Thị trường chứng khoán: Xuyên qua vùng biến động

Thị trường chứng khoán: Xuyên qua vùng biến động

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường chứng khoán Việt Nam tuần qua tiếp tục chịu tác động từ những diễn biến căng thẳng giữa Nga và Ukraina.

Tác động trực tiếp của cuộc xung đột này đến các doanh nghiệp không phải quá lớn, do tỷ trọng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của 2 nước đều chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam, song tác động gián tiếp được cho là rất lớn khi giá cả hàng hóa trên thế giới tăng mạnh.

Dù vậy, diễn biến của thị trường chứng khoán trong nước cho thấy sức chống chịu với rủi ro khá tốt. Mốc kháng cự ở vùng 1.500 điểm tạo nên vùng cản lớn cho chỉ số VN-Index, nhưng vùng hỗ trợ 1.460 điểm vẫn được giữ vững.

Chỉ số VN-Index tiếp diễn xu hướng đi ngang nhưng biên độ dao động khá lớn qua các phiên, qua các nhóm ngành lại tạo sóng và sự hào hứng với các nhà đầu tư, thay vì chỉ diễn biến theo một chiều buồn tẻ như giai đoạn tích lũy trước đây.

Tức là, nếu luân chuyển và nắm bắt đúng nhóm ngành, mã cổ phiếu, nhiều nhà đầu tư vẫn có thể kiếm lợi nhuận tốt. Điều này khiến dòng tiền tuần qua khá sôi động, thanh khoản mỗi phiên đều vượt mức trung bình tuần trước và duy trì trên 25.000 tỷ đồng/phiên.

Với sự chuyển biến nhanh của các sự kiện, dòng tiền đã luân chuyển nhanh sang các nhóm ngành khác như dầu khí, thép, phân bón, thủy sản, một số mã bất động sản có câu chuyện riêng… thay vì ngân hàng như nhiều nhà đầu tư nhận định. Đây cũng là điều nhà đầu tư cần nhanh nhẹn thích nghi với thị trường để đón nhận các cơ hội mới.

Trong tuần này, thị trường đón nhận việc tăng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) trong cuộc họp giữa tháng 3, điều này đã nằm trong kỳ vọng và thông tin đã được đưa ra thị trường từ sớm. Tuy nhiên, nếu mức tăng nhẹ hơn thì có thể là yếu tố hỗ trợ tâm lý thị trường.

Trong kịch bản tốt hơn, dự kiến là mức tăng chỉ khoảng 0,25 điểm phần trăm trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine leo thang thì điều này có thể tác động trong ngắn hạn về mặt tâm lý chung trên thị trường.

Về định giá, hệ số P/E dự phóng năm 2022 của VN-Index hiện ở mức 14,2 lần, mức định giá này đang hấp dẫn hơn so với hầu hết các thị trường trong khu vực. Trong ngắn hạn, biến số về xung đột Nga - Ukraine vẫn là rủi ro nhà đầu tư cần theo dõi và thận trọng. Các yếu tố tích cực có thể tác động đến thị trường trong nửa cuối tháng 3 và suốt tháng 4, bao gồm kết quả kinh doanh sơ bộ quý I/2022 và kế hoạch định hướng năm 2022 trong mùa đại hội cổ đông đã bắt đầu.

Dù vậy, phiên cuối tuần qua cho tín hiệu không mấy tích cực. Vùng 1.470 điểm là mốc hỗ trợ quan trọng đã bị phá vỡ. Nếu chỉ số VN-Index giữ vùng hỗ trợ đi cùng với thanh khoản cải thiện thì đây là tín hiệu gia tăng tỷ trọng cổ phiếu với kỳ vọng chỉ số sẽ kiểm lại vùng đỉnh cũ 1.537 điểm. Khi bị phá vỡ thì vùng hỗ trợ tiếp theo trên chỉ số VN-Index được xác định quanh 1.440 – 1.423 điểm.

Đồ thị diễn biến chỉ số Vn-Index 1 tháng qua.

Đồ thị diễn biến chỉ số Vn-Index 1 tháng qua.

Khi sự phân hóa vẫn tiếp tục diễn ra mạnh mẽ, dòng tiền luân chuyển liên tục và nhanh chóng giữa các nhóm ngành, việc tham gia không theo nhịp của thị trường rất dễ dẫn đến giải ngân sai.

Bởi vậy, chiến thuật phù hợp là hạn chế việc tham gia mua đuổi các phiên tăng giá mạnh, tích lũy ở những phiên thị trường giảm điểm mạnh cho một xu hướng dài hạn hơn. Bởi nhiều khả năng tâm lý nhà đầu tư sẽ ổn định và thị trường có thể phục hồi và bứt tốc mạnh trong tháng 4, khi các thông tin về kết quả kinh doanh quý I/2022 tiếp tục khả quan ở nhiều ngành nghề được hé lộ.

Với các nhà đầu tư lướt sóng, nhanh nhạy với thông tin, việc đặt niềm tin quá lớn vào nhóm cổ phiếu hàng hóa cũng là điều cần suy xét.

Xung đột Nga - Ukraine và các biện pháp trừng phạt của Mỹ và châu Âu lên Nga đang làm dấy lên mối quan ngại về rủi ro đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt khi Nga và Ukraine là hai quốc gia xuất khẩu lớn các sản phẩm kim loại, phân bón, nông sản, dầu và khí đốt.

Tâm lý quan ngại này đã đẩy giá các hàng hóa nói trên, vốn đang neo ở vùng cao do đứt gãy chuỗi cung ứng trong suốt hai năm đại dịch, một lần nữa quay trở lại vùng đỉnh. Tuy nhiên, trái với diễn biến giá cổ phiếu, kết quả kinh doanh của không ít doanh nghiệp có thể không tăng nhanh theo diễn biến giá hàng hóa và khi thông tin được công bố cũng là lúc nhà đầu tư mua vùng giá cao chịu ảnh hưởng.

Bởi thế, phân bổ một phần tỷ trọng vào các cổ phiếu riêng lẻ, có câu chuyện riêng, thuộc ngành triển vọng trong năm 2022, để tìm điểm vào phù hợp cũng là chiến lược cần lưu tâm.

Tin bài liên quan