Thị trường bất động sản đang đợi ánh bình minh năm Quý Mão để xoa đi giá rét của năm Nhâm Dần.

Thị trường bất động sản đang đợi ánh bình minh năm Quý Mão để xoa đi giá rét của năm Nhâm Dần.

Thị trường bất động sản: Qua cơn bĩ cực đến hồi thái lai

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Câu tục ngữ “Lửa thử vàng, gian nan thử sức” trở nên phù hợp để nói về thị trường bất động sản trong thời gian qua. Sau giai đoạn thử thách sức chịu đựng, thị trường kỳ vọng sẽ bước vào chu kỳ phát triển bền vững.

“Đứng yên” là hạnh phúc

Một ngày cuối năm con Hổ, giữa tiết trời Sài Gòn se lạnh, phóng viên ngồi nhâm nhi ly cà phê cùng tổng giám đốc (CEO) một doanh nghiệp bất động sản và trò chuyện về thị trường.

Khởi đầu câu chuyện, vị tổng giám đốc chia sẻ cảm nhận: “Nhiều người nói thị trường bất động sản được ví như hàn thử biểu của nền kinh tế không sai tí nào. Năm nay khác với mọi năm, Tết đến nơi nhưng rất ít nghe ai mở nhạc xuân, không khí Tết trên các nẻo đường có vẻ cũng chưa sôi động. Không biết đây chỉ là cảm nhận của người làm bất động sản hay là buồn thật…?”.

Thở phào một cái, vị tổng giám đốc nói thêm, đến thời điểm này, doanh nghiệp ông đã tạm thời yên tâm để nghỉ Tết Nguyên đán. Mọi việc còn lại năm sau tính tiếp. Cái “yên tâm” mà vị CEO này chia sẻ đó là doanh nghiệp đã trả lương đầy đủ cho cán bộ công nhân viên, không bị nợ đòi và vẫn còn duy trì được hoạt động.

“Năm 2022, doanh nghiệp hay nhà đầu tư bất động sản nào đến giờ vẫn còn ‘đứng yên’ được đã xem là hạnh phúc, chứ đừng nói gì đến chuyện lãi hay mở rộng kinh doanh”, vị tổng giám đốc bộc bạch.

Là người có thâm niên hoạt động trong lĩnh vực địa ốc từ thời kỳ đầu của thị trường bất động sản, bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Tổng giám đốc Đại Phúc Land chia sẻ: “Cứ nghĩ trải qua hơn 2 năm đại dịch Covid-19 hoành hành với nhiều tổn thất và đau thương đã là khốc liệt lắm rồi, thế nhưng, không ai biết được chữ ngờ, năm 2022 với nhiều kỳ vọng vào sự hồi phục lại bị rơi vào hoàn cảnh nhiều khó khăn”.

“Chỉ mong một năm mới với nhiều biến chuyển tích cực hơn”, bà Hương nói và chia sẻ thêm, trải qua khó khăn cho chúng ta thấm thía được bài học đắt giá trong đầu tư rằng, thị trường bất động sản không đơn giản, không phải ai cũng có thể đầu tư và cứ đầu tư là sẽ thắng.

Cũng không tránh được những khó khăn chung, nhưng nhờ “đứng yên” trong năm qua đã giúp Danh Việt Group đỡ áp lực. Còn nhớ gần cuối năm 2021, sau thời gian giãn cách xã hội vì đại dịch Covid-19, thị trường bất động sản phía Nam trở lại như “lửa đốt”. Người người, nhà nhà dồn lực vào bất động sản với tâm thế “không nhanh chân đầu tư là mất cơ hội, không mua sẽ hết đất”. Lúc đó, ông Trần Lê Thanh Hiển, Tổng giám đốc Danh Việt Group đã chia sẻ với người viết về chiến lược kinh doanh mới của Công ty là “đứng yên, nhìn lại quan sát rồi mới có quyết định bước tiếp”.

Chia sẻ về năm 2022 trong cuộc gặp mới đây, ông Hiển cho biết, dù trong năm qua Danh Việt Group có mở bán một số dự án nhưng do hấp lực của thị trường quá chậm, thậm chí hầu như không có, nên có dự án phải “đóng” bảng hàng chờ thị trường hồi phục. Vì vậy, dù lãnh đạo Công ty mong muốn duy trì mức lương thưởng cho nhân viên như mọi năm nhưng không xoay được dòng tiền.

