Các hãng đầu tư thuần túy dựa vào máy móc thường có màn biểu diễn nổi trội so với các quỹ thông thường.

Các hãng đầu tư thuần túy dựa vào máy móc thường có màn biểu diễn nổi trội so với các quỹ thông thường.

Thị trường chứng khoán “vắng bóng” con người

(ĐTCK) Cách đây 20 năm khi sàn chứng khoán Việt Nam mới mở cửa với cảnh buổi sáng nhà đầu tư dậy sớm để "đặt gạch" chờ giao dịch thì nhiều sở giao dịch chứng khoán nước ngoài chỉ còn mô hình dạng tượng làm kỷ niệm. Nhưng giao dịch từ xa mới chỉ là sự bắt đầu, xem người mà ngẫm đến ta!

50 năm trước đây, đầu tư là địa hạt hoàn toàn do con người khai thác. Nhưng tới nay, công việc của con người tại các sàn giao dịch đã biến mất một cách nhanh chóng, thay vào đó là máy tính, thuật toán và các quỹ đầu tư thụ động - tổ chức quản lý quỹ cố gắng đưa ra càng ít quyết định đầu tư càng tốt để giảm thiếu chi phí giao dịch bằng cách lựa chọn mô phỏng danh mục đầu tư của các chỉ số chứng khoán, với mục tiêu thu về lợi suất tương đương đà tăng của chỉ số.

Ngày 13/9/2019, hãng nghiên cứu Moringstar công bố báo cáo theo dõi thị trường với con số đáng chú ý, tổng tài sản được quản lý bởi các quỹ đầu tư cổ phiếu thụ động đã đạt 4,3 nghìn tỷ USD, lần đầu tiên vượt qua số tài sản được quản lý bởi các quỹ đầu tư chủ động (chiến lược quản lý danh mục đầu tư trong đó nhà đầu tư tiến hành việc đầu tư với mục tiêu đạt kết quả tốt hơn các chỉ số chuẩn mực trên thị trường).

Sự trỗi dậy của robot trong ngành công nghiệp tài chính không chỉ thay đổi bộ mặt và tốc độ của thị trường chứng khoán mà còn đặt ra câu hỏi về các chức năng của thị trường, tác động của thị trường chứng khoán tới nền kinh tế và cách thức doanh nghiệp, cũng như nhà quản lý có thể kiểm soát biến động thị trường.

Tự động hóa

Ngày nay, những tiến bộ công nghệ đã thay đổi hoàn toàn diện mạo của các sàn giao dịch và thị trường chứng khoán. Ðầu tiên, máy móc “tước đoạt” những công việc đơn giản nhất.

Nếu như những năm 1970, nhà giao dịch chật ních tại các sàn thì hiện tại, mọi công việc đã được thay thế bởi công nghệ tự động hóa.

Tiếp theo, công việc dành cho các nhà quản lý cũng bắt đầu bị thay thế.

Các quỹ đầu tư định lượng (quant funds) đầu tư theo phương pháp tính toán thuần tuý đổ bộ thị trường.

Mục tiêu của các quỹ quant là thu được lợi nhuận cao vượt trội so với các quỹ đầu tư theo chỉ số bằng cách sử dụng phân tích thống kê toán theo mô hình để quyết định loại chứng khoán nào sẽ tối đa hoá hiệu quả đầu tư.

Sau đó, thay vì mua tất cả các cổ phiếu trong các chỉ số chứng khoán thông dụng như S&P 500, họ mua các cổ phiếu đã chọn mà số liệu thống kê từ các cổ phiếu này cho thấy mức lợi nhuận tiềm năng cao hơn.

Các quỹ quant sau đó “tiến hóa” lên một nấc thang mới. Một số quỹ đi đầu trong chiến lược đầu tư dựa trên thuật toán và số liệu như Bridgewater kết hợp thêm việc đưa ra quyết định đầu tư từ con người.

Trong khi đó, nhiều quỹ khác như Two Sigma và Renaissance Technologie tiếp tục theo đuổi tiến bộ công nghệ, bằng việc ứng dụng máy học (machine learning) và trí thông minh nhân tạo (AI) để lựa chọn cổ phiếu mua - bán.

Như vậy, việc thực hiện các quyết định đầu tư trên thị trường chứng khoán hiện tại đang chủ yếu do máy móc đảm nhiệm.

Theo Deutsche Bank, 90% các nhà giao dịch hợp đồng tương lai và 80% các nhà giao dịch cổ phiếu sẽ bị “loại bỏ” bởi các thuật toán. Thị trường phái sinh cũng sẽ sớm chứng kiến sự thống trị của máy móc trong việc quản lý và thực hiện giao dịch, theo hãng nghiên cứu Tabb Group.

Giao dịch tần suất cao

Ngày nay, có khoảng 7 tỷ cổ phiếu với giá trị 320 tỷ USD được giao dịch mỗi ngày tại thị trường chứng khoán Mỹ. Ða phần số này được thực hiện theo phương thức High-frequency trading (HFT).

HFT là những phần mềm giao dịch sử dụng trên siêu máy tính cho phép nhà đầu tư có thể thực hiện một khối lượng lớn các lệnh trong một thời gian cực ngắn dựa trên thuật toán. Yếu tố chủ chốt của HFT là tốc độ, tốc độ càng nhanh, khả năng sinh lợi càng tốt.

