Thêm bệ đỡ nâng hạng thị trường

Thêm bệ đỡ nâng hạng thị trường

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) TS. Nguyễn Sơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD) cho biết, cơ chế bù trừ trung tâm cho thị trường chứng khoán cơ sở sẽ tác động quan trọng đến việc nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam.

Theo Luật Chứng khoán mới, VSD sẽ chuyển đổi mô hình hoạt động thành Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam. Một trong những mục tiêu quan trọng của việc chuyển đổi này là triển khai chức năng đối tác bù trừ trung tâm (CCP). Theo ông, cơ chế CCP sẽ có tác động như thế nào đến thị trường khi được triển khai?

TS. Nguyễn Sơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD).

TS. Nguyễn Sơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD).

Theo quy định của Luật Chứng khoán, có hiệu lực từ ngày 1/1/2021 và các văn bản hướng dẫn Luật, VSD có một số thay đổi về cơ cấu tổ chức, hoạt động nghiệp vụ... Cụ thể, VSD sẽ hoạt động theo mô hình tổng công ty.

Hiện nay, VSD đang phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ Tài chính để chuẩn bị cho việc chuyển đổi sang mô hình Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam. Sau khi có Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và đi vào hoạt động, chắc chắn đây sẽ là dấu ấn trong chặng đường phát triển của VSD, góp phần vào việc đưa thị trường chứng khoán Việt Nam ngày càng phát triển.

Bên cạnh việc triển khai biện pháp đăng ký bảo đảm giao dịch, VSD cũng được phép cung cấp thêm một số dịch vụ mới, trong đó có việc triển khai mô hình đối tác CCP cho thị trường chứng khoán cơ sở. Hiện VSD đã hoàn tất cả các khâu chuẩn bị và sẵn sàng triển khai mô hình này khi hệ thống công nghệ thông tin mới của thị trường đi vào hoạt động.

Khi triển khai mô hình CCP, sức mua sẽ tăng lên đáng kể khi thay vì phải có đủ 100% tiền ký quỹ trước khi mua như hiện nay, nhà đầu tư chỉ cần ký quỹ từ 10 - 20%.

Khi triển khai mô hình CCP cho thị trường chứng khoán cơ sở, sức mua của nhà đầu tư sẽ được tăng lên đáng kể khi thay vì phải có đủ 100% tiền ký quỹ trước khi mua như hiện nay, nhà đầu tư chỉ cần ký quỹ theo yêu cầu của thành viên bù trừ (dự kiến từ 10 - 20%).

Thanh khoản của thị trường sẽ được cải thiện khi nghiệp vụ bán chứng khoán chờ về được áp dụng, sau khi triển khai CCP cho hoạt động bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán do các tính năng liên quan đã được tích hợp trong hệ thống công nghệ thông tin mới, cũng như khung pháp lý cho các giao dịch này.

Công tác quản lý rủi ro mất khả năng thanh toán sẽ được nâng cao, hoàn thiện theo hướng VSD thông qua cơ chế thế vị tham gia vào giao dịch để đảm bảo thanh toán cho nhà đầu tư trong trường hợp xảy ra mất khả năng thanh toán.

Theo đó, tôi tin rằng, việc triển khai cơ chế CCP cho thị trường chứng khoán cơ sở sẽ có tác động rất quan trọng đến việc nâng hạng thị trường chứng khoán từ hạng cận biên lên mới nổi, cũng như là cơ hội giúp thị trường chứng khoán Việt Nam có được bước phát triển mạnh mẽ mới.

Hệ thống công nghệ thông tin mới đang được VSD và hai sở giao dịch chứng khoán triển khai với nhà thầu Sở Giao dịch chứng khoán Hàn Quốc đang trong giai đoạn kiểm thử nội bộ và dự kiến đưa vào vận hành từ năm 2022. Ngoài mô hình CCP cho thị trường chứng khoán cơ sở, nhà đầu tư chờ đợi nhất là sản phẩm T+0. Lộ trình triển khai sản phẩm này ra sao, thưa ông?

VSD đang phối hợp chặt chẽ với các sở giao dịch chứng khoán và nhà thầu để hoàn thiện gói thầu “Thiết kế, lắp đặt cung cấp và chuyển giao hệ thống công nghệ thông tin” nhằm mục tiêu đưa hệ thống công nghệ thông tin thống nhất cho toàn thị trường kết nối trực tiếp từ khâu đăng ký, lưu ký cho đến bù trừ thanh toán, thực hiện quyền và các sản phẩm gia tăng cho thị trường nhanh chóng đi vào hoạt động.

Đến nay, các hạng mục của gói thầu về cơ bản đã được hoàn thiện và đi đến những giai đoạn cuối cùng.

Theo đó, hệ thống công nghệ thông tin mới với các tính năng nghiệp vụ mới, đa dạng, hướng đến chuẩn mực và thông lệ quốc tế, cùng với nền tảng cơ sở hạ tầng hệ thống hiện đại, đồng bộ được kỳ vọng sẽ hỗ trợ rất nhiều cho các sản phẩm dịch vụ mới sắp đi vào hoạt động của thị trường chứng khoán như mô hình CCP cho thị trường chứng khoán cơ sở, các sản phẩm phái sinh mới như hợp đồng quyền chọn, hợp đồng tương lai cổ phiếu riêng lẻ..., đặc biệt là cơ chế giao dịch trong ngày (T+0).

