Mức độ quan tâm đến bất động sản ở Hà Nội tháng 8 giảm 36% so với tháng 7. Ảnh: Thành Nguyễn.

Mức độ quan tâm đến bất động sản ở Hà Nội tháng 8 giảm 36% so với tháng 7. Ảnh: Thành Nguyễn.

Thị trường bất động sản tháng 8: Xấu đều, tốt lỏi

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dù thị trường bất động sản đang cho thấy nhiều gam màu trầm, nhưng trong bức tranh chung vẫn có phân khúc cho thấy sự tăng trưởng.

Có dấu hiệu nguội lạnh

Gần đây nhất, báo cáo thị trường bất động sản tháng 8/2021 vừa được Batdongsan.com.vn công bố cho thấy, thị trường tháng 8 chịu tác động tiêu cực của dịch bệnh, khiến bức tranh chung khá ảm đạm.

Theo đó, mức độ quan tâm của nhà đầu tư với thị trường trong tháng 8 có sự suy giảm đáng kể so với tháng 7.

Lượt quan tâm toàn thị trường đã giảm 27% so với tháng trước. Mức giảm mạnh nhất tại các tỉnh, thành phố có có ca nhiễm tăng cao như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Hà Nội.

Trong đó, tại Hà Nội và TP.HCM, mức độ quan tâm bất động sản giảm lần lượt 36% và 17% so với tháng trước. Mức giảm ghi nhận ở hầu hết các loại hình bất động sản chính như chung cư, nhà riêng và nhà mặt phố.

Dù sự quan tâm có giảm, nhưng chỉ số giá chung cư tại Hà Nội và TP.HCM ổn định trong tháng 8 và tăng 8 - 9% so với cùng kỳ năm trước.

Dù thị trường “xấu” chung, nhưng vẫn có một số điểm sáng như Bắc Giang, Hải Phòng, Bắc Ninh với mức độ quan tâm tăng lần lượt 26%, 8% và 7%.

Giá nhà vẫn tăng đều

Trong khi đó, theo Savill, dịch bệnh đang tác động tiêu cực lên thị trường, nhưng phân khúc nhà ở vẫn cho thấy sự tăng trưởng về giá.

Ví dụ, với thị trường Hà Nội, những tháng đầu năm 2021 đã ghi nhận những hoạt động tích cực, với giá chào bán sơ cấp trung bình đối với loại hình căn hộ tăng 11% theo năm, trong khi đó loại hình biệt thự và nhà liền kề đồng thời ghi nhận mức tăng khoảng 7%/năm. Sự tăng trưởng về giá này được nhận định là do nguồn cung hạn chế, cơ sở hạ tầng được cải thiện và tiêu chuẩn phát triển cao hơn của các dự án tại đây.

Về triển vọng thị trường những tháng cuối năm 2021, bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc Cấp cao, Bộ phận Tư vấn và Nghiên cứu, Savills Hà Nội cho biết: “Đối với phân khúc căn hộ, đất nền, do dịch bệnh còn đang diễn biễn phức tạp nên tình hình thị trường bất động sản các tháng cuối năm có thể nói là sẽ chậm hơn so với cùng kỳ năm ngoái, do các chủ đầu tư, các nhà đầu tư đều giữ tâm lý thận trọng trong việc tung bán cũng như các quyết định đầu tư. Giá được dự báo sẽ không giảm mặc dù đang có áp lực gia tăng về dòng tiền và việc chi trả của các nhà đầu tư”.

Nhận định về thị trường nhà sau dịch, bà Hằng đánh giá: “Nhìn chung, sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, hoạt động thị trường sau thời gian bị nén lại được dự báo sẽ sôi động hơn.

Hiện nay, trên thị trường Hà Nội, các sản phẩm nhà ở với khoảng giá từ 35 - trên 40 triệu đồng/m2 đang nhiều hàng và cũng đang bán được với số lượng nhiều nhất, với lượng tiêu thụ dẫn đầu tính đến thời điểm nửa đầu năm 2021. Nguồn cung căn hộ dưới mức giá này hiện đang chiếm tỷ trọng ít hơn, ảnh hưởng đến sự lựa chọn của khách hàng. Trong khi đó, căn hộ cao cấp với mức giá trung bình từ 75 - 80 triệu đồng/m2 trở lên không nhiều, tốc độ bán cũng chậm hơn các khoảng giá khác.

Bất động sản công nghiệp, logistics hút vốn

Về sự dịch chuyển của dòng vốn đầu tư, báo cáo gần đây của CBRE cho thấy, đối với thị trường Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2021 là một giai đoạn sôi động của các nhà đầu tư cũng như chủ sở hữu bất động sản trong lĩnh vực công nghiệp và logistics.

Hoạt động đầu tư phát triển dự án logistics, thương mại và nhà ở sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm lớn, trong khi các loại hình bất động sản đầu tư khác như văn phòng và khách sạn chất lượng tốt có thể sẽ được săn đón trở lại khi Việt Nam trên đà phục hồi.

“Các nhà đầu tư săn giá rẻ có thể không hài lòng khi các tài sản có giá chiết khấu trở nên khan hiếm do sự gia tăng của các hoạt động đầu tư. Với nhu cầu thuê văn phòng tiếp tục được cải thiện, giá thuê sẽ duy trì ở mức bình ổn vào năm 2022 và bắt đầu tăng trưởng trở lại vào năm 2023, đây là lúc các nhà đầu tư có thể xem xét cơ hội đầu tư không chịu ảnh hưởng của tính chu kỳ ở các bất động sản văn phòng, bán lẻ và khách sạn”, Tiến sĩ Henry Chin, Trưởng Bộ phận Investor Thought Leadership Toàn cầu và Trưởng Bộ phận Nghiên cứu của CBRE Châu Á - Thái Bình Dương cho hay.

Diễn biến thị trường này cho thấy sự “đồng điệu” của thị trường đầu tư trong nước với thị trường khu vực ở phân khúc bất động sản công nghiệp và logistics.

Cụ thể, với thị trường châu Á Thái Bình Dương, giá trị giao dịch đầu tư 6 tháng đầu năm đạt tới 68 tỷ USD, tương đương 63% tổng giá trị giao dịch của cả năm 2020. Bất chấp sự phức tạp của các biến thể Covid-19, giá trị giao dịch đầu tư của cả năm dự kiến sẽ tăng 15 - 20%, vượt mức dự báo 5-10% vào đầu năm.

Tin bài liên quan