Thị trường bảo hiểm 2013, góc nhìn của CEO

Thị trường bảo hiểm 2013, góc nhìn của CEO

(ĐTCK) Dưới ảnh hưởng chung của suy thoái kinh tế, năm 2012 tiếp tục là giai đoạn gian khó với khối DN bảo hiểm. Để có một kết quả kinh doanh “chấp nhận được”, các DN, đặc biệt là những người cầm lái đã vạch ra lộ trình nào cho đơn vị mình giữa giông bão thị trường? Cái nhìn của họ về toàn cảnh thị trường năm tới ra sao?

“Tự tái cơ cấu để thị trường lành mạnh hơn”

Ông Tôn Lâm Tùng, Tổng giám đốc BIC

 

Năm 2012 có thể nói là một năm hết sức khó khăn đối với thị trường bảo hiểm. Nhưng nhìn nhận ở góc độ tích cực hơn, đã có những thay đổi đáng kể về quan điểm, chiến lược kinh doanh của các doanh nghiệp, đặc biệt là dấu hiệu của một cuộc “tự tái cơ cấu” để thị trường bảo hiểm Việt Nam phát triển lành mạnh, bền vững hơn.

Thứ nhất, các doanh nghiệp bảo hiểm đã cẩn trọng hơn trong việc xác định thế mạnh thực sự của mình để lựa chọn chiến lược phát triển cân bằng hơn giữa hiệu quả, bền vững với doanh thu, thị phần. Thứ hai, khó khăn kinh tế là bài học cho nhiều doanh nghiệp phải đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ, kênh phân phối, bớt phụ thuộc vào các sản phẩm truyền thống và ít sự khác biệt. Thứ ba, doanh nghiệp bảo hiểm cũng đã  tăng cường công tác quản trị rủi ro, quản trị doanh nghiệp, đảm bảo hệ thống hoạt động an toàn và bền vững.

Những thay đổi này sẽ là cơ sở vững chắc để các doanh nghiệp xây dựng chiến lược kinh doanh và đầu tư một cách phù hợp để tiếp tục đứng vững và phát triển.

“Tiếp tục đầu tư vào đội ngũ nhân viên và các kênh phân phối”

Ông Carlos Vanegas, Tổng giám đốc Công ty Bảo hiểm Liberty

 

Khi nền kinh tế chung suy thoái, chắc chắn nhu cầu bảo hiểm sẽ giảm sút đối với tất cả các phân khúc. Trong bối cảnh đó, 9 tháng đầu năm 2012, Công ty Bảo hiểm Liberty phát triển với mức tăng trưởng 15,28% so với tốc độ tăng trưởng chung là 9,65%. Do đó, chúng tôi đã tăng thị phần từ 1,79% trong quý II/2012 lên 1,98% trong quý III/2012, đồng thời thay đổi vị trí từ 12 lên thứ 9 về doanh thu phí bảo hiểm gốc. Để đạt được kết quả này, chúng tôi đã luôn duy trì cam kết cung cấp cho khách hàng những sản phẩm và dịch vụ tốt nhất với mức phí hợp lý.

Gần đây, chúng tôi mới đưa vào thực hiện một số sáng kiến nhằm đảm bảo khả năng sinh lợi khi tăng trưởng, trong đó có việc phân khúc khách hàng chi tiết hơn khi tính phí bảo hiểm và giới thiệu khái niệm mức miễn thường bậc thang trong bảo hiểm xe ô tô.

Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đa dạng hóa sản phẩm và tăng cường năng lực phân phối. Đặc biệt, chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư vào đội ngũ nhân viên và các kênh phân phối, bởi họ chính là mạch máu của Liberty .

“Nhu cầu thị trường vẫn rất lớn”

Ông Trịnh Quang Tuyến, Chủ tịch HĐQT Tổng CTCP Tái bảo hiểm quốc gia (Vinare)

 

Để tiếp tục phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam, cần phải thực hiện khẩn cấp các biện pháp lớn sau: Tiếp tục tái cấu trúc bộ máy, quản trị lại DN, tăng cường quản lý rủi ro, đầu tư có hiệu quả nguồn vốn; định phí cho đúng, cho đủ, cho phù hợp với từng nghiệp vụ, cho sát với điều kiện, điều khoản; giảm thiểu cạnh tranh không lành mạnh, tăng cường công tác thông tin trong công tác quản lý rủi ro, giám định, bồi thường, đặc biệt là phải minh bạch thông tin. Hiện nay, hành lang pháp lý cho thị trường đã tương đối đầy đủ, vấn đề là các DN cần thực hiện đúng, đầy đủ hành lang pháp lý đó.

Có thể thấy, thị trường bảo hiểm vẫn phổ biến thực trạng cạnh tranh không lành mạnh, hiệu quả kinh doanh thấp, lỗ nghiệp vụ ở hầu hết các doanh nghiệp. Nhiều nhà bảo hiểm, tái bảo hiểm quốc tế đã thắt chặt điều kiện, điều khoản hoặc không nhận dịch vụ từ thị trường Việt Nam . Mặc dù vậy, nhu cầu bảo hiểm tại thị trường bảo hiểm Việt Nam vẫn còn rất lớn; tình hình kinh tế Việt Nam , thế giới mặc dù còn rất khó khăn nhưng đã có dấu hiệu chuyển biến tốt... Đó là những nhân tố để có thể kỳ vọng vào sự phát triển của thị trường trong năm 2013.

