Thay máu dòng tiền

Thay máu dòng tiền

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ngoài tâm lý bán thì bên mua cũng đã chờ đợi tín hiệu hoảng loạn để mở vị thế trong bối cảnh VN-Index trong một vùng giao dịch “quá bán” về mặt kỹ thuật cũng như chiết khấu hấp dẫn về mặt định giá cơ bản.

Áp lực từ quốc tế lan sang Việt Nam

Vĩ mô toàn cầu vừa có tuần ảm đạm do tin đồn Ngân hàng Credit Suisse có thể đang đối mặt với một vài rủi ro thanh khoản. Các hợp đồng hoán đổi rủi ro vỡ nợ tín dụng (CDS) của Credit Suisse đang được giao dịch ở mức 250x, gần bằng thời điểm 2009 - thời điểm của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Đáng nói, đây không phải là ngân hàng duy nhất đang có dấu hiệu gặp phải những vấn đề liên quan đến nội tại doanh nghiệp.

Lạm phát ở châu Âu tiếp tục leo thang qua từng tháng, lần đầu tiên trong lịch sử kể từ khi đồng Euro được sử dụng, lạm phát đã đạt đến mức 2 con số. CPI tháng 9 của khu vực này tăng 10% so với cùng kỳ, cao hơn mức tăng 9,1% thời điểm tháng 7 và tháng 8. Trong đó, Đức, Bỉ, Hà Lan và Estonia là 4 nền kinh tế dẫn đầu về lạm phát trong khu vực. Lạm phát tại Đức đã lên mức cao kỷ lục trong vòng 70 năm qua.

Cuộc khủng hoảng năng lượng tại châu Âu có thể đưa lục địa này vào tình trạng suy thoái trầm trọng, ngang bằng với cuộc khủng hoảng tài chính năm 2009. PMI của khu vực này cũng đang giảm xuống theo từng tháng (dưới mức 50 điểm). Đây được xem là hệ quả của việc ECB tăng lãi suất và lạm phát cao kéo dài, khiến cho nhu cầu tiêu dùng của người dân giảm sút nghiêm trọng.

Tại Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước muốn duy trì thanh khoản trên hệ thống ngân hàng ở trạng thái không quá dồi dào trong giai đoạn còn lại của năm nay với mục tiêu duy trì mặt bằng lãi suất VND liên ngân hàng ở mức cao, nhằm tạo chênh lệch hợp lý với lãi suất USD, giảm thiểu áp lực lên tỷ giá.

Điều này càng cần thiết hơn trong bối cảnh dự trữ ngoại hối đã giảm khá mạnh từ đầu năm sau khi Ngân hàng Nhà nước đã bán ra khoảng 20% dự trữ USD để can thiệp vào thị trường.

Mặt khác, lãi suất trúng thầu OMO tăng cao cũng phát đi tín hiệu khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục nâng lãi suất điều hành trong những tháng cuối năm dưới áp lực tăng lãi suất của Fed trong các kỳ họp sắp tới.

Lãi suất VND bình quân liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm kỳ hạn (chiếm tới 80 - 90% tổng khối lượng giao dịch) có thời điểm tăng lên mức 8,44%/ năm - mức cao nhất trong vòng 10 năm qua.

Khi thanh khoản thị trường không dồi dào, tác động tiêu cực đến thị trường chứng khoán là điều khó tránh khỏi.

So sánh với thị trường tài chính toàn cầu đang trong vận động phục hồi kỹ thuật, chỉ riêng tại TTCK Việt Nam thể hiện bộ mặt hoàn toàn trái ngược trong 2 tuần gần đây. Chỉ số VN-Index đóng cửa với mẫu nến Bearish Marubozu tại 1035.9 điểm (giảm 8,5% so với tuần trước) với thanh khoản gia tăng. Như vậy, tuần giao dịch (3-7/10) ghi nhận mức giảm điểm lớn nhất nhịp điều chỉnh hiện tại, kéo dài động lượng giảm sang tuần kế tiếp.

Tuy vậy, ở một góc nhìn lạc quan hơn, khi vận động trên đồ thị tuần đã từng diễn ra trong nhịp giảm đầu tiên, sau nhịp giảm nhẹ “tiết cung”, VN-Index ghi nhận trên đồ thị ngày mức thanh khoản cao và nhịp kéo ngược trong những phút cuối.

Thanh khoản gia tăng là những dấu hiệu đầu tiên cho thấy hiện tượng “thay máu dòng tiền” khi dòng tiền bắt đáy ngắn hạn và đầu tư dài hạn được kích hoạt.

Có thể thấy, ngoài tâm lý bán thì bên mua cũng đã chờ đợi tín hiệu hoảng loạn từ lâu để mở vị thế trong bối cảnh VN-Index đang trong một vùng giao dịch “quá bán” về mặt kỹ thuật cũng như chiết khấu “hấp dẫn” về mặt định giá cơ bản.

Nhìn chung, các tín hiệu tích cực vẫn còn mờ nhạt, nhà đầu tư chờ đợi điểm cân bằng với các dấu hiệu tạo đáy rõ ràng hơn để tham gia bắt đáy với mức tỷ trọng lớn, không vội vàng tham gia khi tín hiệu tích cực chưa xuất hiện.

Bất động sản còn nhiều khó khăn

Lĩnh vực bất động sản đang đối diện với những thử thách vượt ngoài tầm kiểm soát trong bối cảnh lãi suất dần tăng cùng với khả năng tiếp cận nguồn vốn thu hẹp. Hiện tại, tổng dư nợ tín dụng bất động sản đạt 2,36 triệu tỷ đồng, tăng 14,07% so với cùng kỳ, vượt xa so với tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế ở mức 9,91%.

Kể cả góc nhìn từ doanh nghiệp lẫn khách hàng cá nhân, kênh huy động vốn vay từ ngân hàng rất khó để tiếp cận trong năm 2022 khi NHNN đang giữ mức tăng trưởng tín dụng năm nay ở 14%.

Thử thách thứ hai đến từ trái phiếu tới hạn mà doanh nghiệp bất động sản đã phát hành thời gian qua. Ước tính, tổng quy mô trái phiếu đáo hạn hai năm tới lần lượt khoảng 317.500 tỷ đồng và 363.400 tỷ đồng, cao hơn mức 220.000 tỷ đồng của năm 2022.

Dự báo 2022 - 2024 là giai đoạn khó khăn đối với doanh nghiệp có trái phiếu đáo hạn trong bối cảnh dòng tiền từ hoạt động kinh doanh cũng như phát hành trái phiếu mới thu hẹp.

Tin bài liên quan