Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng sẽ buộc phải thay đổi để phù hợp với ngành du lịch

Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng sẽ buộc phải thay đổi để phù hợp với ngành du lịch

(ĐTCK) Thị trường bất động sản du lịch trong năm 2020 và những năm tới sẽ có nhiều thay đổi đáng kể để phù hợp với sự phát triển mạnh mẽ của ngành du lịch. Điểm nhấn của thị trường là các xu huớng mới, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách du lịch quốc tế.

Đó cũng là nội dung chính tại Tọa đàm và Giao lưu trực tuyến: Những xu hướng mới của thị trường bất động sản du lịch Việt Nam, do Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam (Reatimes) tổ chức chiều 19/11.

Ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam

Phát biểu tại Tòa đàm, ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho hay, bất động sản du lịch hiện có tiềm năng phát triển rất lớn, dựa trên nền tảng thiên nhiên, văn hóa, thể chế, tăng trưởng kinh tế, nhất là trong bối cảnh các bộ, ngành và địa phương đang tích cực thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị, đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Nguyễn Trần Nam, diễn biến thực tế thời gian qua khẳng định, lượng khách du lịch đang tăng trưởng tốt. Trung bình mỗi năm, có 15 triệu khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam, vượt xa con số 4 triệu khách của 10 năm trước; bên cạnh đó là 80 triệu lượt khách nội địa, gấp 4 lần so với thập kỷ trước.

Khách du lịch tăng trưởng sẽ kéo theo nhu cầu lưu trú, tạo điều kiện cho villa, khách sạn và các nhu cầu dịch vụ, mua sắm, giải trí phát triển. Tuy nhiên, theo các số liệu thống kê, dù tăng trưởng nhanh, nhưng năm 2018, tổng số khách quốc tế đến Việt Nam vẫn thấp so với một số nước trong khu vực như Thái Lan (38 triệu), Malaysia (25 triệu), Singapore (18,5 triệu), Indonesia (15,8 triệu).

Đặc biệt, mức chi tiêu của khách du lịch đến Việt Nam vẫn còn thua xa với các nước. Khách quốc tế đến Việt Nam chi tiêu 96 USD/ngày nhưng ở Singapore là 330 USD/ngày, ở Thái Lan là 115 USD/ngày.

Do đó, yêu cầu hiện nay với phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng sẽ cao hơn nhiều, nhằm đáp ứng cơ sở hạ tầng phục vụ cho phát triển du lịch. Trong trung hạn, với trên 20 triệu khách quốc tế tới Việt Nam mỗi năm có thời gian nghỉ trung bình từ 5 - 7 ngày/kỳ nghỉ, và khách trong nước khoảng 85 triệu người có thời gian nghỉ từ 3 - 4 ngày, du lịch Việt Nam cần thêm nhiều hơn nữa các dự án đầu tư theo dạng hệ sinh thái, quần thể, tích hợp cả du lịch, giải trí, nghỉ dưỡng, mua sắm.

Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng sẽ buộc phải thay đổi để phù hợp với ngành du lịch ảnh 2

 Ông Đặng Hùng Võ, chuyên gia kinh tế

Đồng quan điểm, ông Đặng Hùng Võ, chuyên gia kinh tế cho hay, nhìn lại toàn bộ quá trình phát triển thị trường động sản du lịch Việt Nam chúng ta có thể thấy, có rất nhiều dự án “lớn”, nhưng so với thế giới vẫn “chưa là gì”.

"Thời gian vừa rồi, du lịch của chúng ta đã đi qua con đường từ nước có ngành du lịch kém lên mức trung bình. Con đường này cũng có nhiều khó khăn, chúng ta đã làm được. Nhưng để phát triển tiếp thì chúng ta còn rất nhiều việc phải làm", ông Võ nói.

Cụ thể hơn với thị trường bất động sản du lịch, để vượt qua khó khăn về vốn trong bối cảnh dòng vốn vào thị trường khá eo hẹp, chúng ta đã làm được rất tốt, bán các bất động sản du lịch hình thành trong tương lai là một giải pháp rất tốt để giải quyết bài toán về vốn.

Chúng ta cũng đã có nhiều dự án bất động sản du lịch đảm bảo chất lượng tốt, có quy hoạch được một số công trình vui chơi giải trí. Thị trường cũng đã chứng kiến sự bùng nổ của phân khúc condotel, nhưng vì nhiều lý do, trong đó nhiều nhất là tính pháp lý khiến phân khúc này giai đoạn vừa qua có nhịp chững. Điều này chứng tỏ, kinh tế chia sẻ vào Việt Nam nhưng việc tiếp nhận và quản lý vẫn còn nhiều lúng túng.

Theo ông Võ, để thị trường bất động sản du lịch Việt Nam tăng trưởng hơn nữa, chúng ta phải khắc phục được những điểm yếu trên, đây cũng là cơ hội để các mô hình bất động sản du lịch đa công năng có thể phát huy được lợi thế.

Chúng ta mới chỉ đáp ứng được các khách du lịch ngắn ngày mang tính tham quan như Hàn Quốc, Trung Quốc, còn một nguồn khách tiềm năng hơn từ Âu Mỹ với xu hướng trải nghiệm về đời sống người dân bản địa, trải nghiệm mạo hiểm, chữa bệnh... lại chưa mạnh, ông Võ cho biết và nhấn mạnh: "Để phát triển du lịch trải nghiệm, chúng ta cần phát triển các tổ hợp du lịch trải nghiệm quy mô lớn, đa chức năng, có khu vui chơi cho trẻ em, cho người lớn, khu casino...".

Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng sẽ buộc phải thay đổi để phù hợp với ngành du lịch ảnh 3

Ông Ngô Hữu Trường, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Crystal Bay

Ông Ngô Hữu Trường, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Crystal Bay cho biết, hiện có tới 54% du khách có nhu cầu du lịch nghỉ dưỡng, trải nghiệm,  mở ra cánh cửa cơ hội lớn cho Việt Nam. Do vậy, việc chuyển hướng sang loại hình du lịch trải nghiệm để đáp ứng nhu cầu khách du lịch quốc tế là yêu cầu cần thiết.

Nhìn ra thế giới, có nhiều mô hình tổ hợp quy mô lớn đã được phát triển để đáp ứng nhu cầu này. Như ở HongKong (Trung Quốc) có Walt Disney thu hút 6,7 triệu lượt khách du lịch; riêng trong năm 2018, Genting Malaysia thu hút 38,5 triệu lượt khách; Pattaya Thái Lan thu hút 15 triệu lượt khách; Dubai thu hút 16 triệu lượt khách; Las Vegas thu hút 42 triệu lượt khách... Có thể chia làm ba nhóm: nhóm các trung tâm du lịch quy mô lớn; thành phố - vùng du lịch quy mô lớn và thành phố - vùng du lịch.

"Nếu Việt Nam tập trung đầu tư dự án quy mô lớn, tích hợp nhiều trải nghiệm thì chúng ta sẽ thu hút được nhiều khách du lịch không chỉ trong nước mà còn cả khách hạng sang quốc tế", ông Trường nhận định.

Tin bài liên quan