Thị trường diễn biến thế nào sau kỳ nghỉ lễ 2/9?

Thị trường diễn biến thế nào sau kỳ nghỉ lễ 2/9?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2/9, điều nhà đầu tư quan tâm là diễn biến thị trường sẽ như thế nào khi áp lực đáo hạn trái phiếu tiếp tục là điểm nóng, thông tin cuộc họp về lãi suất của Fed sẽ được theo dõi chặt chẽ và những thay đổi của Thông tư 06 cũng là nhân tố ảnh hưởng mạnh đến hai nhóm ngành lớn nhất thị trường là ngân hàng và bất động sản.

Theo thống kê của Báo Đầu tư Chứng khoán, trong 15 năm trước kỳ nghỉ lễ, VN-Index đã có 10 tuần tăng và 5 tuần giảm, trong khi HNX-Index có 11 tuần tăng và 4 tuần giảm.

Điều đáng chú ý, đa số các tuần tăng/giảm trước kỳ nghỉ của 2 chỉ số này đều song hành cùng nhau qua các năm, trừ năm 2015, khi đó, VN-Index giảm 1,5% thì HNX-Index lại tăng 1,11%.

Còn sau kỳ nghỉ lễ 2/9, VN-Index và HNX-Index cũng có những diễn biến tương đồng, khi cùng tăng hoặc giảm, ngoại trừ năm 2012, 2016 và 2020.

Với VN-Index, tuần tăng mạnh nhất trước kỳ nghỉ là vào năm 2011, khi đó chỉ số +7,6%, trong khi giảm mạnh nhất là năm 2013 với -1,89%. Ngược lại, sau kỳ nghỉ, năm tăng tốt nhất vào 2011 khi tăng 5,56% và năm 2009 là năm tệ nhất, khi chỉ số mất 3,53%.

Tuần sau kỳ nghỉ lễ gần nhất, với ngày giao dịch từ 05/9 đến 09/9/2022, chỉ số VN-Index có đợt phục hồi mạnh và tăng hơn 40 điểm, tương đương +3,44% lên hơn 1.224 điểm.

Đối với HNX, tuần tăng mạnh nhất trước kỳ nghỉ rơi vào năm 2010 với +10,95%, trong khi giảm mạnh nhất là năm 2012 và năm 2022, cùng với mức giảm -2,53%. Ngược lại, sau kỳ nghỉ, tăng tốt nhất là năm 2011 với mức +1,87% và giảm sâu nhất cũng là năm 2009 với mức -3,1%.

Diễn biến thị trường trong tuần trước và sau kỳ nghỉ lễ 2/9 từ năm 2009 đến nay:

Năm

Tuần trước kỳ nghỉ

Tuần sau kỳ nghỉ

VN-Index

HNX-Index

VN-Index

HNX-Index

2009

+2,08%

+2,74%

-3,53%

-3,1%

2010

+6,78%

+10,95%

-1,56%

-0,17%

2011

+7,6%

+8,55%

+5,56%

+1,87%

2012

-0,84%

-2,53%

+0,4%

-2,04%

2013

-1,89%

-0,35%

+1,56%

-1,28%

2014

+2,64%

+4,37%

+0,31%

+1,72%

2015

-1,5%

+1,11%

-0,97%

-0,93%

2016

+2,02%

+0,14%

-0,34%

+0,52%

2017

+2,2%

+1,15%

+1,57%

+0,01%

2018

+0,3%

+1,05%

-2,08%

-1%

2019

-0,86%

-0,9%

-1,08%

-1,37%

2020

+1,49%

+2,3%

-1,39%

+0,13%

2021

+2,75%

+2,56%

+0,8%

+1,27%

2022

-0,16%

-2,53%

-2,48%

-2,5%

2023

+3,44% +2,82%

-

-

Còn trong tháng 9 khoảng những năm gần đây, thì vào các năm 2017 và 2018, thị trường đều tăng rất tốt, đặc biệt là năm 2018, chỉ số đã vọt lên trên 1.017 điểm từ mức quanh vùng 98x-99x điểm trong tháng 7, tháng 8 trước đó.

Tuy nhiên, sau đó, thị trường dần đuối sức và bắt đầu suy yếu mạnh khi bước vào tháng 10, với phiên mất hơn 48 điểm vào ngày 11/10 (-4,84%) - phiên "đen tối" thứ hai của VN-Index, sau phiên ngày 5/2 với mức giảm 5,1%.