“Đành hẹn với họ sang năm, khi tình hình khá hơn sẽ bù, nhưng nói thật là tôi cũng không biết năm 2023 thị trường có tốt hơn không!”, ông Hiển nói và cho biết thêm, chiến lược sắp tới của Danh Việt Group là củng cố nguồn lực để chuẩn bị khởi động trở lại các dự án đáp ứng nhu cầu thực về nhà ở mà Công ty đang là chủ đầu tư.

Sau cơn mưa trời lại sáng

Hầu hết các doanh nghiệp bất động sản đều có chung nhận định, 2022 là một năm quá thách thức với thị trường bất động sản. Những khó khăn xảy ra một cách bất ngờ và không lường trước được. Ngay cả với nhiều doanh nghiệp bất động sản hàng đầu tại khu vực phía Nam cũng “trở tay” không kịp do bị tắc dòng tiền.

Trong thời gian tới, bức tranh chung của thị trường sẽ ra sao vẫn còn khó đoán định, song những áp lực lớn mà các doanh nghiệp phải đối mặt trong thời gian qua đang từng bước vơi đi. Nhiều doanh nghiệp đẩy mạnh việc tái cơ cấu hoạt động, củng cố nguồn lực để sẵn sàng cho năm 2023 dự báo tươi sáng hơn.

Đơn cử là Tập đoàn Novaland, sau những khó khăn, hiện doanh nghiệp đang đẩy mạnh hoạt động tái cơ cấu toàn diện, tinh giảm các ngành nghề chưa cần thiết, cắt giảm nhân sự, điều chỉnh lại chiến lược; song song đó là mời các chuyên gia, các đơn vị tư vấn hàng đầu thế giới vào để giúp Tập đoàn tái cấu trúc và đảm bảo ổn định hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Theo đề án tái cấu trúc, ông Bùi Thành Nhơn sẽ trở lại với cương vị Chủ tịch Hội đồng quản trị Novaland, đồng thời bắt tay cùng các cổ đông, đối tác nước ngoài, các đội ngũ chuyên gia hàng đầu của EY - Parthenon, Công ty luật YKVN… để đánh giá tổng thể tình hình Tập đoàn và đưa ra các giải pháp tái cấu trúc toàn diện.

“Tôi trở lại với vai trò Chủ tịch Hội đồng quản trị và là đại diện pháp luật của Novaland vì tôi nghĩ rằng, đã là doanh nhân, chúng ta phải chấp nhận đối mặt với khó khăn và thách thức, bởi trở ngại này vừa vượt qua thì khó khăn khác sẽ đến”, ông Nhơn nói và cho biết, Novaland đã và đang tiếp tục nỗ lực triển khai các hoạt động bán hàng, thu xếp nguồn vốn, cắt giảm các khoản đầu tư chưa thực sự cần thiết để tối ưu chi phí, tập trung nguồn lực tối đa hoàn thiện các dự án trọng điểm đang triển khai như Aqua City, NovaWorld Phan Thiet, NovaWorld Ho Tram và các dự án bất động sản trung tâm TP.HCM.

Bên cạnh Novaland, nhiều doanh nghiệp bất động sản lớn khác tại phía Nam thời gian qua cũng đã đẩy mạnh việc tái cơ cấu hoạt động, như mua lại trái phiếu doanh nghiệp, cơ cấu lại các dự án, nhân sự… Hầu hết các doanh nghiệp đều cho rằng, dù vẫn còn nhiều khó khăn ở phía trước, nhưng thị trường bất động sản sẽ có cơ hội hồi phục, vấn đề là khả năng hồi phục sớm hay muộn.

Nhìn nhận ở góc độ thị trường, nhiều chuyên gia cho rằng, thị trường bất động sản năm 2023 sẽ có nhiều yếu tố chuyển biến tích cực hơn năm 2022, như nhiều tín hiệu cho thấy hệ thống ngân hàng sẽ có room tín dụng mới và sẽ ưu tiên cấp nguồn cho các dự án đủ điều kiện về mặt pháp lý; Luật Đất đai 2023 hứa hẹn sẽ giải quyết bài toán đền bù giải phóng mặt bằng…, gỡ vướng pháp lý cho nhiều dự án trên cả nước. Thêm nữa, nguồn vốn đầu tư công chắc chắn sẽ được đẩy nhanh tiến độ giải ngân về các địa phương, đây cũng là nguồn vốn rất lớn đầu tư cho cơ sở hạ tầng và thúc đẩy phát triển kinh tế vùng miền.

Tin bài liên quan