Việc cho phép vừa mua vừa bán chứng khoán trong ngày là một trong những cơ chế giao dịch mới của thị trường được quy định tại Thông tư 120/2020/TT-BTC ngày 31/12/2020 của Bộ Tài chính (trước đây là Thông tư 203/2015/TT-BTC). Việc triển khai giao dịch này sẽ góp phần tăng tính thanh khoản của thị trường, đáp ứng kỳ vọng của nhà đầu tư, cũng như phù hợp với thông lệ quốc tế.

Như chúng ta đã biết, để triển khai thành công bất kỳ sản phẩm hay nghiệp vụ mới nào của thị trường chứng khoán thì bên cạnh sự sẵn sàng về chức năng hệ thống, còn cần đến sự hoàn thiện đồng bộ về cơ chế, chính sách, đặc biệt là cơ chế khắc phục các rủi ro có thể phát sinh trong quá trình thực hiện.

Với giao dịch T+0, hiện nay về mặt pháp lý, đã có quy định tại Thông tư 120/2020/TT-BTC. Bên cạnh đó, VSD cũng đang nghiên cứu xây dựng các quy trình, quy chế hướng dẫn; lập kế hoạch tập huấn nghiệp vụ cho thành viên để có thể triển khai nghiệp vụ này sau khi hệ thống công nghệ thông tin mới của thị trường được đưa vào sử dụng. Do vậy, cơ chế giao dịch này sẽ được triển khai ngay sau khi hệ thống công nghệ thông tin mới đi vào hoạt động.

Năm qua, lượng tài khoản nhà đầu tư mở mới ghi nhận con số hơn 1,5 triệu, đây là mức cao chưa từng có trong lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam. Một cách tổng quan, ông đánh giá thế nào về tiềm năng của thị trường trong năm 2022?

Năm 2021, chuỗi cung ứng thế giới tiếp tục bị gián đoạn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Song, nhờ thực hiện mở cửa trở lại và nới lỏng chính sách tài khóa, tiền tệ thông qua cắt giảm lãi suất và các gói kích thích kinh tế quy mô lớn của hầu hết các nền kinh tế lớn, đã kích cầu tiêu dùng tăng cao và thúc đẩy kinh tế thế giới phục hồi.

Trong nước, nhờ thực thi chính sách thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trong tình hình mới, nên các hoạt động sản xuất - kinh doanh dần được khôi phục, các cân đối vĩ mô tiếp tục được đảm bảo.

Theo xếp hạng của trang statisticstimes.com dựa trên số liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nền kinh tế Việt Nam năm 2021 đứng thứ 41 thế giới, xét về giá trị GDP danh nghĩa. Đây chính là các nhân tố thúc đẩy thị trường chứng khoán Việt Nam phát triển mạnh mẽ trong năm qua.

Tính đến ngày 31/12/2021, chỉ số VN-Index đạt 1.498,28 điểm, tăng 35,7% so với cuối năm 2020 (chỉ số VN-Index đã thiết lập đỉnh ở mức 1.500,81 điểm vào ngày 25/11). Mức vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 7.767.000 tỷ đồng, tăng 46,7% so với cuối năm 2020, tương đương 123,4% GDP năm 2020 (92% GDP năm 2021).

Thanh khoản trên thị trường cổ phiếu bình quân 26.000 tỷ đồng, cá biệt có những phiên lên 56.000 tỷ đồng. Quy mô niêm yết của thị trường trái phiếu đạt hơn 1.511.000 tỷ đồng, tăng 8,9% so với năm 2020, tương đương 24% GDP.

Điều đáng mừng là, sau hơn 20 năm ra đời và phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam, đây là năm đầu tiên mà thị trường phát huy được nội lực và hầu như ít phụ thuộc vào nguồn vốn nước ngoài.

Số lượng tài khoản nhà đầu tư trong nước mở mới trong năm 2021 tăng kỷ lục, đạt 1,5 triệu tài khoản, bằng cả giai đoạn 2010 - 2020. Tổng số tài khoản chứng khoán tại Việt Nam hiện đạt hơn 4 triệu tài khoản.

Số lượng nhà đầu tư trong nước tham gia vào thị trường tăng nhanh đã thúc đẩy tính thanh khoản của thị trường tăng mạnh lên mức cao kỷ lục, cho thấy sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam. Dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, trong năm 2021, tổng giá trị thanh toán toàn thị trường vẫn đạt 5,4 triệu tỷ đồng, tăng 28% so với năm 2020.

Bước sang năm 2022, kinh tế thế giới sẽ vẫn còn phải đối mặt với những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, nguy cơ lạm phát cao do chính sách tài khóa và tiền tệ nới lỏng trong thời gian dài, song theo dự báo của các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), IMF, kinh tế thế giới sẽ vẫn duy trì được đà tăng trưởng.

Với chủ trương ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện mục tiêu kép vừa tăng trưởng kinh tế, vừa phòng chống dịch Covid-19 trong tình hình mới, tôi tin tưởng kinh tế của Việt Nam sẽ đạt mục tiêu đặt ra và đây sẽ là động lực để thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục phát triển vững mạnh trong năm 2022.

Tin bài liên quan