Thị trường dầu mỏ dễ bị tổn thương hơn trước những cú sốc do lãi suất tăng

Thị trường dầu mỏ dễ bị tổn thương hơn trước những cú sốc do lãi suất tăng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Mặc dù được đánh giá là một năm một cơ hội vàng cho giá dầu hồi phục, nhưng diễn biến thực tế lại đang cho thấy khó khăn hơn bất kỳ năm nào đối với thị trường này.

Sự phục hồi của Trung Quốc sau các đợt đóng cửa và việc các chính phủ phương Tây chấm dứt việc phát hành kho dự trữ dầu chiến lược nhằm mở đường cho giá dầu cao hơn. Tuy nhiên, giá dầu đã giảm hơn 10 USD/thùng trong nửa đầu năm.

Nguyên nhân khiến giá dầu thấp hơn thường được cho rằng do nhu cầu suy yếu. Suy thoái sản xuất ở phương Tây đã làm sứt mẻ tâm lý, cũng như thị trường bất động sản đang suy yếu của Trung Quốc. Tuy nhiên, nhu cầu dầu không hề yếu.

Từ đầu năm đến nay, dữ liệu chính thức từ các cơ quan chính phủ và công ty phân tích OilX cho thấy nhu cầu dầu toàn cầu đã tăng 2,5 triệu thùng/ngày so với cùng kỳ năm ngoái, vượt dự đoán của Energy Aspects là 0,3 triệu thùng/ngày.

Mặc dù nhu cầu đối với một số sản phẩm dầu công nghiệp thấp hơn, nhưng hoạt động mua hàng của người tiêu dùng vẫn mạnh mẽ, một phần là do chính sách tài khóa mở rộng như Đạo luật Giảm lạm phát của Mỹ. Sự thất vọng càng rõ ràng hơn đối với những người đầu cơ giá lên khi các nhà sản xuất OPEC+ liên tục can thiệp để cắt giảm sản lượng.

Việc cắt giảm sản lượng do Ả Rập Xê Út và Nga mới công bố chỉ nâng đỡ thị trường trong một thời gian ngắn, trong bối cảnh lo ngại về nhu cầu yếu và lãi suất tiếp tục tăng có thể gây ra suy thoái kinh tế và làm giảm nhu cầu nhiên liệu hơn nữa.

Hôm thứ Hai (3/7), Ả Rập Xê Út cho biết họ sẽ gia hạn cắt giảm sản lượng tự nguyện 1 triệu thùng/ngày đến tháng 8, trong khi Nga và Algeria tình nguyện cắt giảm mức sản lượng và xuất khẩu trong tháng 8 tương ứng 500.000 thùng/ngày và 20.000 thùng/ngày.

Các nhà phân tích từ Commonwealth Bank of Australia cho biết: “Quỹ đạo của các kho dự trữ dầu toàn cầu có thể sớm trở nên phù hợp khi OPEC+ cắt giảm nguồn cung và những cơn gió ngược vĩ mô do Cơ quan Năng lượng Quốc tế đưa ra triển vọng về thị trường dầu thắt chặt trong nửa cuối năm 2023”.

Vậy tại sao giá dầu không tăng cao hơn?

Energy Aspects cho rằng, lãi suất cao hơn đã làm tăng chi phí vốn cũng như lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu khiến các doanh nghiệp giảm hàng tồn kho.

Đối với các nhà máy lọc dầu và các công ty thương mại, chi phí chứa dầu trong bể đã trở nên đắt đỏ hơn nhiều. Và chi phí tài chính tăng lên cũng có nghĩa là chi phí đối với sản phẩm không bán được (nếu suy thoái kinh tế cuối cùng khiến nhu cầu chậm lại) cao hơn trước. Phản ứng này của các công ty đối với lãi suất cao hơn lại khiến thị trường dễ bị sốc, đặc biệt là khi nhu cầu đã được chứng minh là có khả năng phục hồi cho đến nay.

Thế giới đang thay đổi sau hơn một thập kỷ áp dụng chính sách lãi suất bằng 0, chính sách này đã tạo ra tâm lý tự mãn. Các công ty thương mại phát triển nhanh chóng trong thập kỷ qua đơn giản là không có cùng kinh nghiệm hoạt động trong môi trường lãi suất khác 0.

Trong hai thập kỷ dẫn đến cuộc khủng hoảng tài chính, có một mối quan hệ rõ ràng giữa lãi suất và cấu trúc của thị trường dầu mỏ. Cứ lãi suất tăng thêm 1%, dự trữ dầu thô ở các nước phát triển giảm trung bình 10 triệu thùng/năm - tương đương với nhu cầu xăng cả ngày ở Mỹ vào thời điểm mức tiêu thụ toàn cầu thấp hơn rất nhiều.

Trong thời kỳ mà các hợp đồng tương lai dầu mỏ ở trạng thái backwardation (bù hoãn bán) - một cấu trúc thị trường cho thấy giá giao ngay cao hơn do nhu cầu mạnh - việc giảm dự trữ sẽ tăng tốc rõ rệt khi lãi suất tăng.

Khoảng thời gian chuyển giao thiên niên kỷ được cho là gần nhất với ngày nay. Khoảng thời gian này, lãi suất của Mỹ đã tăng thêm 5% kể từ tháng 3 năm ngoái từ mức gần bằng 0. Và tồn kho dầu đang bắt đầu ở mức thấp hơn so với trước đại dịch nhờ nỗ lực quản lý nguồn cung của OPEC.

Energy Aspects tính toán rằng, dự trữ dầu thô của OECD thực tế có sẵn trên thị trường (đã điều chỉnh cho 280 triệu thùng dầu bị mất trong các đường ống và cơ sở hạ tầng mới) hiện chỉ tương đương với khoảng 22 ngày nhu cầu, thấp hơn 3 ngày so với nhu cầu trung bình giai đoạn 2010-2019.

Thị trường đang trên lớp băng mỏng. Ở châu Á, có những dấu hiệu cho thấy các nhà máy lọc dầu đang lo lắng việc giảm lượng hàng tồn kho đã đi quá xa và đang tìm cách bổ sung. Energy Aspects dự đoán rằng vào cuối năm nay, dự trữ dầu thương mại toàn cầu sẽ giảm xuống mức thấp nhất được thấy trong thập kỷ qua. Đồng thời, chính phủ Mỹ sẽ chỉ mới bắt đầu mua lại 180 triệu thùng dầu thô để bổ sung cho kho dự trữ dầu chiến lược đã cạn kiệt vào năm ngoái.

Tất cả những điều này sẽ khiến thị trường dễ bị tổn thương trước những cú sốc và những động thái chính sách bất ngờ của OPEC+ vào cuối năm nay.

Tin bài liên quan