Thay đổi lớn trong phương án đầu tư Sân bay Phan Thiết

0:00 / 0:00
0:00
Việc lựa chọn lại nhà đầu tư thực hiện Dự án BOT Cảng hàng không Phan Thiết sẽ được thực hiện bằng hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước, thay vì chỉ định thầu như đề xuất trước đó.
Công suất thiết kế của nhà ga hành khách Cảng hàng không Phan Thiết được điều chỉnh lên 2 triệu lượt hành khách/năm

Công suất thiết kế của nhà ga hành khách Cảng hàng không Phan Thiết được điều chỉnh lên 2 triệu lượt hành khách/năm

Hé lộ điều kiện cần

Mặc dù cần phải trải qua ít nhất 2 bước nữa (Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, cho ý kiến trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt), nhưng đến thời điểm này, phương án triển khai Dự án BOT Cảng hàng không Phan Thiết, hạng mục hàng không dân dụng đã dần rõ nét, nếu chiểu theo Tờ trình số 4529/TTr-UBND vừa được UBND tỉnh Bình Thuận gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Tại Tờ trình số 4529/TTr-UBND, UBND tỉnh Bình Thuận kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án và chấm dứt hợp đồng trước thời hạn với Công ty cổ phần Rạng Đông để tổ chức lựa chọn nhà đầu tư thay thế theo hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước có đủ năng lực, kinh nghiệm sớm triển khai thi công và đưa vào khai thác, sử dụng hạng mục hàng không dân dụng, đồng bộ với các hạng mục sân bay quân sự.

Trước đó, tháng 8/2023, tại Công văn số 2854/UBND-ĐTQH, UBND tỉnh Bình Thuận kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho chủ trương chấm dứt hợp đồng trước thời hạn Dự án sân bay Phan Thiết với nhà đầu tư là Công ty cổ phần Rạng Đông để lựa chọn nhà đầu tư thay thế, nhằm sớm triển khai thi công và đưa vào khai thác, sử dụng hạng mục hàng không dân dụng, đồng bộ với các hạng mục sân bay quân sự.

UBND tỉnh Bình Thuận cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép được chỉ định nhà đầu tư trong nước có năng lực, kinh nghiệm tiếp tục triển khai thực hiện Dự án theo hình thức BOT.

Lãnh đạo UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, hạng mục hàng không quân sự do Bộ Quốc phòng đầu tư dự kiến hoàn thành, đưa vào khai thác, sử dụng cuối năm 2023. Do đó, việc triển khai xây dựng hạng mục dân dụng phải đảm bảo các yếu tố an ninh, quốc phòng, bảo vệ bí mật của hạng mục quân sự, nên cần triển khai xây dựng đảm bảo đồng bộ, không gây ảnh hưởng đến hoạt động của các hạng mục quân sự khi đã đưa vào khai thác, sử dụng.

Tuy nhiên, theo quan điểm của Bộ Quốc phòng, Dự án sân bay Phan Thiết không thuộc trường hợp áp dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư để bảo đảm yêu cầu về quốc phòng, an ninh quốc gia, bảo vệ bí mật nhà nước. Đây là lý do chính buộc UBND tỉnh Bình Thuận phải chuyển hướng việc lựa chọn nhà đầu tư thay thế Công ty cổ phần Rạng Đông từ chỉ định thầu sang đấu thầu rộng rãi trong nước.

Tại Tờ trình số 4529/TTr-UBND, UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, cơ quan nhà nước có thẩm quyền địa phương và Công ty cổ phần Rạng Đông đã ký văn bản thống nhất thỏa thuận chấm dứt hợp đồng dự án trước thời hạn.

Trong đó, UBND tỉnh Bình Thuận và Công ty cổ phần Rạng Đông thống nhất các chi phí Công ty cổ phần Rạng Đông đã thực hiện, gồm chi phí chuẩn bị đầu tư dự án (khảo sát, lập hồ sơ dự án, quy hoạch), chi phí rà phá bom mìn phục vụ khởi công dự án, chi phí quản lý dự án, sẽ được đơn vị tư vấn kiểm toán độc lập đánh giá, xác định theo quy định.

“Các chi phí này sẽ được đưa vào tổng mức đầu tư dự án trong quá trình lập Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án và nhà đầu tư được lựa chọn có trách nhiệm hoàn trả các chi phí này cho Công ty cổ phần Rạng Đông như là một điều kiện được đưa vào hồ sơ mời thầu lựa chọn nhà đầu tư mới”, ông Nguyễn Hồng Hải, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho biết.

Thách thức tiến độ

Tại Tờ trình số 4529/TTr-UBND, một lần nữa UBND tỉnh Bình Thuận khẳng định việc kết thúc hợp đồng BOT trước hạn với Công ty cổ phần Rạng Đông đã được thực hiện đúng hợp đồng và Luật Dân sự.