 “Tin tưởng vào tiềm năng và triển vọng của thị trường Việt Nam”

Ông Simon Lam, Tổng giám đốc Công ty Bảo hiểm nhân thọ Generali Việt Nam

 

Năm vừa qua là một năm mà kinh tế thế giới gánh chịu nhiều bất ổn và rối ren. Thị trường Việt Nam cũng không ngoại lệ. Nhưng chúng tôi vẫn hoàn toàn tin tưởng vào nền tảng cơ bản, tiềm năng và triển vọng phát triển của thị trường Việt Nam . Đây là thời điểm quyết tâm theo đuổi chiến lược hoạt động và cam kết xây dựng nền tảng vững chắc cho tương lai.

Generali Việt Nam vẫn chú trọng phát triển mô hình kinh doanh với các kênh phân phối đa dạng phục vụ nhu cầu bảo hiểm phúc lợi nhân viên của các doanh nghiệp và bảo hiểm dành cho khách hàng cá nhân. Chỉ trong một khoảng thời gian tương đối ngắn, chúng tôi đã xây dựng được danh mục sản phẩm và dịch vụ khách hàng đáp ứng tốt nhu cầu bảo hiểm của người lao động tại các doanh nghiệp. Cùng với việc triển khai hoạt động bảo hiểm dành cho khách hàng cá nhân vào tháng 4/2012, Generali Việt Nam đã mang vào thị trường Việt Nam mô hình chú trọng chất lượng nhằm hỗ trợ hiệu quả kinh doanh của đội ngũ đại lý thông qua một phương pháp tiếp cận toàn diện, tập trung vào chất lượng tuyển dụng, huấn luyện và phát triển, kèm cặp và quản lý hoạt động của đội ngũ đại lý.

Chúng tôi tin rằng, chìa khoá thành công chính là hiệu quả hoạt động của đội ngũ đại lý, năng lực của các kênh phân phối và sự hài lòng của khách hàng. Chiến lược hoạt động của chúng tôi đảm bảo những giá trị này. 

10 sự kiện bảo hiểm 2012

1. Năm 2012, doanh thu bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 23.000 tỷ đồng, tăng 11,5%; doanh thu bảo hiểm nhân thọ ước đạt 17.790 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2011.

2. Bộ Tài chính ban hành Thông tư 123 (thay thế Thông tư 155 và Thông tư 86), Thông tư 124 (thay thế Thông tư 156 và Thông tư 86), có hiệu lực từ ngày 1/10/2012, đã nâng cao chế độ quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh bảo hiểm và phù hợp với cam kết WTO. Ngoài ra, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 151 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 126 và Thông tư 103, nâng mức trách nhiệm bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.

3. Triển khai Đề án thí điểm bảo hiểm nông nghiệp theo Quyết định 315/QĐ-CP trên 20 tỉnh, thành phố. Tính đến 31/10/2012, đã có 180.000 hộ nông dân tham gia bảo hiểm nông nghiệp, với tổng giá trị được bảo hiểm là 2.972 tỷ đồng và số phí bảo hiểm thu được 195 tỷ đồng.

4. Bảo hiểm tín dụng xuất khẩu theo Quyết định số 2011 của Thủ tướng Chính phủ được triển khai thí điểm với 7 doanh nghiệp là Bảo Việt, Bảo Minh, PVI, Chartis, Bảo Việt Tokio Marine, UIC và QBE, bước đầu áp dụng cho 23 ngành xuất khẩu. Tính đến tháng 9/2012, giá trị hàng hóa được bảo hiểm tín dụng xuất khẩu đạt 5.320 tỷ đồng, phí bảo hiểm 15,8 tỷ đồng, đã giải quyết bồi thường 9,6 tỷ đồng.

5. Công ty Bảo hiểm AAA lựa chọn đối tác chiến lược là Tập đoàn IAG của Australia và bán 30% cổ phần cho đối tác này.

6. PVI liên doanh với Tập đoàn Tài chính Bảo hiểm Sun Life Financial của Canada thành lập Công ty Bảo hiểm nhân thọ (PVI góp 51% vốn điều lệ), chuẩn bị đi vào hoạt động, sẽ trở thành doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ thứ 15 của thị trường bảo hiểm.

7. Toàn ngành bảo hiểm đã đóng góp gần 100.000 tỷ đồng (tương đương 5 tỷ USD) từ dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm và vốn chủ sở hữu đầu tư vào nền kinh tế .

8. Các doanh nghiệp bảo hiểm tích cực nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới, đẩy mạnh khai thác các sản phẩm bảo hiểm tài sản cá nhân, bảo hiểm sức khỏe và y tế, trách nhiệm, bảo hiểm cho người lao động do chủ sử dụng lao động mua bảo hiểm, tạo ra phân khúc thị trường mới, góp phần tạo nên sự tăng trưởng cho thị trường bảo hiểm.

9. Các doanh nghiệp bảo hiểm chi bồi thường trên 500 tỷ đồng do cơn bão số 8 (Sơn Tinh) tại khu vực Đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.

10. Quỹ bảo hiểm xe cơ giới xây dựng cơ sở dữ liệu bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới, với tổng mức đầu tư 35 tỷ đồng, đưa vào sử dụng năm 2013, nhằm tăng cường quản lý khâu khai thác, bồi thường, phòng chống trục lợi bảo hiểm, phân tích số liệu phục vụ cho quá trình điều hành, tính phí và đưa ra các giải pháp đảm bảo an toàn giao thông. Quỹ đã đầu tư hơn 12 tỷ đồng tài trợ cho các công trình đề phòng, hạn chế tai nạn giao thông tại 8 tỉnh, thành phố.

Nguồn: Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam