Thế giới ghi nhận 15 triệu ca mắc mới Covid-19 trong 1 tuần

0:00 / 0:00
0:00
Thế giới vừa ghi nhận con số kỷ lục 15 triệu ca mắc Covid-19 mới chỉ trong vòng 1 tuần, cao nhất kể từ đầu dịch trong bối cảnh biến thể siêu lây nhiễm Omicron nhanh chóng thế chỗ Delta trở thành chủng thống trị toàn cầu.
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm Covid-19 tại Iwakuni, Nhật Bản. (Ảnh: Kyodo)

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm Covid-19 tại Iwakuni, Nhật Bản. (Ảnh: Kyodo)

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hôm qua (12/1) một lần nữa cảnh báo bất kỳ quan điểm chủ quan nào cho rằng, Omicron có thể là yếu tố tích cực chấm dứt đại dịch.

Theo Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus, sẽ là sai lầm khi xem nhẹ Omicron. Biến chủng này dù ít gây triệu chứng nặng so với Delta, nhưng vẫn là một biến thể nguy hiểm:

“Sự gia tăng đột biến về số ca mắc này là do biến thể Omicron đang nhanh chóng thay thế Delta trở thành chủng thống trị ở hầu hết các quốc gia. Dù Omicron gây ra bệnh ít nghiêm trọng hơn Delta, song vẫn là một loại virus nguy hiểm, đặc biệt đối với những người chưa được tiêm chủng. Chúng ta không được phép để cho biến thể này lây lan tự do, nhất là khi vẫn còn nhiều người trên thế giới chưa tiêm chủng.”

Tổ chức Y tế thế giới từng đặt mục tiêu mỗi quốc gia có 10% dân số được tiêm chủng vào cuối tháng 9/2021, 40% vào cuối tháng 12/2021 và 70% vào giữa năm nay. Tuy nhiên, đến nay có tới 90 nước chưa hoàn thành mục tiêu 40% và 36 nước trong đó vẫn chưa chạm đến con số 10%. Tuần trước, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus khẳng định sự bất bình đẳng vaccine là yếu tố khiến nhiều người tử vong và làm suy yếu khả năng phục hồi kinh tế toàn cầu.

Các nghiên cứu cho thấy, Omicron có thời gian nhân đôi ngắn hơn so với các biến thể khác và có thể dễ dàng tránh được miễn dịch tạo ra từ vaccine hay lần nhiễm bệnh trước đó hơn. Biến thể này đã xuất hiện tại 149 nước và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng đang đánh giá những tín hiệu cho thấy làn sóng lây nhiễm do biến thể Omicron có thể đã đạt đỉnh ở Mỹ và Anh và số ca mắc có thể bắt đầu giảm đáng kể trong những tuần tới.

Lý do là biến thể này đã chứng tỏ khả năng lây lan dữ dội tới mức có thể đã hết người để lây nhiễm, chỉ 1 tháng rưỡi sau khi được phát hiện lần đầu tiên ở Nam Phi. Như tại Anh, số ca mắc mới đã giảm xuống còn khoảng 140.000 một ngày hồi tuần trước, sau khi tăng vọt lên hơn 200.000 trường hợp một ngày hồi đầu tháng. Trong khi đó tại Mỹ, số ca mắc hàng ngày dự kiến sẽ lên tới 1 triệu 200 nghìn ca vào ngày 19/1 rồi sau đó sẽ giảm mạnh.

Theo Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ Rochelle Walensky, đây cũng là điều đang diễn ra tại các quốc gia khác: "Số ca mắc mới trung bình trong 7 ngày qua là khoảng 751.000 ca mỗi ngày, tăng khoảng 47% so với tuần trước và tỷ lệ tử vong là 1.600, tăng khoảng 40%. Dữ liệu này phù hợp với những gì chúng ta đang chứng kiến ở các quốc gia khác, trong đó có Anh và Nam Phi, cũng như cung cấp một số hiểu biết về những gì có thể mong đợi trong tuần tới khi các ca bệnh dự kiến tăng cao. Sự gia tăng đột ngột và mạnh mẽ số ca nhiễm biến thể Omicron dẫn đến số lượng ca bệnh hàng ngày chưa từng có và gây căng thẳng cho các hệ thống chăm sóc sức khỏe”.

Tuy nhiên cũng giống như Tổ chức Y tế Thế giới, các chuyên gia cùng lúc cảnh báo, vẫn còn nhiều điều chưa chắc chắn về giai đoạn tiếp theo của đại dịch. Số ca mắc không tăng hoặc giảm ở Anh và Mỹ sẽ không xảy ra ở mọi nơi cùng lúc hay cùng tốc độ. Đối với các bệnh nhân cũng như các bệnh viện đang quá tải, những tuần, tháng khó khăn vẫn ở phía trước ngay cả khi số ca mắc giảm xuống.

Tin bài liên quan