàng có thể giải ngân mà không bị tiêu tốn quá nhiều vốn, vừa an toàn lại phù hợp định hướng chính sách.

Ngoài ra, các dự án chuyên biệt có dòng tiền rõ ràng, doanh nghiệp nhỏ và vừa, lĩnh vực bán lẻ cũng sẽ được hưởng lợi khi RW được điều chỉnh linh hoạt hơn theo mức độ rủi ro thực tế.

Về dài hạn, khi Việt Nam triển khai Basel III, tác động điều tiết còn đến từ các bộ đệm vốn phản chu kỳ (Counter-Cyclical Buffer). Thay vì dùng hạn mức cứng như hiện nay, Ngân hàng Nhà nước có thể lựa chọn nâng hệ số vốn tối thiểu trong giai đoạn thị trường tín dụng tăng nóng. Khi đó, các ngân hàng sẽ tự động phải giảm tốc tăng trưởng tín dụng nếu không đáp ứng được yêu cầu vốn bổ sung - một cơ chế điều tiết mềm mại nhưng hiệu quả hơn quota hành chính, đồng thời phù hợp với thông lệ quốc tế.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc xóa bỏ hạn mức tín dụng không đơn thuần là mở rộng quy mô tín dụng, mà là một bước chuyển có tính chất lượng. Quan điểm của ông về vấn đề này?

Đúng vậy. Bỏ hạn mức tín dụng là động lực thúc đẩy quá trình thị trường hóa hoạt động tín dụng, gia tăng cạnh tranh lành mạnh giữa các ngân hàng và hướng tới phân bổ vốn hiệu quả hơn, theo năng lực thay vì chỉ tiêu hành chính.

Tuy nhiên, để cơ chế mới vận hành bền vững, cần đi kèm với một hệ thống giám sát CAR - RWA minh bạch và chuẩn hóa, cùng với việc phát triển thị trường thứ cấp xử lý tài sản xấu để bảo đảm khả năng thu hồi vốn. Đồng thời, hệ số rủi ro (RW) cũng cần được thiết kế đủ linh hoạt và phân tầng, nhằm dẫn dắt dòng vốn chảy đúng vào những lĩnh vực có giá trị gia tăng cao và đáp ứng nhu cầu thực của nền kinh tế.

Tin bài liên quan