PGS-TS. Trần Đình Thiên, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách của Thủ tướng Chính phủ.

PGS-TS. Trần Đình Thiên, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách của Thủ tướng Chính phủ.

Thay đổi toàn diện quan điểm, tư duy, thái độ về kinh tế tư nhân

0:00 / 0:00
0:00
Quốc hội sẽ sớm thông qua Nghị quyết nhằm thể chế hóa Nghị quyết 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân. PGS-TS. Trần Đình Thiên, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách của Thủ tướng Chính phủ nhận định, đây là sự đột phá để đất nước bước vào kỷ nguyên mới.

Rất dễ dàng nhận thấy, Nghị quyết 68-NQ/TW là bước đột phá trong phát triển kinh tế tư nhân. Dưới nhãn quan của ông, điểm nào là đột phá?

Đó là đột phá về tư duy đối với kinh tế tư nhân. Nghị quyết khẳng định, kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất của nền kinh tế, là lực lượng tiên phong thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh quốc gia, công nghiệp hoá, hiện đại hoá, tái cấu trúc nền kinh tế.

Tôi xin nhấn mạnh, kinh tế tư nhân là động lực “quan trọng nhất”, chứ không còn là động lực “quan trọng bậc nhất” hay “quan trọng hàng đầu”. Đây không chỉ là thay đổi một từ, mà là thay đổi cả tư duy, thay đổi thái độ, thay đổi quan điểm của Đảng và Nhà nước đối với khu vực kinh tế này. Đảng đặt kinh tế tư nhân vào đúng vai trò, vị trí xứng đáng.

Trong bài viết mới đây về kinh tế tư nhân, Tổng Bí thư Tô Lâm cũng đã chỉ ra, với gần 1 triệu doanh nghiệp, khoảng 5 triệu hộ kinh doanh cá thể, khu vực kinh tế tư nhân hiện đóng góp khoảng 51% GDP, hơn 30% ngân sách nhà nước, tạo ra hơn 40 triệu việc làm, chiếm hơn 82% tổng số lao động trong nền kinh tế, đóng góp gần 60% vốn đầu tư toàn xã hội. Tổng Bí thư khẳng định, trong hai thập niên trở lại đây, nhất là khi có Nghị quyết 09-NQ/TW (năm 2011) và Nghị quyết 10-NQ/TW (năm 2017) về phát triển kinh tế tư nhân, khu vực kinh tế này đã trỗi dậy mạnh mẽ, trở thành một trong những trụ cột quan trọng hàng đầu của nền kinh tế và ngày càng thể hiện là động lực quan trọng nhất trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Nếu bây giờ, chúng ta vẫn chỉ coi kinh tế tư nhân có vai trò quan trọng bậc nhất hay hàng đầu, thì khó lòng thay đổi được các chính sách mang tính đột phá vì kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể, khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng là những thành phần kinh tế quan trọng bậc nhất, hàng đầu. Tức là các cơ chế, chính sách vẫn chỉ chung chung cho tất cả thành phần kinh tế thì làm sao có thể có thêm ngày càng nhiều doanh nghiệp tư nhân Việt Nam vươn lên mạnh mẽ không chỉ làm chủ thị trường nội địa, mà còn khẳng định thương hiệu trên thị trường quốc tế.

Tổng Bí thư cũng đã khẳng định, nếu có môi trường phát triển thuận lợi, doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể vươn xa, cạnh tranh sòng phẳng với thế giới. Chính vì vậy, Tổng Bí thư đã yêu cầu phải có sự thay đổi căn bản trong hoạch định chính sách, khắc phục những hạn chế và phát huy tính ưu việt của cơ chế thị trường để hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân nâng cao năng suất lao động và đổi mới sáng tạo.

Quốc hội sẽ thông qua nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng sớm có nghị quyết, quyết định, chỉ đạo thực hiện và theo đó, sẽ cụ thể những tư duy đột phá để phát triển kinh tế tư nhân. Theo ông, cần có những đột phá nào?

Nghị quyết 68-NQ/TW đã đặt ra hàng loạt nhóm nhiệm vụ, giải pháp. Nghiên cứu kỹ, tôi thấy, nhiệm vụ, giải pháp nào cũng trúng, cũng đúng, vừa cấp thiết, vừa lâu dài. Giải pháp, nhiệm vụ nào cũng hướng đến sự nhất quán nhận thức của các cấp uỷ, chính quyền, cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân về vị trí, vai trò của kinh tế tư nhân; củng cố niềm tin, khát vọng vươn lên và hành động mạnh mẽ của kinh tế tư nhân Việt Nam trong kỷ nguyên mới. Nhà nước kiến tạo, phục vụ, hỗ trợ kinh tế tư nhân phát triển nhanh, bền vững, không can thiệp hành chính vào hoạt động sản xuất, kinh doanh trái với nguyên tắc thị trường; xây dựng mối quan hệ giữa chính quyền với doanh nghiệp cởi mở, thân thiện, đồng hành, liêm chính phục vụ, kiến tạo phát triển.