Cụ thể, Hợp đồng BOT Dự án Đầu tư xây dựng công trình Sân bay Phan Thiết, hạng mục hàng không dân dụng số 2741/HĐ.BOT-UBND ngày 20/9/2016 được ký kết giữa UBND tỉnh Bình Thuận và Công ty cổ phần Rạng Đông đã trao quyền đầu tư cho doanh nghiệp này với thời gian thu phí hoàn vốn là 70 năm, thời gian xây dựng 3 năm, dự kiến khởi công năm 2015, hoàn thành năm 2018.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, để đảm bảo sự phát triển lâu dài, khai thác các đường bay quốc tế, nâng cao hiệu quả đầu tư, khai thác của sân bay, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhà đầu tư đã có văn bản đề xuất, được UBND tỉnh, Bộ Quốc phòng báo cáo và Thủ tướng Chính phủ thống nhất chủ trương nâng cấp sân bay từ cấp 4C lên cấp 4E, kéo dài đường cất hạ cánh từ 2.400 m lên 3.050 m, quy mô xây dựng phù hợp quy hoạch định hướng đến năm 2030, yêu cầu phát triển ngành hàng không và 6 nhiệm vụ quốc phòng.

Trên cơ sở đó, Bộ Giao thông - Vận tải phê đã duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết Cảng hàng không Phan Thiết giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 tại Quyết định số 1925/QĐ-BGTVT ngày 29/8/2018. Theo đó, Cảng hàng không Phan Thiết được điều chỉnh từ sân bay cấp 4C, đường cất hạ cánh dài 2.400 m, công suất khai thác 500.000 lượt hành khách/năm thành cảng hàng không quốc nội cấp 4E, đường cất hạ cánh dài 3.050 m, nhà ga hành khách có công suất thiết kế 2 triệu lượt hành khách/năm.

Do vậy, quy mô đầu tư, tổng mức đầu tư dự án đã thay đổi so với dự án đã được UBND tỉnh phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi tại Quyết định số 4236/QĐ-UBND ngày 29/12/2014.

Qua rà soát các điều khoản hợp đồng, tình hình thực tế triển khai thực hiện dự án, UBND tỉnh Bình Thuận và Công ty cổ phần Rạng Đông nhận thấy, sau hơn 7 năm kể từ ngày ký kết hợp đồng, Dự án vẫn chưa được triển khai xây dựng, các quy định về đầu tư dự án đã thay đổi so với thời điểm ký kết hợp đồng (Luật Đầu tư theo phương thức PPP đã được ban hành và có hiệu lực; Nghị định số 35/2021/NĐ-CP của Chính phủ đã có hiệu lực thi hành bãi bỏ Nghị định số 63/2018/NĐ-CP; Nghị định số 63/2018/NĐ-CP thay thế Nghị định số 15/2015/NĐ-CP).

“UBND tỉnh Bình Thuận và Công ty cổ phần Rạng Đông đã căn cứ quy định tại khoản 71.1, Điều 71 của Hợp đồng và khoản 2, Điều 422, Bộ luật Dân sự năm 2015 để thực hiện thỏa thuận và thủ tục chấm dứt Hợp đồng dự án trước thời hạn”, lãnh đạo UBND tỉnh Bình Thuận thông tin.

Một điểm thuận lợi để cơ quan nhà nước có thẩm quyền kêu gọi nhà đầu tư trong trường hợp Thủ tướng Chính phủ chấp thuận các nội dung tại Tờ trình số 4529/TTr-UBND là dù sơ bộ tổng mức đầu tư Dự án đã tăng lên gấp đôi, nhưng thời gian hoàn vốn đã được rút ngắn từ 70 năm xuống còn 40 năm.

Ngoài dự báo lưu lượng hành khách tăng lên, thời gian hoàn vốn được cải thiện chủ yếu do cập nhật mức giá, khung giá một số dịch vụ chuyên ngành hàng không tại cảng hàng không, sân bay Việt Nam.

Thách thức lớn nhất đối với UBND tỉnh Bình Thuận tại Dự án BOT Cảng hàng không Phan Thiết, hạng mục hàng không dân dụng lúc này chính là việc đảm bảo đồng bộ tiến độ giữa hạng mục quân sự và hạng mục dân dụng.

Hiện hạng mục hàng không quân sự do Bộ Quốc phòng đầu tư dự kiến hoàn thành đưa vào khai thác, sử dụng cuối năm 2023. Như vậy, UBND tỉnh Bình Thuận phải khẩn trương hoàn thành việc lựa chọn nhà đầu tư trước quý II/2024 để có thể hoàn thành hạng mục hàng không dân dụng Cảng hàng không Phan Thiết vào cuối năm 2025.

“Đây là tiến độ rất căng đòi hỏi UBND tỉnh Bình Thuận phải lựa chọn đúng, trúng nhà đầu tư trong nước có năng lực và kinh nghiệm để trao Dự án BOT Cảng hàng không Phan Thiết, hạng mục hàng không dân dụng”, một lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam nói.

Tin bài liên quan