Thị trường con gấu và thị trường con bò tót

Lâu nay, chúng ta thường nghe nhắc tới thuật ngữ “Thị trường con bò tót” và “thị trường còn gấu” ở các bài viết, bài phân tích về chứng khoán. Và gần như ở các sở giao dịch chứng khoán trên thế giới đều có biểu tượng con bò hoặc cả con bò và con gấu (như tại Sở GDCK TP. HCM - HOSE). Vậy “Thị trường con gấu” và “Thị trường con bò tót” là gì? Nó biếu hiện cho xu hướng gì của thị trường và nói lên điều gì? Sau đây, chúng ta cùng tìm hiểu về các thuật ngữ này.

Khái niệm

Thị trường con bò tót dùng để chỉ một thị trường đang trên đà đi lên. Điều đó đặc trưng bởi sự gia tăng đều đặn thị giá của các CP. Trong thời gian thị trường là "con bò tót", giới đầu tư có niềm tin rằng, một xu hướng đi lên sẽ còn tiếp tục. 

Thị trường con gấu là thị trường đang xuống dốc. CP không ngừng rớt giá và kết quả là một xu hướng trượt dốc mà NĐT tin rằng sẽ tiếp diễn trong thời gian dài.

 

Đặc trưng

1.Cung và cầu chứng khoán: trong một thị trường con bò tót, cầu chứng khoán cao hơn cung. Nói một cách khác, nhiều NĐT muốn mua, trong khi rất ít người muốn bán. Kết quả là giá CP tăng. Trong khi đó, ở thị trường con gấu, sẽ có nhiều người muốn bán hơn là muốn mua. Cầu thấp đáng kể so với cung và tất yếu dẫn đến giá CP giảm.

2.Tâm lý NĐT: Trong thị trường con bò tót, hầu hết NĐT cảm thấy hứng thú với thị trường, họ sẵn sàng tham gia vào thị trường với hy vọng sẽ thu được lợi nhuận. Ngược lại, trong một thị trường con gấu, tâm lý NĐT là tiêu cực, khiến họ tháo chạy khỏi thị trường và điều này đôi khi lại đẩy thị trường trượt dốc mạnh hơn.

3.Sự thay đổi trong hoạt động kinh tế: Một thị trường con gấu thường liên quan đến một nền kinh tế yếu kém, khi hầu hết   DN không có lợi nhuận cao. Tất nhiên, sự sụt giảm lợi nhuận này sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến cách thức thị trường định giá các CP. Còn trong một thị trường con bò tót, điều ngược lại sẽ xảy ra.

 

NĐT nên làm gì?

Trong thị trường con bò tót, điều lý tưởng NĐT nên làm là tận dụng việc giá tăng lên để mua vào ngay từ đầu thời kỳ và bán ra khi giá các CP họ nắm giữ đang lên đến đỉnh (việc xác định chính xác khi nào là đáy và khi nào là đỉnh là điều không thể). Vì nhìn chung, NĐT có xu hướng tin tưởng rằng thị trường đang tăng, họ sẽ có nhiều khả năng thu được lợi nhuận hơn và khi giá đang tăng, bất kỳ một khoản thua lỗ nào cũng trở thành nhỏ bé và mang tính tạm thời.

Trong một thị trường con gấu, nguy cơ thua lỗ cao hơn bởi giá cả không ngừng giảm đi và thật khó để xác định đâu là điểm dừng cuối cùng. Thậm chí,kể cả khi NĐT kiên nhẫn chờ đến lúc giá tăng, nhiều khả năng vẫn phải chịu một khoản thua lỗ nhất định trước khi thị trường đổi chiều. Vì thế, khả năng thu lời trong thời kỳ này chủ yếu nằm ở các hình thức đầu tư an toàn hơn như các loại trái phiếu hoặc các tài sản khác. Việc phân chia tỷ lệ nguồn vốn của bạn vào CP, trái phiếu, tiền mặt và các loại tài sản khác chính là gốc rễ của việc đa dạng hóa đầu tư. Cách thức phân chia như thế nào phụ thuộc vào khả năng chấp nhận rủi ro, mục tiêu và thời gian đầu tư… NĐT cũng có thể chuyển hướng sang các CP "phòng thủ" - những CP chịu tác động rất nhỏ từ sự thay đổi xu hướng trên thị trường và nhờ đó khá ổn định, bất kể nền kinh tế đang thoái trào hay bùng nổ. Tuy nhiên, thị trường con gấu lại có thể đem đến cho NĐT những cơ hội tuyệt vời. Đối với NĐT giá trị, thị trường con gấu là cơ hội mua vào hiếm có, bởi CP của các công ty tốt bị đánh tụt xuống ngang hàng với các công ty khác và rơi xuống mức giá rất hấp dẫn.

 

Lưu ý

Yếu tố cốt lõi quyết định một thị trường là con gấu hay con bò tót là xu hướng trong dài hạn, chứ không phải những phản ứng tức thời của thị trường trước một sự kiện cụ thể. Những biến động nhỏ chỉ phản ánh các xu hướng ngắn hạn hoặc các phiên điều chỉnh và nhìn chung, về dài hạn thị trường luôn có xu hướng vận động theo chiều hướng tích cực.