Thị trường chứng khoán châu Á có hưởng lợi từ kỳ vọng Fed sắp kết thúc chu kỳ tăng lãi suất?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Mặc dù việc tạm dừng chu kỳ tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ dẫn đến các đồng tiền châu Á mạnh hơn, nhưng dữ liệu gần đây từ báo cáo lợi nhuận của khu vực và dữ liệu kinh tế không đạt kỳ vọng của Trung Quốc đã khiến những nhà phân tích chia rẽ về triển vọng tăng trưởng.
Thị trường chứng khoán châu Á có hưởng lợi từ kỳ vọng Fed sắp kết thúc chu kỳ tăng lãi suất?

Fed có thể đã hoàn thành công việc

Sau khi Fed tăng lãi suất vào tuần trước trong một động thái được nhiều người dự đoán rằng đây sẽ là đợt cuối cùng trong cuộc chiến giảm lạm phát, các đồng tiền ở châu Á-Thái Bình Dương đã cổ vũ một sự xoay trục tiềm năng phía trước khi chỉ số đồng USD suy giảm.

Tính đến sáng thứ Hai (8/5) ở châu Á, công cụ FedWatch của CME cho thấy hơn 90% xác suất Fed sẽ tạm dừng tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 6. Việc Fed tạm dừng có thể thúc đẩy chứng khoán Mỹ, nhưng tác động của nó đối với tăng trưởng khu vực ở châu Á có thể không đơn giản như vậy.

Manishi Raychaudhuri, Trưởng bộ phận nghiên cứu vốn chủ sở hữu châu Á-Thái Bình Dương của BNP Paribas cho biết: “Hiện tại, Fed có thể đã hoàn thành công việc nhưng tất cả các ngân hàng trung ương thị trường phát triển đều không như vậy".

“Mặc dù việc ổn định tiền tệ châu Á có khả năng là tin tốt đối với dòng vốn nước ngoài đổ vào chứng khoán châu Á, nhưng trong thời gian tới, tình hình kinh tế Trung Quốc đang chuyển dịch có thể là động lực mạnh mẽ hơn cho chứng khoán châu Á”, ông cho biết. Đồng thời, ông đã chỉ ra một mùa báo cáo lợi nhuận đáng thất vọng ở châu Á, với mọi lĩnh vực ngoại trừ hàng tiêu dùng không thiết yếu và công nghệ đều không đạt kỳ vọng.

Các chiến lược gia của Nomura giữ nguyên quan điểm đối với chứng khoán châu Á-Thái Bình Dương bất chấp khả năng Fed tạm dừng tăng lãi suất, duy trì mục tiêu cuối năm cho MSCI châu Á trừ Nhật Bản. Chiến lược gia Chetan Seth của Nomura cho biết thêm, nguy cơ suy thoái ở Mỹ đang dần lờ mờ hiện ra, nhưng thời điểm suy thoái chính xác rất khó dự đoán.

“Trong trường hợp cơ sở của chúng tôi, chúng tôi không mong đợi sự sụt giảm đáng kể của chứng khoán châu Á. Chúng tôi cho rằng, bất kỳ sự suy yếu nào của chứng khoán châu Á do lo ngại về suy thoái kinh tế của Mỹ sẽ là cơ hội để các nhà đầu tư tăng cường tiếp xúc với chứng khoán châu Á do các yếu tố địa phương vẫn đang hỗ trợ”, các chiến lược gia của Nomura cho biết.

Trong khi đó, UBS Global Wealth Management chỉ ra rằng, các ngân hàng trung ương ở châu Á cuối cùng đã giảm bớt áp lực để theo kịp tốc độ tăng lãi suất của Fed.

“Lãi suất của Mỹ đạt đỉnh là một bước ngoặt quan trọng mở ra cơ hội cho châu Á bắt đầu nới lỏng chính sách, với phạm vi cắt giảm lãi suất từ 25 - 50 điểm cơ bản đã được áp dụng ở một số nền kinh tế nhất định”, UBS cho biết trong báo cáo triển vọng hàng tháng vào tháng 5 và nêu tên các ngân hàng trung ương của Hàn Quốc, Indonesia và Ấn Độ là những ứng cử viên có khả năng chuyển sang chu kỳ nới lỏng.

Kỳ vọng vào thị trường Trung Quốc

Chiến lược gia Manishi Raychaudhuri cho rằng, các nhà đầu tư ở châu Á hiện đang tập trung vào con đường phục hồi của Trung Quốc sau khi dỡ bỏ các hạn chế nghiêm ngặt do Covid-19.

“Nỗi lo lớn của các nhà đầu tư châu Á bao quanh Trung Quốc… là sự phục hồi tiêu dùng không bền vững, đặc biệt là trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên vẫn ở mức cao”, ông cho biết.

Ông lưu ý rằng, dữ liệu kinh tế đáng thất vọng đang lấn át những con số cho thấy nền kinh tế đang trở lại bình thường.

“Chỉ số PMI sản xuất tháng 4 của Trung Quốc giảm mạnh, nợ Phương tiện tài chính của chính quyền địa phương (LGFV) tăng đột biến, thanh niên thất nghiệp dai dẳng, đầu tư vào bất động sản giảm và các căng thẳng địa chính trị đang diễn ra đang làm lu mờ tin tốt từ Trung Quốc như PMI dịch vụ mạnh mẽ, hoạt động du lịch kỷ lục trong Tuần lễ vàng”, ông cho biết.

HSBC tin rằng, các đồng tiền châu Á đang hoạt động kém hiệu quả một phần do niềm tin thấp vào Trung Quốc.

“Tâm lý đối với Trung Quốc vẫn còn yếu, có thể phản ánh sự thiếu tự tin về tăng trưởng và các câu hỏi địa chính trị”, HSBC cho biết trong báo cáo triển vọng tháng 5.

Theo Societe Generale, trong lịch sử, không phải tất cả các thị trường chứng khoán trong khu vực đều tăng điểm sau khi Fed xoay trục khỏi các chu kỳ tăng lãi suất.

“Từng thị trường trong khu vực, chúng tôi quan sát thấy rằng các thị trường gắn liền với tăng trưởng toàn cầu - Nhật Bản, cũng như Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) - sẽ hoạt động kém hơn các thị trường nội địa như khu vực Nam Á và Trung Quốc đại lục”, các chiến lược gia của BNP Paribas cho biết.

Tin bài liên quan