Đồ họa của GTA VI đã rút ngắn khoảng cách giữa thế giới thực và ảo. Ảnh: Rockstar Games

Đồ họa của GTA VI đã rút ngắn khoảng cách giữa thế giới thực và ảo. Ảnh: Rockstar Games

Thấy gì từ sức hút của GTA VI?

0:00 / 0:00
0:00
Sức hấp dẫn của trò chơi GTA VI là minh chứng rõ nét nhất cho tiềm năng của ngành công nghiệp game. Đây cũng là lĩnh vực ghi dấu nhiều thương vụ M&A tỷ USD từ các “ông lớn” công nghệ.

Những kỷ lục chưa từng có tiền lệ

Đoạn trailer vỏn vẹn 1 phút 30 giây của tựa game GTA VI (một trò chơi thế giới mở) đã thu về hơn 26 triệu lượt xem chỉ sau 3 tiếng phát hành. Đây là thành tích vô tiền khoáng hậu trong làng game nói riêng và ngành công nghiệp giải trí nói chung.

Những đơn vị báo chí truyền thông lớn như CNN, The Washington Post, The New York Times… đều đã lên tin bài về trò chơi này. Trên các nền tảng như Google, X, Facebook, YouTube, TikTok, “con cưng” của nhà Rockstar Games cũng đang liên tục “leo top” trên bảng xếp hạng thịnh hành.

Đáng chú ý, phần game tiền nhiệm là GTA V dù đã ra mắt được 10 năm nhưng vẫn là “con gà đẻ trứng vàng” cho nhà phát hành. Theo báo cáo của Take-Two, công ty mẹ sở hữu Rockstar Games, tính đến thời điểm hiện tại, tựa game này đã đem về khoản doanh thu tổng cộng là 7,7 tỷ USD và con số này vẫn không ngừng tăng lên.

Với một phép so sánh nhỏ, doanh thu của GTA V đang cao gấp 2,6 lần so với doanh thu của bộ phim ăn khách nhất mọi thời đại là Avatar. Bộ phim này được sản xuất vào năm 2009 và có doanh thu toàn cầu khoảng 2,9 tỷ USD, theo Box Office Mojo.

Không chỉ GTA VI, một sự kiện game khác gần đây cũng khiến nhiều người choáng ngợp và xô đổ các kỷ lục trong giới eSports (thể thao điện tử). Đó chính là giải chung kết thế giới Liên Minh Huyền Thoại 2023 do Riot Games tổ chức.

Theo Esport Charts, trận chung kết giữa T1 và WBG đã cán mốc với hơn 6,4 triệu người xem. Thành tích này đã giúp giải đấu trở thành sự kiện eSports chuyên nghiệp có lượt xem cao nhất mọi thời đại.

Con số trên gần bằng so với kỷ lục được ghi nhận trong trận chung kết đơn nam giải Wimbledon 2022, một trong bốn giải đấu tennis lớn nhất thế giới, với 7,5 triệu người xem. Điều đó cho thấy sức hấp dẫn của thể thao điện tử không hề thua kém quá nhiều so với các môn thể thao truyền thống.

Tại The Game Awards 2022, sự kiện được ví như Oscar của làng game, cũng đạt được số lượng người xem cao kỷ lục, lên tới 103 triệu. Kết quả trên còn vượt qua nhiều sự kiện mang tính biểu tượng như Miss World hay NBA. Vào ngày 7/12 (theo giờ Mỹ), The Game Awards 2023 sẽ diễn ra và hứa hẹn sẽ tiếp tục thống trị về lượng người xem trên các nền tảng mạng xã hội.

Cuộc chơi của những thương vụ bạc tỷ

Theo trang Thred, ngành công nghiệp game là “ông vua” của làng giải trí với doanh thu gấp 3 lần so với ngành âm nhạc và gần gấp 4 lần so với phim ảnh. Công ty phân tích MIDiA dự kiến đến năm 2030, doanh thu toàn cầu của ngành công nghiệp trò chơi điện tử sẽ là 300 tỷ USD.

Nhận ra tiềm năng từ thị trường, nhiều “ông lớn” đã sẵn sàng rót hàng tỷ USD vào ngành công nghiệp không khói này. Gần đây, Microsoft đã làm chấn động thế giới với thương vụ thâu tóm lớn nhất lịch sử ngành trò chơi điện tử. Thậm chí, trong suốt chiều dài 48 năm phát triển, Microsoft cũng chưa bao giờ chi đậm như vậy cho một thương vụ M&A (mua bán và sáp nhập).

Microsoft không ngại chi tiền để củng cố vị thế của thương hiệu Xbox. Ảnh: Pexels

Microsoft không ngại chi tiền để củng cố vị thế của thương hiệu Xbox. Ảnh: Pexels

Cụ thể, hãng đã dành khoảng 69 tỷ USD để mua lại Activision Blizzard. Điều này đồng nghĩa với việc công ty sẽ nắm trong tay những tựa game lớn như Call of Duty, World of Warcraft và Diablo… Đây sẽ là nước đi chiến lược giúp mảng Xbox của Microsoft có thể đối trọng một cách sòng phẳng với PlayStation của Sony.

Bản thân Sony cũng không hề kém cạnh trong cuộc đua M&A. Công ty đã mua lại những studio làm game đầu tiên từ năm 1993. Tính đến thời điểm hiện tại, hãng đã thâu tóm ít nhất là 21 đơn vị phát triển trò chơi điện tử.

Nhiều công ty công nghệ Trung Quốc cũng đang đầu tư mạnh tay vào ngành công nghiệp game, dẫu bị phía chính phủ siết chặt quản lý. Trong đó, cái tên nổi bật là Tencent, một trong những công ty công nghệ lớn nhất đại lục.

Tính đến hiện tại, “vị đại gia” này đã sở hữu 100% cổ phần của nhiều nhà phát triển game nổi tiếng thế giới như Funcom, Riot Games, Sumo, Turtle Rock, Digital Extremes và Splash Damage.

Ngoài ra, hãng còn nắm trong tay 40% cổ phần của Epic Games và là cổ đông của nhiều doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực game, bao gồm Activision Blizzard, Ubisoft, Studios Krafton, PlatinumGames, FromSoftware và Marvelous.

Tin bài liên quan