Thi hành pháp luật: Nhân lực và kinh phí đều hạn chế

0:00 / 0:00
0:00
Kinh phí chi cho soạn thảo nghị định của Chính phủ với văn bản ban hành mới hoặc thay thế có mức chi 11.000.000 đồng/dự thảo văn bản. Theo đánh giá của Chính phủ, nguồn lực đảm bảo cho công tác thi hành pháp luật còn nhiều hạn chế.
Phó thủ tướng Trần Lưu Quang trình bày báo cáo (Ảnh: Duy Linh).

Phó thủ tướng Trần Lưu Quang trình bày báo cáo (Ảnh: Duy Linh).

Sáng 7/3, báo cáo tại Hội nghị toàn quốc lần thứ hai triển khai luật, nghị quyết của Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang đã đề cập nội dung trên.

Cụ thể, Chính phủ nhìn nhận, cán bộ làm công tác xây dựng pháp luật, triển khai thi hành pháp luật, cán bộ pháp chế còn thiếu về số lượng, kiêm nhiệm nhiều công việc, năng lực chuyên môn còn nhiều hạn chế, dẫn đến việc tham gia công tác xây dựng pháp luật, triển khai thi hành pháp luật còn ở chừng mực nhất định.

Kinh phí dành cho công tác xây dựng pháp luật đang được quy định tại Luật Ngân sách nhà nước và một số thông tư còn hạn chế, chưa tương xứng với khối lượng công việc phải thực hiện trong công tác xây dựng và triển khai thi hành pháp luật.

Theo đó, kinh phí chi cho soạn thảo nghị định của Chính phủ với văn bản ban hành mới hoặc thay thế có mức chi 11.000.000 đồng/dự thảo văn bản. Chi cho soạn thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ với văn bản ban hành mới hoặc thay thế có mức chi 9.000.000 đồng/dự thảo văn bản. Còn mức chi cho soạn thảo thông tư với văn bản ban hành mới hoặc thay thế là 6.000.000 đồng/dự thảo văn bản.

Trong khi đó, nội dung giao quy định chi tiết là khá lớn, thời gian ban hành gấp dẫn đến khó khăn trong việc bảo đảm có hiệu lực đồng thời của văn bản quy định chi tiết với luật, nghị quyết được Quốc hội ban hành. Nhiều vấn đề khó, phức tạp không thể quy định trong luật, giao xuống Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để quy định chi tiết dẫn đến khó khăn trong việc tổ chức soạn thảo, ban hành, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang nêu khó khăn.

Lãnh đạo Chính phủ cũng đề cập các nhiệm vụ, giải pháp để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác triển khai thi hành các luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đó là, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ tập trung ban hành theo thẩm quyền kế hoạch triển khai thi hành các luật, nghị quyết, tăng cường quán triệt văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành; đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật bằng nhiều hình thức khác nhau, phù hợp với từng nhóm đối tượng cụ thể; chú trọng bồi dưỡng chuyên môn, tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ công chức thuộc các đơn vị chuyên môn của bộ, sở, ngành địa phương được giao tham mưu tổ chức thi hành luật, nghị quyết, nhất là các luật chuyên ngành có nhiều nội dung mới, phức tạp như Luật Đất đai, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Viễn thông, Luật Căn cước …

Tổ chức soạn thảo ban hành 56 văn bản quy định chi tiết đúng tiến độ, chất lượng, bảo đảm văn bản quy định chi tiết có cùng hiệu lực với văn bản được quy định chi tiết nhằm sớm đưa các luật, nghị quyết vào cuộc sống, Phó thủ tướng nêu giải pháp tiếp theo.

Theo lãnh đạo Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ trong quá trình soạn thảo các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các luật, nghị quyết mới được Quốc hội thông qua, cần kết hợp xử lý các nội dung có mâu thuẫn, chồng chéo, vướng mắc, bất cập đã được chỉ ra trong các đợt rà soát trước đây mà chưa xử lý.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành luật, nghị quyết; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, tăng cường kiểm tra, thanh tra nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời và kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong thi hành pháp luật, cũng nội dung được Phó thủ tướng nêu.

Ông Quang cũng cho biết Chính phủ sẽ quan tâm bố trí hợp lý các nguồn lực tài chính, cơ sở vật chất, tổ chức bộ máy, biên chế và các điều kiện cần thiết khác để triển khai thi hành luật, nghị quyết bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm.

Để quy định chi tiết các luật, nghị quyết được thông qua tại Kỳ họp thứ 6, Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ có nhiệm vụ ban hành 56 văn bản (29 nghị định, 5 quyết định, 22 thông tư) để quy định chi tiết 10 luật, nghị quyết.

Cập nhật tình hình và kết quả thực hiện các nhiệm vụ được giao theo các nghị quyết được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6, Phó thủ tướng thông tin, Chính phủ đang xem xét Đề án về dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Kế hoạch sử dụng đất 05 năm 2021 - 2025. Sau khi xin ý kiến các cơ quan có thẩm quyền, Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Chính phủ đã thông qua đề nghị xây dựng: Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi); Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi); Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi). Trong đó Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 (trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 và thông qua tại Kỳ họp thứ 8), đối với 2 dự án Luật còn lại, Chính phủ đang đề xuất bổ sung vào Chương trình năm 2024 (trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 và thông qua tại Kỳ họp thứ 9).

Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tư pháp xây dựng dự thảo Quyết định bổ sung Phụ lục Danh mục và phân công cơ quan chủ trì thực hiện nhiệm vụ xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV ban hành kèm theo Quyết định số 2114/QĐ-TTg ngày 16/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, dự kiến, Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể của bộ, cơ quan ngang bộ nghiên cứu, sửa đổi Nghị quyết số 119/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng, Nghị quyết số 36/2021/QH15 ngày 13/11/2021 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An, Nghị quyết số 35/2021/QH15 ngày 13/11/2021 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng, Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư công, Luật Cư trú, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Giám định tư pháp, Luật Thi hành án dân sự, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Kế toán, Luật Bình đẳng giới.

Đồng thời, nghiên cứu, xây dựng mới dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo 3,4 tuổi tại một số tỉnh, thành phố, dự án Luật điều chỉnh về bảo vệ dữ liệu cá nhân, dự án Luật điều chỉnh về khu công nghiệp, khu kinh tế, Phó thủ tướng thông tin.

Tin bài liên quan