Thị trường có cơ hội khởi động tăng điểm

Thị trường có cơ hội khởi động tăng điểm

(ĐTCK-online) Trước những biến động vừa qua của thị trường, không ít NĐT tổ chức, trong đó có quỹ đầu tư đã chuyển sang đầu tư ngắn hạn, lướt sóng. Điều này khiến các NĐT nhỏ khó khăn trong chiến thuật đầu tư.

Những tác động từ cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu, kết quả kinh doanh quý II của DN liệu có mang đến những đợt sóng mới cho TTCK? Báo ĐTCK đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đức Thịnh, Phó tổng giám đốc CTCK VNDirect.

Thưa ông, gần đây có hiện tượng các quỹ đầu tư cũng lướt sóng. NĐT nhỏ lẻ cần nhìn nhận như thế nào về hiện tượng này?

Thị trường luôn luôn biến động, dẫn đến hành động của các NĐT phải thay đổi kịp thời. Các quỹ đầu tư ở Việt Nam gần đây đã "năng động" hơn trong việc mua bán chứng khoán. Tôi cho rằng, đây là động thái bình thường nhằm thích ứng với điều kiện thị trường. NĐT tổ chức và cá nhân có chiến lược, chiến thuật đầu tư khác nhau. Quỹ đầu tư thường có lượng tiền lớn, nắm giữ trạng thái lớn các loại chứng khoán khác nhau, thời hạn đầu tư tương đối dài, có thể là 3 năm, 5 năm hoặc lâu hơn. Quan sát hành động mua bán của các quỹ cũng rất khó đoán biết được động cơ đích thực của họ, do vậy, các NĐT nhỏ lẻ chỉ nên tham khảo.

Các NĐT không nên máy móc đi theo một trường phái hay theo phương thức đầu tư nào và bảo thủ với nó. Có những NĐT chủ yếu đầu tư dựa vào giá trị căn bản của DN, mua cổ phiếu tốt nhưng giá lại không lên trong ngắn hạn. Nếu NĐT sốt ruột để có lợi nhuận trong ngắn hạn thì sẽ không đạt được kỳ vọng. Đầu tư dựa vào mô hình phân tích kỹ thuật cũng được nhiều NĐT áp dụng. Dù theo trường phái đầu tư nào thì NĐT cá nhân cũng cần xác định rõ chiến lược đầu tư cụ thể theo từng giai đoạn của thị trường, cũng như mục tiêu lợi nhuận kỳ vọng và khả năng chấp nhận rủi ro của mình. Sự linh hoạt chính là lợi thế của NĐT cá nhân so với NĐT tổ chức.

 

Dòng tiền đã và đang chảy mạnh vào các cổ phiểu nhỏ (penny stock) thay vì cổ phiếu lớn (blue-chip). Ông nghĩ sao về hiện tượng này?

Thông thường, khi nền kinh tế vĩ mô ổn định, nguồn vốn tín dụng được khơi thông, dòng tiền của các tổ chức đầu tư đổ vào thị trường thì cổ phiếu blue-chip sẽ là điểm đến. Thời gian vừa qua, các cổ phiếu tăng giá theo từng nhóm, trong đó phần lớn là các cổ phiếu nhỏ và trung bình. Hiện nhiều nhóm NĐT tham gia đầu tư vào các cổ phiếu penny. Cần phải nhìn nhận loại cổ phiếu này một cách đầy đủ và khách quan hơn. Trên thực tế, có những DN vượt qua khủng hoảng, do đổi mới, tận dụng được lợi thế và có những bước tiến vượt bậc về kết quả kinh doanh. Trước đó, giá cổ phiếu của DN bị sụt giảm quá mức. Nếu NĐT chọn đúng và chớp được cơ hội thì thu được lợi nhuận lớn. Tuy nhiên, cuốn theo phong trào đó thì cũng có cổ phiếu tăng quá mức, mà bản thân lãnh đạo DN đó cũng không hiểu vì sao. NĐT không tỉnh táo mà tham gia đầu tư và lạm dụng đòn bẩy tài chính thì sẽ là người chịu hậu quả, thua lỗ nặng. Ngay từ tháng 5, Bộ phận Phân tích đầu tư của VNDirect đã nhiều lần khuyến cáo NĐT về sự tăng giá bất hợp lý của một số cổ phiếu penny và rủi ro của nó.

 

Vừa qua có thông tin rằng, với sự giúp sức của CTCK, một số nhóm NĐT hợp lực để làm giá một mã cổ phiếu nào đó?

Tôi cho rằng, bất cứ một thị trường nào cũng cần các nhà tạo lập thị trường, nhằm tăng tính thanh khoản và điều chỉnh thị trường khi cần thiết. Tuy nhiên, TTCK Việt Nam còn non trẻ, cần phải có kiểm soát để tránh làm méo mó thị trường. Cá nhân tôi chưa biết trường hợp nào NĐT làm giá cổ phiếu với sự góp sức của CTCK. Nhưng ở góc độ công ty, cũng khó biết được ý đồ của nhóm NĐT nào tham gia vào việc mua bán, làm giá. Về mặt dài hạn, CTCK cần thị trường phát triển lành mạnh và bền vững.

 

Cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu có vẻ tác động mạnh đến tâm lý NĐT. Thời gian tới, diễn biến thị trường sẽ ra sao nếu cuộc khủng hoảng này chưa có dấu hiệu cải thiện?

Chúng ta đều thấy là ngày nay chu kỳ kinh tế diễn ra ngắn và diễn biến nhanh hơn so với trước đây. Cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu đang có tác động mạnh đến các quốc gia châu Âu và một số quốc gia khác. Với Việt Nam, tôi cho rằng, không bị tác động nhiều, mà chủ yếu do yếu tố tâm lý. Những tháng gần đây, VN-Index chủ yếu dao động quanh mức 485 - 520 điểm. Sự dao động như vậy là không quá lớn. Tuy nhiên, vẫn có những NĐT bị thua lỗ nặng, do họ lạm dụng đòn bẩy tài chính và đầu tư vào các cổ phiếu penny khi giá đã bị đẩy lên quá cao.

Thời gian tới, tôi nhận thấy có những tín hiệu lạc quan hơn về xu hướng thị trường trong trung hạn. Thị trường đứng trước nhiều cơ hội để khởi động một đợt tăng điểm mới, sẽ diễn ra trong khoảng cuối tháng 6, đầu tháng 7. Thị trường tiền tệ hiện ghi nhận những dấu hiệu tích cực, đến từ mặt bằng lãi suất đang được hạ thấp, cung ứng tín dụng của hệ thống ngân hàng dồi dào hơn, tỷ giá hối đoái ổn định… Đây chính là môi trường thuận lợi cho những quyết định đầu tư. Đồng thời, sự ổn định trở lại của TTCK quốc tế cũng là yếu tố quan trọng thúc đẩy niềm tin của NĐT trên TTCK Việt Nam.

Chúng tôi kỳ vọng, điểm rơi về thông tin tác động tới toàn bộ thị trường diễn ra sau khi kết thúc kỳ họp Quốc hội và tình hình tín dụng trong nước thực sự có bước đột phá vào cuối tháng 6 này.