Chúng ta đã có nhiều nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân, như Nghị quyết 09-NQ/TW (năm 2011) và Nghị quyết 10-NQ/TW (năm 2017), nhưng trên thực tế, doanh nghiệp tư nhân còn gặp nhiều rào cản trong tiếp cận nguồn lực, đặc biệt là vốn tín dụng, đất đai, tài nguyên và nhân lực chất lượng cao, nhất là trong các ngành công nghệ, kỹ thuật và tài chính.

Nói tóm lại, kinh tế tư nhân đang kinh doanh trong môi trường không thực sự bình đẳng so với khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp nhà nước. Doanh nghiệp tư nhân chỉ mong muốn được bình đẳng với các thành phần khác, chứ không cần được ưu đãi nhiều hơn, không cần thiên vị và khi được bình đẳng, tôi tin và thực tế đã chứng minh, rất nhiều doanh nghiệp tư nhân thực sự vươn mình ra ngoài lãnh thổ, trở thành thương hiệu có tên tuổi trên thế giới và khu vực. Vì vậy, một trong những đột phá trong Nghị quyết 68-NQ/TW được cộng đồng doanh nghiệp mong mỏi là hoàn thiện hệ thống pháp luật, xoá bỏ các rào cản tiếp cận thị trường, đảm bảo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, rõ ràng, nhất quán, ổn định lâu dài, dễ tuân thủ, chi phí thấp.

Theo ông, điểm nào nữa trong Nghị quyết 68-NQ/TW được doanh nghiệp tư nhân đặc biệt quan tâm?

Trước đây, doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp tư nhân nói riêng muốn làm cái gì cũng phải xin, muốn đổi mới, sáng tạo cũng phải xin, không cho không được làm, nếu làm là vi phạm các quy định của pháp luật, nhiều trường hợp đã bị hình sự hóa. Bây giờ, Nghị quyết 68-NQ/TW yêu cầu cả hệ thống chính trị không chỉ xoá bỏ triệt để nhận thức, tư tưởng, quan niệm, thái độ định kiến về kinh tế tư nhân Việt Nam, mà còn phải đánh giá đúng vai trò quan trọng của kinh tế tư nhân đối với phát triển đất nước; nuôi dưỡng, khuyến khích tinh thần kinh doanh, đổi mới sáng tạo của người dân, doanh nghiệp.

Với tư duy thay đổi, cơ quan quản lý nhà nước phải kịp thời xây dựng, hoàn thiện pháp luật và cơ chế, chính sách đột phá để khuyến khích kinh tế tư nhân phát triển trong những lĩnh vực ưu tiên, đầu tư nghiên cứu phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, tham gia các nhiệm vụ quan trọng, chiến lược của quốc gia và vươn tầm khu vực, thế giới; thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp sáng tạo, chuyển đổi số và làm giàu hợp pháp, chính đáng.

Đổi mới, sáng tạo luôn đi kèm với rủi ro, rất nhiều doanh nghiệp sợ không dám làm, vì không may rủi ro sẽ vướng vào vòng lao lý, thưa ông?

Đúng là có tình trạng rất nhiều doanh nghiệp sợ không dám mạnh dạn đổi mới, sáng tạo, bởi nếu không may gặp rủi ro, không chỉ cá nhân chủ doanh nghiệp, ban lãnh đạo có thể bị truy tố, mà doanh nghiệp cũng đứng trước ngưỡng cửa phá sản, sụp đổ.

Trong kỷ nguyên 4.0, không đổi mới, không sáng tạo, thì không bao giờ lớn, mãi mãi chỉ là sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ, manh mún, nhưng làm thì sợ không may vi phạm pháp luật, mà thực ra, pháp luật chưa có, chưa có văn bản quy phạm điều chỉnh.

Nhưng tư duy đã thay đổi, bây giờ doanh nghiệp chờ đợi Quốc hội, Chính phủ sửa đổi các quy định về pháp luật hình sự, dân sự, tố tụng hình sự, tố tụng dân sự theo tinh thần của Nghị quyết 68/NQ-TW là bảo đảm nguyên tắc khi xử lý các sai phạm, vụ việc về dân sự kinh tế, ưu tiên áp dụng các biện pháp về dân sự, kinh tế, hành chính trước, cho phép doanh nghiệp, doanh nhân được chủ động khắc phục sai phạm, thiệt hại.

Trường hợp thực tiễn áp dụng pháp luật có thể dẫn đến xử lý hình sự hoặc không xử lý hình sự thì kiên quyết không áp dụng xử lý hình sự. Trường hợp đến mức xử lý hình sự thì ưu tiên các biện pháp khắc phục hậu quả kinh tế trước và là căn cứ quan trọng để xem xét các biện pháp xử lý tiếp theo; không hồi tố các quy định pháp luật để xử lý bất lợi cho doanh nghiệp. Đối với các vụ việc thiếu chứng cứ, chứng cứ không rõ ràng phải sớm có kết luận, tránh ảnh hưởng đến uy tín, hoạt động sản xuất - kinh doanh bình thường của doanh nghiệp, doanh nhân.

Tin bài liên quan