Thế giới bị vạ lây từ xung đột Nga – Ukraine

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chỉ trong vòng hơn 2 tuần kể từ khi Nga mở “chiến dịch quân sự đặc biệt" tại Ukraine, các biện pháp trừng phạt cấp tập mà phương Tây và Mỹ triển khai đối với Nga đã khiến nền kinh tế nước này chao đảo, nhưng thế giới cũng bị "vạ lây".

Theo báo chí nước ngoài

Theo Castellum.ai, kể từ khi Mỹ và các đồng minh châu Âu bắt đầu “tổng tấn công” Nga vào ngày 22/2 thì nước này đã trở thành mục tiêu của 2.778 lệnh trừng phạt mới, nâng tổng số lệnh trừng phạt lên con số trên 5.530. Còn theo số liệu của Chính phủ Pháp, gần 1.000 tỷ USD tài sản Nga bị đóng băng bởi các biện pháp trừng phạt.

Điều này khiến dòng chảy dầu thô từ nước này ra thị trường toàn cầu bị gián đoạn, các công ty nước ngoài tháo chạy khỏi Nga. Thị trường chứng khoán Nga phải đóng cửa sau những phiên lao dốc không phanh, cổ phiếu Nga bị loại khỏi các chỉ số chứng khoán toàn cầu của MSCI và FTSE.

Trái phiếu Nga bị đánh tụt điểm tín nhiệm xuống ngưỡng “rác”. 7 ngân hàng lớn của Nga bị loại khỏi hệ thống thanh toán liên ngân hàng quốc tế SWIFT. Đồng rúp Nga rớt giá xuống mức thấp kỷ lục. Các hãng vận tải biển lớn tuyên bố tạm dừng chở các chuyến hàng không thiết yếu tới Nga, nhiều nước đóng cửa không phận đối với máy bay Nga và đóng băng phần lớn dự trữ ngoại hối của Ngân hàng Trung ương Nga (CBR); đóng băng tài sản của nhiều tỷ phú Nga...

Ngân hàng Mỹ JPMorgan Chase dự báo, GDP Nga sẽ suy giảm 35% trong quý II/2022. Ngân hàng này cũng dự báo xuất khẩu của Nga sẽ giảm khoảng 13%, trong khi nhu cầu nội địa và nhập khẩu lần lượt giảm khoảng 10% và 30%.

Dầu mỏ của Nga được bán trên thị trường quốc tế đang bị khách mua né tránh, vì việc thanh toán trở nên khó khăn do lệnh trừng phạt đối với ngân hàng Nga, mặt khác cũng do các nhà giao dịch không muốn mua - bán dầu Nga vì sợ gặp phải rắc rối sau này liên quan đến các biện pháp trừng phạt. Chưa kể, các tàu chở dầu cũng ngại gặp rủi ro khi đi qua Biển Đen ở thời điểm nhạy cảm hiện nay.

Áp lực lạm phát đối với người châu Âu có thể còn lớn hơn đối với người Mỹ.

Theo phân tích của Tập đoàn tài chính JPMorgan (Mỹ), 66% lượng dầu mỏ của Nga đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm người mua. Ngân hàng này dự báo giá dầu thế giới có thể đạt 185 USD/thùng vào cuối năm nay, nếu dòng dầu từ Nga tiếp tục bị gián đoạn.

Từ đầu năm đến nay, giá dầu thế giới đã tăng hơn 40%, kéo giá bán lẻ xăng dầu tăng mạnh tại gần như tất cả mọi quốc gia. Ông Daniel Yergin, Phó chủ tịch Công ty Nghiên cứu thị trường IHS Markit cho biết, xung đột Nga-Ukraine có thể dẫn tới sự gián đoạn trên thị trường năng lượng ở cấp độ tương tự những cuộc khủng hoảng dầu lửa lớn vào thập niên 1970.

Giá lương thực thế giới cũng bị ảnh hưởng, bởi Nga và Ukraine là nước xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới. Hai quốc gia này chiếm tổng cộng khoảng 14% sản lượng lúa mì và 29% xuất khẩu lúa mì toàn cầu. Giá lúa mì gần đây đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 14 năm qua. Điều đó có thể ảnh hưởng đến giá ngũ cốc và các loại thực phẩm làm từ lúa mì. Giá dầu cọ cũng tăng vọt vì thị trường phải tìm nguồn cung thay thế nguồn dầu hạt hướng dương bị mắc kẹt tại các cảng trên Biển Đen.

Theo chỉ số Bloomberg Commodity Index, giá hàng hoá cơ bản toàn cầu đang cao nhất kể từ năm 2009. Giá lương thực, thực phẩm tăng lên sẽ là một vấn đề đối với toàn thế giới.

Nga là nhà sản xuất palladium lớn nhất thế giới, đáp ứng khoảng 1/3 nhu cầu toàn cầu. Palladium là kim loại được sử dụng để sản xuất chip bán dẫn, còn được gọi là vi mạch, được dùng để sản xuất các sản phẩm điện tử tiêu dùng như điện thoại thông minh, máy tính, tivi và máy ảnh kỹ thuật số. Hiện giá của loại nguyên liệu này cũng đang tăng mạnh.

Palladium cũng là một kim loại quan trọng được sử dụng trong các bộ chuyển đổi xúc tác, có tác dụng kiểm soát khí thải của xe hơi. Các chuyên gia của Friedlander cảnh báo, điều đó có thể dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn cung ô tô và giá đồ điện tử như điện thoại thông minh tăng cao hơn.

Lạm phát là vấn đề lớn nhất mà nền kinh tế Mỹ đang phải đối mặt và cuộc khủng hoảng địa chính trị Nga-Ukraine có thể làm cho nó tồi tệ hơn.

Không chỉ giá dầu tăng, giá khí đốt tự nhiên cũng đang tăng cao sẽ làm tăng chi phí sưởi ấm trong nhà và chi phí điện của người dân châu Âu. Giá năng lượng tăng mạnh sẽ làm cho chi phí vận chuyển tăng cao. Các doanh nghiệp rất có thể phải tăng giá bán để chuyển một phần chi phí tăng thêm này cho người tiêu dùng. Các chuyên gia dự báo rằng áp lực lạm phát đối với người châu Âu có thể còn lớn hơn đối với người Mỹ, do họ ở gần cuộc khủng hoảng và phụ thuộc nhiều hơn vào năng lượng của Nga.

Tin bài liên quan