Thủy điện Ngòi Phát

Thủy điện Ngòi Phát

Thấy gì qua cái bắt tay Vinaconex - Toyota Tsusho tại NEDI2?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Năng lượng đang là lĩnh vực được nhiều nhà đầu tư có tiềm lực trong và ngoài nước quan tâm. Bởi thế việc hợp tác giữa Toyota Tsusho và Vinaconex trong thương vụ bán 35% cổ phần tại NEDI2 đang thu hút sự chú ý của giới đầu tư.

Đầu tháng 1, Vinaconex đã ký hợp đồng bán 35% cổ phần của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Điện Miền Bắc 2 ("NEDI2") - đơn vị vận hành Nhà máy Thủy điện Ngòi Phát cho Toyota Tsusho (Nhật Bản).

NEDI2 đã liên tục vận hành điện ổn định thông qua hợp đồng mua bán điện thời hạn 25 năm với Tổng công ty Điện lực Việt Nam ("EVN"). Toyota Tsusho dự kiến sẽ tăng cường hiệu suất phát điện, cải thiện hoạt động, áp dụng các công nghệ sản xuất thủy điện của Nhật Bản cho NEDI2.

Không chỉ dừng ở thương vụ này, Toyota Tsusho còn đặt mục tiêu xây dựng quan hệ đối tác với Vinaconex để cùng nghiên cứu tính khả thi của việc phát triển các dự án thủy điện và năng lượng tái tạo khác tại Việt Nam.

Phân tích sâu hơn động thái của Vinaconex, giới đầu tư cho rằng đây là mũi tên trúng nhiều đích. Thứ nhất, NEDI2 hiện đang hoạt động rất tốt, song với sự có mặt của nhà đầu tư chiến lược Nhật Bản, NEDI 2 có cơ hội mở rộng quy mô phát triển trong tương lai, đặc biệt là yếu tố vốn và công nghệ.

Các nhà đầu tư Nhật Bản có khẩu vị khá khắt khe khi lựa chọn đối tác, bước đi của họ thường “chậm mà chắc” nên đồng hành với Toyota Tsusho có thể mở ra nhiều cơ hội tốt với Vinaconex và Nedi 2.

Thứ hai, giá trị của thương vụ lên tới 686 tỷ đồng, tức là xấp xỉ 40.000 đồng/CP. Đây là mức giá cao hơn rất nhiều so với thị giá Nedi2 trên sàn. Khoản tiền này sẽ góp phần củng cố năng lực tài chính cho Vinaconex, giúp các chỉ số trên báo cáo tài chính của Vinaconex như lợi nhuận, vốn chủ sở hữu tốt hơn rất nhiều. Với tiềm lực tài chính vững vàng, Vinaconex cũng rất có thể sẽ tiếp tục mua cổ phiếu của NEDI2 để tăng tỷ lệ sở hữu trong tương lai - đại diện của Vinaconex cho biết.

Quan trọng hơn, thương vụ này đã cho thấy tính linh hoạt và thị trường của Vinaconex. Muốn đi xa thì đi cùng nhau, chọn được đối tác đồng hành là những tên tuổi lớn trên thế giới sẽ mở ra nhiều cơ hội mới cho Vinaconex. Đây cũng là động thái phù hợp với chiến lược hoạt động của Vinaconex khi một trong 3 trụ cột mà Tổng công ty tập trung là đầu tư tài chính vào những lĩnh vực có tiềm năng phát triển như năng lượng, nước sạch...

Việc các tập đoàn có quy mô toàn cầu bắt tay hợp tác với Vinaconex đã cho thấy họ đánh giá cao vị thế và tiềm năng phát triển của doanh nghiệp, đặc biệt trong tiến trình Vinaconex nỗ lực trở thành Tập đoàn kinh tế hàng đầu Việt Nam và khu vực với 3 mảng kinh doanh cốt lõi là Xây lắp, Bất động sản và Đầu tư tài chính.

TOYOTA Tsusho được thành lập năm 1948, là một thành viên của Tập đoàn Toyota, đồng thời là cơ quan thương mại và đầu tư duy nhất của Tập đoàn với quy mô doanh thu năm 2019 là 60,3 tỷ USD. Công ty này có mặt trên khoảng 120 quốc gia với các lĩnh vực đầu tư chính như: Khoáng sản; Công nghiệp ô tô; Logistics toàn cầu; Máy móc, Hóa chất và Thiết bị điện tử; Thực phẩm và Tiêu dùng, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng.

Toyota Tsusho định vị năng lượng tái tạo là một trong những chiến lược tăng trưởng của Tập đoàn trên quy mô toàn cầu. Ngoài năng lượng gió mà Tập đoàn Toyota Tsusho đã có thế mạnh, Tập đoàn cũng đang nỗ lực đa dạng hóa các nguồn năng lượng bao gồm thủy điện, địa nhiệt và sinh khối, cũng như mở rộng các lĩnh vực kinh doanh trên khắp các địa bàn.

Theo nghiên cứu, các dự án điện gió và điện mặt trời có tiềm năng lớn tại Việt Nam. Theo dự thảo Quy hoạch Điện VIII đang được xây dựng, đến năm 2030 sẽ có 19 GW điện mặt trời, 17,8 GW điện gió. Ước tính, 36,8 GW cần trên 66 tỷ USD vốn đầu tư.

Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho biết, tiềm năng điện gió, điện mặt trời vô cùng lớn. Theo tính toán đến năm 2030, điện mặt trời lên tới 13.000 - 14.000 MW, điện gió lên tới 19.000 MW và tới năm 2050 có thể lên cao hơn nữa.

Tin bài liên quan