Thị trường chứng khoán “vắng bóng” con người ảnh 1

Thị phần giao dịch của các loại hình đầu tư tại thị trường chứng khoán Mỹ.

Từ cách đây 3 năm, các quỹ định lượng đã trở thành đối tượng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong khối lượng giao dịch tại thị trường chứng khoán Mỹ. Kể từ đầu năm 2019 tới nay, các quỹ này chiếm 36% khối lượng giao dịch của nhà đầu tư tổ chức, tăng so với con số chỉ 18% năm 2010, theo số liệu của Tabb Group.

Ðáng chú ý, chỉ 10% giao dịch của các nhà đầu tư tổ chức được thực hiện theo phương thức truyền thống (nhà quản lý quỹ ra quyết định giao dịch), theo Dubravko Lakos-Bujas, chiến lược gia tại JPMorgan Chase.

Không chỉ gia tăng vị thế trong hoạt động giao dịch, máy móc còn đóng vai trò quan trọng hơn trong việc nắm giữ tài sản.

Tổng giá trị cổ phiếu tại thị trường chứng khoán Mỹ hiện vào khoảng 31 nghìn tỷ USD. 3 loại quỹ đầu tư do máy móc quản lý (quỹ đầu tư chỉ số, ETFs và quỹ định lượng) đã nắm giữ khoảng 35% trong số này.

Các quỹ đầu tư do con người quản lý như các quỹ đầu cơ truyền thống, quỹ tương hỗ, nhà quản lý tài sản cá nhân… nắm giữ khoảng 24%.

Bên cạnh đó, trong khoảng 18 - 19 nghìn tỷ USD tài sản đang được quản lý, ngày càng nhiều tài sản thuộc quyền của máy móc.

Trong đó, các quỹ đầu tư theo chỉ số quản lý khoảng 9 nghìn tỷ USD. Hãng nghiên cứu Bernstein cho biết, các quỹ đầu tư định lượng khác nắm giữ khoảng 2 nghìn tỷ USD. Số còn lại từ 7 - 8 nghìn tỷ do con người cai quản.

Ðáng chú ý, theo nhận định của giới chuyên gia, thị trường chứng khoán với sự tham gia của máy móc đã trở nên hiệu quả hơn rất nhiều.

Chẳng hạn, các quỹ đầu tư thụ động chỉ thu phí 0,03 - 0,09% cho khối lượng tài sản nắm giữ mỗi năm.

Trong khi đó, con số với các quỹ đầu tư chủ động thường cao hơn gấp 20 lần. Các quỹ đầu tư, thường dùng nhiều sản phẩm phái sinh và đòn bẩy để gia tăng lợi nhuận, có thể thu phí tới 20%.

Thị trường chứng khoán “vắng bóng” con người ảnh 2

Tỷ trọng tài sản đầu tư nằm dưới sự quản lý của các quỹ đầu tư thụ động.

Nguyên nhân xuất phát từ việc, chi phí cho máy móc, quy trình đưa quyết định nhờ công nghệ rẻ hơn rất nhiều.

Theo nghiên cứu của Ðại học Chicago, chi phí để thực hiện một lệnh giao dịch (mua - bán) tại các sàn chứng khoán chỉ là 0,0001 USD/cổ phiếu và đang theo xu hướng giảm hơn nữa. Cụ thể, 1/10/2019, Charles Schwab, nhà môi giới hàng đầu tại Mỹ, cùng TD Ameritrade cùng thông báo sẽ hạ phí giao dịch xuống bằng không.

Chi phí giá rẻ lại thúc đẩy thanh khoản, bởi nó quyết định nhà đầu tư có thể mua - bán bao nhiêu cổ phiếu phù hợp với số tiền đề ra.

Ðà leo dốc chưa dừng

Xu hướng máy móc thống trị thị trường chứng khoán sẽ còn leo dốc trong thời gian tới. “Cách đây 30 năm, nhà quản lý quỹ xuất sắc là người có trực giác vào bậc tốt nhất. Ngày nay, đó là những người có chiến lược tiếp cận hợp lý, sử dụng máy móc, dữ liệu, AI…”, David Siegel, đồng chủ tịch Two Sigma nhận định.

Tất nhiên, con người sẽ không hoàn toàn vắng bóng trong bức tranh của thị trường. Vai trò của họ là chọn lựa sẽ đưa thông tin nào vào hệ thống.

Thực tế, có nhiều nhận định trái chiều về vị trí của con người trên thị trường chứng khoán trong thời gian tới, trong bối cảnh không ít quỹ đầu tư đang dần loại bỏ yếu tố con người ra khỏi quy trình đầu tư và máy móc đang chứng tỏ “thực lực” với kết quả đầu tư tích cực.

Bryan Kelly tại Ðại học Yale, người đứng đầu bộ phận máy học của AQR cho biết, các hãng đầu tư thuần túy dựa vào máy móc thường có màn biểu diễn nổi trội so với các quỹ thông thường, nhưng cuối cùng, kết quả có thể không tích cực như người ta vẫn tưởng.

Trong khi đó, các quỹ đầu tư theo kiểu truyền thống cũng đang tích cực tham gia cuộc đua sử dụng công nghệ, dữ liệu nhằm giúp quá trình quyết định đầu tư trở nên hiệu quả hơn.

Tin bài liên quan