Thị trường dầu tiếp tục đối mặt với nhiều yếu tố không chắc chắn

Thị trường dầu tiếp tục đối mặt với nhiều yếu tố không chắc chắn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường dầu thô tiếp tục bước vào một tuần bất ổn, một bên là căng thẳng địa chính trị Nga - Ukraine đang diễn ra và việc mở rộng các đợt phong tỏa liên quan đến kiểm soát Covid-19 ở Trung Quốc, nhà nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới.

Giá dầu Brent và dầu WTI của Mỹ đã tăng mạnh trong tuần qua với mức tăng lần lượt 11,5% và 8,8%, do kỳ vọng các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây lên Nga sẽ bắt đầu ảnh hưởng đến cả xuất khẩu và sản xuất của nước này.

Các nhà phân tích dầu cho rằng, thị trường sẽ phải vật lộn để tìm đủ nguồn cung trong những tháng tới do xuất khẩu của Nga dự kiến ​​sẽ giảm từ 1 - 3 triệu thùng/ngày. Nga là nước xuất khẩu dầu thô lớn thứ hai thế giới.

Một nguồn tin cho biết, chính quyền Biden đang xem xét đợt phát hành dầu khác từ Cục Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược và có thể lớn hơn mức bán 30 triệu thùng hồi đầu tháng. Tổng cộng, Mỹ và các thành viên khác của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã giải phóng khoảng 60 triệu thùng từ nguồn dầu dự trữ.

Natasha Kaneva, Trưởng bộ phận nghiên cứu hàng hóa tại JP Morgan cho biết: "Các thành viên IEA chắc chắn có khả năng làm được nhiều hơn thế với có khoảng 1,5 tỷ thùng dầu từ nguồn dự trữ chiến lược”.

Trong khi đó, sự lây lan nhanh chóng của các ca nhiễm Covid-19 ở Trung Quốc có thể làm suy yếu nhu cầu. Trung tâm tài chính Thượng Hải của Trung Quốc hôm 27/3 cho biết, họ sẽ đóng cửa thành phố trong hai giai đoạn để thực hiện xét nghiệm Covid-19 trong thời gian 9 ngày sau khi báo cáo về số ca nhiễm kỷ lục hàng ngày mới mà không có triệu chứng.

JP Morgan tuần trước đã hạ kỳ vọng nhu cầu dầu quý II tại Trung Quốc thêm 520.000 thùng/ngày xuống 15,8 triệu thùng/ngày.

Thị trường cũng sẽ đổ dồn vào cuộc họp cấp bộ trưởng tiếp theo của OPEC vào thứ Năm (31/3) sau khi các nhà lãnh đạo G7 kêu gọi OPEC tăng cường sản lượng để bù đắp cho sự gián đoạn sau ảnh hưởng bởi căng thẳng địa chính trị.

Các nhà phân tích dự báo rằng, sự tẩy chay ngày càng tăng của quốc tế với dầu của Nga sẽ buộc sản xuất của Nga giảm khoảng 3 triệu thùng/ngày kể từ tháng 4. Nếu các thành viên OPEC chấp nhận rằng, sản xuất của Nga có khả năng giảm đáng kể thì sẽ có ảnh hưởng tới trong việc tuân thủ thỏa thuận OPEC+ hiện tại.

Nhưng liệu Opec có thể tăng đáng kể sản lượng hay không là một vấn đề khác. OPEC đã liên tục không đạt được mục tiêu tăng hàng tháng hiện tại là 400.000 thùng/ngày và công suất dự phòng của Opec hiện đã giảm xuống còn từ 2 - 3 triệu thùng/ngày, tập trung ở Ả Rập Xê Út và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.

Tin bài liên quan