Thấy gì qua mức tăng chậm của tổng cầu?

Thấy gì qua mức tăng chậm của tổng cầu?

Bên cạnh những kết quả tích cực, kinh tế quý I/2014 vẫn còn một số hạn chế, trong đó đáng chú ý là tổng cầu tăng chậm.

Tổng cầu chủ yếu bao gồm tích lũy/đầu tư và tiêu dùng cuối cùng. Tích lũy là tiền đề của đầu tư. Xét theo góc độ sử dụng GDP, tích lũy tăng 3,24%, thấp xa so với tốc độ tăng GDP (4,96%), nên chỉ đóng góp 0,62% và chiếm khoảng 12,5% tổng tốc độ tăng GDP. Lượng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội quý I đạt 214.800 tỷ đồng, chỉ tăng 3,8% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn tốc độ tăng của quý I cùng kỳ 2 năm trước đó (quý I/2012 tăng 7,3%, quý I/2013 tăng 4,7%). Nếu loại trừ yếu tố tăng giá, vốn đầu tư phát triển giảm, chứ không tăng. Đây là một cảnh báo cần thiết, bởi vốn đầu tư giống như “bột”, mà có “bột mới gột nên hồ”, bởi vốn đầu tư là yếu tố vật chất trực tiếp quyết định tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Vốn đầu tư phát triển/GDP quý I chỉ đạt 28,4%, thuộc loại thấp nhất trong nhiều năm qua. Tỷ lệ thấp như trên đòi hỏi phải có sự nỗ lực vượt bậc trong việc nâng cao hiệu quả đầu tư, thì mới thực hiện được mục tiêu tăng trưởng kinh tế đề ra cho cả năm (tăng 5,8%).

Nguồn vốn từ khu vực nhà nước có một số vấn đề cần quan tâm. Mặc dù tỷ trọng trong tổng số của nguồn này trong quý I vẫn thuộc loại cao nhất trong 3 nguồn (chiếm 36,5%), nhưng đã bị giảm so với cùng kỳ năm trước (37,7%). So với cùng kỳ năm trước, nguồn này tính theo giá thực tế, thì tăng nhẹ (0,4%), nhưng nếu loại trừ yếu tố tăng giá, thì bị giảm. Vốn đầu tư của khu vực nhà nước có 6 khoản.

Thứ nhất, vốn từ ngân sách nhà nước ước thực hiện đạt 34.400 tỷ đồng, chiếm 50% tổng số vốn đầu tư khu vực nhà nước, đạt 19% kế hoạch cả năm và giảm 2,3% so với cùng kỳ năm trước; nếu loại trừ yếu tố tăng giá thì còn giảm sâu hơn. Trong đó, vốn Trung ương quản lý đạt trên 6.700 tỷ đồng, chiếm 19,5% tổng vốn đầu tư của khu vực nhà nước, đạt 17% kế hoạch cả năm và giảm 3,6% so với cùng kỳ năm trước - tỷ lệ thực hiện thấp hơn và giảm sâu hơn tổng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước.

Thứ hai, vốn trái phiếu chính phủ ước thực hiện đạt 9.000 tỷ đồng, bằng 15% kế hoạch năm và giảm 14,8% so với cùng kỳ năm trước. Vốn tín dụng đầu tư theo kế hoạch nhà nước ước đạt 10.500 tỷ đồng, đạt 17,5% kế hoạch năm và tăng khá so với cùng kỳ năm trước (28%).

Thứ ba, vốn vay từ các nguồn khác ước đạt 11.000 tỷ đồng, đạt 15,7% kế hoạch cả năm, tăng 24,7% so với cùng kỳ năm trước.

Thứ tư, vốn đầu tư của doanh nghiệp nhà nước ước đạt 11.200 tỷ đồng, đạt 18,7% kế hoạch cả năm, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước.

Thứ năm, vốn huy động khác ước đạt 2.300 tỷ đồng, đạt 9,2% kế hoạch năm và giảm 51,1% so với cùng kỳ năm trước.

Thứ sáu, vốn từ khu vực ngoài nhà nước ước đạt 77.500 tỷ đồng, chiếm 36,1% - lớn thứ hai sau nguồn vốn từ khu vực nhà nước. Mặc dù tỷ trọng nguồn vốn khu vực ngoài nhà nước đã tăng lên từ 36,1% thời kỳ 2006-2010 lên 38,5% trong năm 2011, nhưng năm 2012 đã giảm xuống còn 38,1%, năm 2013 giảm còn 37,6% và quý I năm nay còn 36,1%.

Trong điều kiện vốn đầu tư phát triển toàn xã hội có khó khăn, việc vượt lên của khu vực nhà nước để bù lại, nhưng nếu xu hướng tỷ trọng của khu vực ngoài nhà nước mà giảm kéo dài, thì đó là sự cảnh báo cần thiết.       

Tin bài liên quan