Thị trường bảo hiểm: Nhiều khoảng trống nhưng vẫn chật đất cạnh tranh

Thị trường bảo hiểm: Nhiều khoảng trống nhưng vẫn chật đất cạnh tranh

(ĐTCK-online) 6 tháng đầu năm 2009, lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ đạt mức tăng trưởng trên 17%, bảo hiểm nhân thọ đạt trên 8%, trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều khó khăn. Đây là mức tăng trưởng cao bậc nhất so với các ngành khác.

ĐTCK đã có cuộc trao đổi với ông Phùng Đắc Lộc, Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam xung quanh vấn đề này. 

 

Các doanh nghiệp bảo hiểm duy trì được mức tăng trưởng cao có đồng nghĩa với việc thị trường gần được khai thác hết, thưa ông?

Có thể nói, tiềm năng thị trường bảo hiểm vẫn còn rất lớn. Hiện nay, toàn bộ thị trường bảo hiểm nông nghiệp, khối tư nhân, nhà ở, tài sản cá nhân chưa được khai thác hết. Những công trình của các tổ chức, cơ quan chính quyền địa phương xây dựng từ ngân sách nhà nước cũng chưa được mua bảo hiểm, nên khi xảy ra tổn thất vẫn phải dùng nguồn vốn ngân sách để bù đắp. Ngoài ra, kinh tế chúng ta đang phục hồi, việc thu hút vốn FDI, ODA… nhằm duy trì sự tăng trưởng dẫn đến nhu cầu bảo hiểm ngày càng cao. Một số công trình do nước ngoài đầu tư vào Việt Nam đòi hỏi kỹ thuật bảo hiểm cao, ví dụ Tòa nhà 72 tầng Keangnam. Bảo hiểm đường tàu, máy bay, hàng không ngày càng phát triển. Bên cạnh đó, chúng ta có công nghệ đóng tàu và các công trình đường cao tốc, công trình ngầm, sau này là đường sắt cao tốc hoặc xây dựng nhà máy điện hạt nhân… Đó là cơ hội cho ngành bảo hiểm. Năm ngoái, Việt Nam phóng vệ tinh Vinasat 1 trị giá 200 triệu USD, trong đó phí bảo hiểm là 20 triệu USD. Xác xuất rủi ro (phóng thành công và không thành công) là 10% thì phí phải là 10%. Đó là số phí đáng mơ ước.

 

Toàn thị trường hiện có 27 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đang hoạt động. Thị trường còn nhiều tiềm năng, nhưng vì sao việc cạnh tranh vẫn diễn ra gay gắt?

Không phải đơn thuần 27 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, mà là 350 chi nhánh của các doanh nghiệp bảo hiểm cạnh tranh với nhau. Thậm chí, các công ty con trong cùng một tổng công ty cũng cạnh tranh khai thác. Một chi nhánh của công ty bảo hiểm X tại Bắc Ninh có thể vươn vào Hà Nội khai thác nếu họ có quan hệ hoặc thế mạnh về chăm sóc khách hàng, dịch vụ tốt… Phạm vi hoạt động không giới hạn của các doanh nghiệp bảo hiểm đang tạo ra sự cạnh tranh khốc liệt. Tôi nghĩ, đó là sự cạnh tranh cần thiết, vì điều đó mang lại cho khách hàng nhiều quyền lợi hơn, cũng như các doanh nghiệp phải nỗ lực đưa ra dịch vụ tốt hơn.

 

Theo ông, thách thức lớn nhất đặt ra cho các doanh nghiệp bảo hiểm trong thời gian tới là gì?

Đó là công nghệ thông tin. Hiện không ít doanh nghiệp bảo hiểm đang tìm một công nghệ phù hợp và đó là điều không đơn giản. Nếu có một hệ thống công nghệ thông tin tốt thì mọi dữ liệu như khai thác, bồi thường đều được nạp hết vào. Thậm chí, hạch toán, kế toán cũng được đưa vào. Còn làm thủ công mất rất nhiều thời gian.

Chúng tôi đã kiến nghị Nhà nước đầu tư công nghệ để quản lý các công ty bảo hiểm như hệ thống ngân hàng. Ví dụ, các ngân hàng nếu khả năng thanh toán không đủ thì Ngân hàng Nhà nước hoặc các ngân hàng khác hỗ trợ cho vay qua đêm. Làm được điều này phải có sự trợ giúp của Chính phủ. Lĩnh vực tài chính - ngân hàng, chứng khoán, sổ xố kiến thiết… được nhà nước đầu tư rất nhiều, nhưng các doanh nghiệp bảo hiểm chưa được đầu tư. Nếu mình đi tắt đón đầu, xây dựng một chuẩn mực về hệ thống công nghệ thông tin, sau đó các doanh nghiệp mua phần mềm để thực hiện thì sẽ tốt hơn rất nhiều.

 

Hiện có một số doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài vẫn phải thực hiện hai hệ thống báo cáo để một mặt phù hợp với quy định tại Việt Nam, mặt khác có thể hợp nhất với công ty mẹ tại nước ngoài. Vì sao lại như vậy, thưa ông?

Được ban hành từ năm 1996, đến nay các chuẩn mực kế toán trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm vẫn chưa một lần được chỉnh sửa. Trong khi đó, cùng với sự phát triển của nền kinh tế, nhiều chuẩn mực kế toán trong các lĩnh vực khác đã được thay đổi cho phù hợp.

Hiện có một số bất cập trong các chuẩn mực kế toán. Chẳng hạn, đối với những khách hàng ít khi xảy ra rủi ro và các doanh nghiệp bảo hiểm không phải bồi thường thì doanh nghiệp có thể thưởng cho khách hàng đó. Đây là thông lệ quốc tế, nhưng ở Việt Nam , theo thông tư hướng dẫn thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm thì không được phép.

Chưa có thống kê cụ thể, nhưng để đáp ứng được yêu cầu thực hiện các chuẩn mực kế toán quốc tế là khá cao. Các doanh nghiệp còn nhiều vấn đề cần hoàn thiện mới đáp ứng được. Nhân lực kế toán rất giỏi về tin học, ngoại ngữ và hệ thống lý luận, áp dụng các chuẩn mực kế toán quốc tế sẽ khả thi, nhưng cái vướng là phải thay đổi chế độ kế toán chung của toàn quốc.