Ông Nguyễn Đình Cung.

Ông Nguyễn Đình Cung.

Thêm thuận lợi cho NĐTNN

(ĐTCK-online)Mặc dù vẫn đang được hiệu chỉnh trước khi chính thức ký ban hành, song đã có những đánh giá tích cực về Nghị định hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Doanh nghiệp (gọi tắt là Nghị định). Trao đổi với Báo Đầu tư, ông Nguyễn Đình Cung, Trưởng Ban Nghiên cứu chính sách kinh tế vĩ mô (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương) cho rằng, việc làm rõ các quy định của Luật DN sẽ có tác động lớn tới hoạt động của nhà đầu tư.

Thưa ông, có lẽ tác động lớn nhất tới hoạt động của nhà đầu tư nước ngoài trong Nghị định là quy định DN sở hữu không quá 49% vốn nước ngoài được thành lập như DN trong nước?

Xét về tác động thì đúng như vậy! Bởi việc quy định rõ thủ tục và quy trình của các DN có sở hữu không quá 49% vốn nước ngoài thực hiện theo Luật DN sẽ giải tỏa mọi lấn cấn hiện nay trong thực hiện nội dung này. Thực tế, việc thực hiện các thủ tục, quy trình cho các trường hợp này chưa rõ ràng và nhất quán. Ở một số địa phương, DN được chấp nhận thực hiện theo quy định của Luật DN, song ở nhiều nơi khác, trường hợp này được hướng dẫn theo quy trình, thủ tục đầu tư tại pháp luật về đầu tư. Song, điều đáng nói là, đại đa số các địa phương đề nghị nhà đầu tư chờ đợi để có thêm hướng dẫn. Với quy định của Nghị định, nguyên tắc chung được thống nhất và sẽ không còn ngoại lệ trong thực hiện các thủ tục liên quan đến vấn đề này.

 

Theo ông, việc giải tỏa vướng mắc về thủ tục sẽ đem lại kết quả gì trong hoạt động đầu tư, kinh doanh tới đây?

Theo tôi, sẽ xuất hiện những loại vốn đầu tư, hình thức đầu tư liên doanh. Có thể có nhiều hơn hình thức liên doanh giữa các nhà đầu tư tư nhân trong nước và nước ngoài mà ở đó phía Việt Nam chiếm đa số với 51%. Một làn sóng có thể xuất hiện trong việc góp vốn vào các DN Việt Nam đang hoạt động, mở ra một kênh mới trong huy động vốn.

Ngoài ra, liên quan đến quyền góp vốn, mua cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài, Nghị định cũng làm rõ nguyên tắc nhà đầu tư nước ngoài có thể tham gia góp vốn thành lập DN như một nhà đầu tư sáng lập. Các thủ tục góp vốn mua cổ phần, nhận chuyển nhượng cổ phần… được quy định rõ là theo Luật DN. Rõ ràng, cơ hội đầu tư với các thủ tục thuận lợi hơn đang chờ đón các nhà đầu tư nước ngoài.

 

Vậy, vướng mắc nào về thủ tục được tháo gỡ trong Nghị định sẽ tạo thuận lợi hơn cho hoạt động của DN, thưa ông?

Những lấn cấn trong việc thực hiện điều kiện kinh doanh là chứng chỉ hành nghề ở một số ngành, nghề theo quy định cũng được làm rõ với nguyên tắc  phù hợp với thực tiễn thực hiện và không trái với quy định của Luật DN. Cụ thể, đối với DN kinh doanh các ngành, nghề mà pháp luật đòi hỏi giám đốc hoặc người đứng đầu DN phải có chứng chỉ hành nghề, thì giám đốc DN phải có chứng chỉ hành nghề; nếu pháp luật đòi hỏi giám đốc và người khác phải có chứng chỉ hành nghề, thì giám đốc của DN và ít nhất một cán bộ quản lý khác phải có chứng chỉ hành nghề; với các ngành nghề kinh doanh đòi hỏi cán bộ quản lý có chứng chỉ hành nghề, thì ít nhất một người quản lý của DN phải có chứng chỉ hành nghề khi tiến hành đăng ký kinh doanh các ngành nghề đó. Như vậy, quy định này sẽ chấm dứt tình trạng các cơ quan đăng ký kinh doanh luôn phải có công văn hỏi khi nhận hồ sơ đăng ký kinh doanh trong các lĩnh vực ngành nghề này.

Các hướng dẫn về quy trình chuyển đổi hình thức pháp lý của DN cũng được làm rõ, tạo điều kiện cho DN cơ cấu lại với ít chi phí và thuận lợi nhất. Các quy trình chuyển đổi đều thực hiện theo một bước thay vì phải qua nhiều bước trung gian như trước.