Đáng kể nhất là “tháng 9 Covid” trong năm 2020, khi VN-Index có thời điểm tăng lên cao nhất 914,5 điểm. Kể từ khi Covid-19 bùng phát hồi tháng 3 gây ra tâm lý hoảng loạn và đợt bán tháo trên diện rộng của sàn chứng khoán, VN-Index lần đầu tiên trụ vững ở mốc 900 điểm khi kết thúc tháng này và tăng hơn 38% so với mức đáy 655 điểm cuối quý I.

Còn thanh khoản ghi nhận tăng tháng thứ ba liên tiếp. Tháng 9 cũng là tháng có giá trị giao dịch bình quân mỗi ngày lớn nhất từ đầu năm 2020 (hơn 5.000 tỷ đồng/phiên).

Tháng 9/2022, thị trường đã có đợt lao dốc mạnh với mức giảm gần 150 điểm của VN-Index, từ ngưỡng 1.280 điểm xuống gần 1.132 điểm, tương đương mất 11,5% và ghi nhận là tháng 9 tồi tệ nhất từ trước đến nay.

Thanh khoản thị trường ghi nhận giá trị và khối lượng giao dịch bình quân phiên lần lượt chỉ đạt trên 13.396 tỷ đồng và 527,18 triệu cổ phiếu, tương ứng giảm 14,16% về giá trị bình quân và 15,9% về khối lượng bình quân so với tháng trước đó.

Trong tháng 9/2022, Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất điều hành 1%, sau gần 11 năm kể từ lần tăng gần nhất.

Với mức điều chỉnh kể trên, lãi suất điều hành đã về lại mức tương đương tháng 3/2020, và thấp hơn 50 điểm cơ bản so với thời điểm trước Covid-19 (ngoại trừ trần lãi suất huy động dưới 6 tháng).

Động thái này diễn ra ngay sau khi Fed nâng lãi suất điều hành trong kỳ họp tháng 9/2022, và tương đồng với xu hướng của các ngân hàng trung ương khác trên thế giới để chống lạm phát và còn kéo dài cho đến nay...

Diễn biến thị trường chứng khoán Việt Nam trong tháng 9 từ năm 2009:

Tháng 9 các năm

VN-Index

HNX-Index

2009

+6,23%

+7,02%

2010

-0,13%

-0,85%

2011

+0,51%

-2,52%

2012

-0,87%

-9,7%

2013

+4,21%

-0,39%

2014

-5,94%

+1,82%

2015

-0,37%

+1,39%

2016

+1,64%

+0,73%

2017

+2,76%

+3,63%

2018

+2,78%

+3,09%

2019

+1,57%

-2,67%

2020

+2,67%

+6,47%

2021

+0,8%

+4,23%

2022

-11,5%

-14,3%

Trong tháng 9/2023, thông tin được chờ đợi nhất là cuộc họp thường niên bàn về lãi suất của Fed. Giới phân tích dự báo Fed sẽ dừng tăng lãi suất trong đợt này, sau một loạt dữ liệu kinh tế cho thấy sự chậm lại trong nền kinh tế Mỹ.

Tại thị trường trong nước, một vấn đề được theo dõi sát sao là thị trường trái phiếu, khi có khoảng 25.820 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn.

Theo thống kê ước tính trong cả năm 2023, tháng 9 chỉ đứng sau tháng 6 (với 34.796 tỷ đồng) và tháng 8 (với 27.854 tỷ đồng) về giá trị trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn theo tháng.

Trong bối cảnh đó, danh sách các doanh nghiệp chậm thanh toán theo công bố của HNX vẫn đang kéo dài thêm qua từng ngày. Tính đến ngày 24/8/2023, có khoảng 67 doanh nghiệp nằm trong danh sách chậm nghĩa vụ thanh toán lãi hoặc nợ gốc trái phiếu doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Thông tư số 10/2023/TT-NHNN được Ngân hàng Nhà nước ban hành ngày 23/8/2023 đã ngưng hiệu lực thi hành một số điều khoản tại Thông tư số 06/2023/TT-NHNN cũng sẽ được thị trường phân tích và đánh giá sâu hơn.

Ngoài ra, còn có những thông tin về các dự án đầu tư công lớn, các số liệu kinh tế vĩ mô, kỳ vọng vào một số báo cáo kết quả kinh doanh quý III/2023 cũng sẽ có ảnh hưởng lớn đến thị trường.

Tin bài liên quan